Theo dõi Báo Hànộimới trên

Điều ít biết về một hạm đội của Nga

Tuấn Minh| 18/06/2010 06:38

(HNM) - Nga vừa kỷ niệm lần thứ 279 ngày thành lập Hạm đội Thái Bình Dương. Với biên chế tác chiến hùng hậu, có nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ các hoạt động đánh bắt cá... hạm đội không chỉ là một phần quan trọng của hải quân Nga, mà còn được mệnh danh là một trong những hạm đội mạnh nhất trên thế giới.

Tuần dương hạm mang tên lửa hành trình Guards Varyag - tàu đô đốc của Hạm đội Thái Bình Dương.


Ra đời ngày 21-5-1731, Hạm đội Thái Bình Dương đã không ngừng phát triển và lớn mạnh trong hàng trăm năm qua. Quân đội Nga luôn dành sự đầu tư xứng đáng, với tầm quan trọng về vị trí chiến lược của hạm đội. Khi mới ra đời, hạm đội được đóng tại Thái Bình Dương, với nhiệm vụ bảo đảm an ninh ở vùng biên giới Viễn Đông của Nga. Hiện nay hạm đội được đặt trụ sở chỉ huy tại thành phố Vladivostok.

Là một trong những thành tố giữ vai trò quan trọng trong biên chế của hải quân Nga nói riêng, lực lượng vũ trang Nga nói chung, Hạm đội Thái Bình Dương là lực lượng chủ yếu góp phần bảo đảm an ninh quân sự của Nga tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng là duy trì lực lượng hạt nhân chiến lược trên biển ở tình trạng sẵn sàng chiến đấu nhằm kiềm chế hạt nhân; bảo vệ các khu vực kinh tế, ngăn chặn các hoạt động phi pháp; bảo đảm an ninh trên biển; thực hiện các hoạt động đối ngoại của Chính phủ Nga tại các khu vực kinh tế quan trọng của đại dương thế giới.

Để hạm đội có đủ khả năng thực thi các nhiệm vụ được giao, Nga đã biên chế cho Hạm đội Thái Bình Dương các tàu ngầm mang tên lửa chiến lược, tàu ngầm diesel và tàu ngầm nguyên tử đa năng, tàu mặt nước hoạt động trên các vùng biển quốc tế và các khu vực gần bờ, máy bay tiêm kích và săn ngầm trên boong, lính thủy đánh bộ và lực lượng phòng vệ bờ biển, lực lượng bảo đảm. Mới đây Nga tiếp tục trang bị hơn 40 xe vận tải bọc thép và xe chiến đấu bộ binh chuyên dụng Ural cho lữ đoàn lính thủy đánh bộ của Hạm đội Thái Bình Dương. Tất cả những chiếc xe vận tải bọc thép vừa đưa vào sử dụng là các biến thể mới nhất mang động cơ công suất lớn, tốc độ hoạt động cao, khả năng vượt cản tốt hơn các thế hệ trước; lốp xe còn có khả năng chống được mảnh bom, đạn; thân xe được tăng cường lớp thép bảo vệ chắc chắn. Đặc biệt, các xe vận tải bọc thép mới nhất này còn có khả năng cơ động nhanh, linh hoạt trong điều kiện địa hình đồi núi phức tạp.

Đến tháng 5-2010, trong thành phần biên chế tác chiến của hạm đội có 5 tàu ngầm trang bị tên lửa đạn đạo chiến lược, 20 tàu ngầm tấn công (trong đó có 12 tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân), 10 tàu chiến có khả năng tác chiến trên biển và đại dương và 32 tàu chiến tác chiến ven bờ... Trong số đó phải kể đến tuần dương hạm mang tên lửa Varangian - tàu chỉ huy của Hạm đội Thái Bình Dương. Đây là "hậu duệ" của tàu chiến cùng tên huyền thoại thế hệ đầu tiên, đã từng tham gia vào cuộc chiến giữa Nga và Nhật Bản ở eo biển Tsushima. Tuần dương hạm này hiện được trang bị tổ hợp tên lửa tấn công đa năng rất mạnh, cho phép tiêu diệt các mục tiêu mặt nước, mặt đất, trên không ở cự ly xa. Bên cạnh đó, tàu còn được trang bị thiết bị phóng bom phản lực, thiết bị phóng ngư lôi và một vài bệ pháo với các cỡ nòng và cấp độ khác nhau. Xuất phát từ các đặc tính kỹ - chiến thuật nêu trên mà NATO đã gọi các loại tàu tuần dương này của Nga là "kẻ hủy diệt tàu sân bay".

Bên cạnh đó phải kể đến tàu săn ngầm hạng nặng Admiral Panteleev. Đây là tàu săn ngầm cỡ lớn thuộc dự án 1155, được đóng tại Nhà máy Yatar ở Kaliningrad vào năm 1987, một năm sau thì bắt đầu hạ thủy. Tàu được chính thức đưa vào biên chế Hạm đội Thái Bình Dương từ ngày 1-5-1992. Kể từ tháng 4-2009, tàu Admiral Panteleev đã chính thức tham gia vào sứ mệnh chống cướp biển của lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại vịnh Aden.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điều ít biết về một hạm đội của Nga

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.