Theo dõi Báo Hànộimới trên

Điều quan trọng là giữ được bản sắc

Ngô Kim Thủy| 07/01/2014 06:26

(HNM) - Trở về nước sau chuyến lưu diễn thành công tại Pháp vào dịp năm mới với chương trình múa rối nước


- Chúc mừng anh và các nghệ sĩ đã có chuyến biểu diễn thành công tại Pháp! Là người trực tiếp biểu diễn trong chương trình này, anh có thể chia sẻ về phản hồi của khán giả Pháp sau khi xem “Truyện cổ tích Andersen”?

- Thú thực, trước khi biểu diễn chúng tôi rất lo lắng, một phần vì phải diễn những câu chuyện cổ tích phương Tây đã rất quen thuộc với người nước ngoài, không biết họ có chấp nhận cách kể bằng hình thức rối nước hay không. Bất ngờ là khi ánh đèn sân khấu tắt, khán phòng im bặt và khán giả dành cho chúng tôi những tràng pháo tay không dứt sau mỗi câu chuyện. Hạnh phúc hơn nữa là chương trình của chúng tôi được một kênh truyền hình của Pháp tường thuật trực tiếp, điều mà trước đó các nghệ sĩ không bao giờ nghĩ đến. Kết thúc 5 ngày biểu diễn (từ 26 đến 30-12-2013), Giám đốc Nhà hát Claude Lévi Strauss, nơi chúng tôi biểu diễn, đã dành rất nhiều lời khen ngợi cho đoàn, nói rằng các nghệ sĩ múa rối Việt Nam đã mang đến sự ngạc nhiên thú vị mà khán giả Pháp chưa từng được thưởng thức. Đó là sự động viên quý giá đối với chúng tôi.



- Theo lời của các nghệ sĩ biểu diễn, đặc biệt là đạo diễn chương trình Ngô Quỳnh Giao, “Truyện cổ tích Andersen” không chỉ được truyền thông khen ngợi, mà còn chứng tỏ sự thành công về mặt nghệ thuật, cho thấy múa rối nước Việt Nam không chỉ có những tích trò quen thuộc, mà còn có thể biểu diễn với những cốt truyện phức tạp hơn, có tình tiết, tuyến nhân vật với đủ cảm xúc hỉ - nộ - ái - ố. Bao giờ nghệ sĩ Việt Nam sẽ “múa rối hóa” những câu chuyện cổ quen thuộc của người Việt?

- Thật ra, chúng tôi từng dàn dựng một số vở rối nước dựa trên những câu chuyện cổ tích của Việt Nam và đã giới thiệu với công chúng trong nhiều dịp rồi. Tuy nhiên, trước đây, việc dàn dựng còn khá sơ sài, thiếu chiều sâu so với “Truyện cổ tích Andersen”. Sự thành công trong chuyến lưu diễn vừa rồi cho chúng tôi nhiều kinh nghiệm, thúc đẩy ý tưởng làm mới các tiết mục của mình. Rối nước lâu nay quen thuộc với khán giả trong và ngoài nước chỉ với những tích trò cổ, ý tưởng mới gặp không ít khó khăn, chủ yếu là vì bị hạn chế về không gian biểu diễn, sự khó khi thay đổi quân rối. Sau thành công này, chúng tối tự tin hơn khi nghĩ đến những cốt truyện phức tạp.

- Nghệ thuật xiếc có chương trình “Làng tôi” đậm bản sắc văn hóa Việt theo chân nghệ sĩ chu du khắp Châu Âu, chinh phục khán giả ở nhiều quốc gia khác nhau. Anh có nghĩ đến viễn cảnh múa rối Việt Nam tạo được hiệu ứng tương tự?

- Chúng tôi đã suy nghĩ nhiều lắm, nhưng để thực hiện thì cần phải có thời gian. Có nhiều tích trò khi kết hợp với chèo, xiếc thì rất hay, nhưng lại không thể áp dụng với múa rối được. Với múa rối, điều quan trọng là dù làm mới vở rối thì vẫn phải giữ được bản sắc riêng.

- Hiện nay, sân chơi nghệ thuật dành cho thiếu nhi rất ít, việc ấy có một phần lỗi của các đơn vị nghệ thuật khi đã không tìm đủ cách tiếp cận trẻ nhỏ. Nhà hát múa rối có thể tổ chức chương trình để thiếu nhi tham gia một cách thường xuyên không?


- Hiện nay, chúng tôi mới chỉ đưa múa rối vào trường học, năm ngoái đã mở một số hoạt động ngoại khóa để thiếu nhi tập múa rối. Tuy nhiên, do các nghệ sĩ quá bận rộn nên việc này còn hạn chế. Năm 2014, chúng tôi sẽ cố gắng đẩy mạnh hoạt động này để thiếu nhi Việt Nam hiểu hơn về nghệ thuật múa rối truyền thống, đặc biệt là về múa rối nước.

- Xin cảm ơn anh!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Điều quan trọng là giữ được bản sắc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.