(HNM) - Ngày 22-11, Bộ Y tế có công văn hỏa tốc, yêu cầu Sở Y tế Hà Nội khẩn trương phối hợp với các đơn vị liên quan làm rõ vụ bệnh nhi Nguyễn Đình Quân (16 tháng tuổi) tử vong tại Phòng khám Hương Sơn (Thường Tín - Hà Nội) do bác sĩ Phạm Anh Sơn, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện (BV) Đa khoa Thường Tín làm chủ.
Ngày 19-11, cháu Nguyễn Đình Quân được gia đình đưa đến Phòng khám Hương Sơn để khám, điều trị viêm phổi. Tại đây, bác sĩ Phạm Anh Sơn đã trực tiếp khám và tiêm mũi thứ nhất cho cháu Quân, đồng thời cấp thuốc về nhà uống. Đến chiều tối 20-11, gia đình lại đưa cháu đến phòng khám để tiêm mũi thứ hai. Tuy nhiên, khi tiêm xong mũi thứ hai, cháu Quân có biểu hiện sùi bọt mép. Gia đình hoảng hốt bế cháu Quân quay ngược trở vào phòng khám để cấp cứu. Ngay sau đó, bác sĩ Sơn tiêm thêm hai mũi vào đùi cháu Quân. Khi thấy tình hình xấu đi, gia đình đã xin đưa đi cấp cứu nhưng bác sĩ vẫn quyết định tiếp tục cho cháu bé thở ôxy và truyền nước.
Đến khi mạch cháu Quân yếu hẳn, truyền nước không nhận, bác sĩ mới gọi xe đưa đi cấp cứu tại BV Nông nghiệp. Khi vào tới BV, các bác sĩ ở đây kết luận, cháu Quân đã tử vong trước khi đưa đến đây.
Trước sự việc này, ông Nguyễn Hữu Luân, Trưởng phòng Y tế huyện Thường Tín cho biết, bác sĩ Phạm Anh Sơn đã mở phòng khám tại nhà riêng nhiều năm nay nhưng hiện vẫn chưa được cấp giấy phép hoạt động. Nhiều lần cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra và yêu cầu đóng cửa nhưng phòng khám vẫn hoạt động lén lút. Trước đó ngày 13-6, UBND huyện Thường Tín đã có Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động hành nghề y tư nhân đối với phòng khám này, số tiền phạt 17,5 triệu đồng.
Chiều qua 22-11, trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, sáng 22-11, Phòng Nghiệp vụ y, Thanh tra Sở Y tế đã có buổi làm việc với BV Đa khoa Thường Tín. Phía BV cho biết, khi hành nghề ngoài công lập, bác sĩ đã không báo cáo BV. Cùng ngày, Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu BV tạm đình chỉ công tác đối với bác sỹ Phạm Anh Sơn. Ông Nguyễn Khắc Hiền cũng cho biết thêm, trong sự việc trên, lỗi đầu tiên thuộc về bác sĩ đã hành nghề "chui". Còn về phía quản lý, Phòng Y tế huyện Thường Tín đã phát hiện, xử lý nhưng lại thiếu phối hợp với chính quyền sở tại - nơi phòng khám hoạt động.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.