(HNMO) - Chính phủ ban hành Nghị định 142/2020/NĐ-CP quy định về việc tiến hành công việc bức xạ và hoạt động dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử, trong đó quy định điều kiện sử dụng thiết bị bức xạ, vận hành thiết bị chiếu xạ.
Cụ thể, việc sử dụng thiết bị bức xạ, vận hành thiết bị chiếu xạ đảm bảo điều kiện:
1- Nhân lực
Nhân viên bức xạ phải được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ về sử dụng thiết bị bức xạ, vận hành thiết bị chiếu xạ; có giấy chứng nhận đào tạo an toàn bức xạ phù hợp với công việc bức xạ và có chứng chỉ nhân viên bức xạ theo quy định tại Điều 28 của Luật Năng lượng nguyên tử.
Có người phụ trách an toàn, trừ trường hợp cơ sở chỉ sử dụng thiết bị X-quang chụp răng sử dụng phim đặt sau huyệt ổ răng, thiết bị phát tia X trong phân tích huỳnh quang tia X và thiết bị soi bo mạch. Người phụ trách an toàn phải có chứng chỉ nhân viên bức xạ và được bổ nhiệm bằng văn bản trong đó quy định rõ trách nhiệm và quyền hạn theo khoản 2 Điều 27 của Luật Năng lượng nguyên tử.
Trường hợp vận hành thiết bị xạ trị từ xa: Có ít nhất 1 nhân viên được đào tạo về vật lý y khoa cho mỗi thiết bị.
Trường hợp vận hành thiết bị xạ trị áp sát: Có ít nhất 1 nhân viên được đào tạo về vật lý y khoa cho mỗi cơ sở bức xạ.
2- Bảo đảm an toàn, an ninh
Trường hợp vận hành thiết bị chiếu xạ phải có thiết bị đo suất liều chiếu xạ xách tay; khóa liên động tại cửa ra vào phòng đặt thiết bị chiếu xạ; hệ thống cho phép dừng khẩn cấp quá trình chiếu xạ trong phòng đặt thiết bị chiếu xạ và phòng điều khiển; trường hợp vận hành thiết bị chiếu xạ công nghiệp còn phải có thêm thiết bị theo dõi suất liều chiếu xạ được lắp đặt cố định bên trong và bên ngoài phòng chiếu xạ; trường hợp vận hành thiết bị chiếu xạ, sử dụng thiết bị bức xạ trong y tế phải có: Nội quy an toàn bức xạ trong đó chỉ rõ các yêu cầu bảo vệ an toàn bức xạ cho nhân viên bức xạ, các nhân viên y tế khác, người bệnh, người chăm sóc, hỗ trợ người bệnh và công chúng; giấy chứng nhận kiểm định thiết bị bức xạ còn hiệu lực;...
Cũng theo Nghị định này, hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ phải đảm bảo: Thông tin trong hồ sơ phải chính xác. Các loại văn bằng, chứng chỉ hoặc các loại giấy tờ khác có quy định thời hạn phải còn hiệu lực ít nhất 45 ngày kể từ ngày hồ sơ được tiếp nhận; trường hợp bản sao không được công chứng, chứng thực hoặc được sao y từ bản gốc, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép có thể yêu cầu tổ chức, cá nhân xuất trình hoặc gửi bản chính để đối chiếu; trường hợp tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tiến hành đồng thời nhiều công việc bức xạ cùng một thời điểm các thành phần hồ sơ giống nhau chỉ cần nộp 1 bản cho tất cả các loại công việc bức xạ.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-2-2021.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.