Theo dõi Báo Hànộimới trên

Điều hành giá xăng dầu phù hợp và sát thực tế hơn

Trung Hiếu| 04/11/2021 11:31

(HNMO) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định 95/2021/NĐ-CP, ngày 1-11-2021, về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, ngày 3-9-2014, về kinh doanh xăng dầu.

Theo đó, từ ngày 2-1-2022, thời gian điều chỉnh giá xăng dầu sẽ còn 10 ngày (không như 15 ngày như hiện nay) và thay đổi công thức tính theo quy định mới ban hành. Việc sửa đổi này được đánh giá là phù hợp, sát thực tế hơn và đặc biệt là chuẩn xác, phù hợp với giá quốc tế hiện nay.

Theo Nghị định 95/2021/NĐ-CP, thời gian điều hành giá xăng dầu là vào các ngày mùng 1, 11 và 21 hằng tháng. Trong trường hợp kỳ điều hành giá xăng dầu rơi vào các thời gian ngày nghỉ, ngày nghỉ lễ thì thời gian điều hành được lùi sang ngày làm việc kế tiếp theo sau ngày nghỉ, ngày nghỉ lễ; trường hợp trùng vào dịp Tết Nguyên đán, thời gian điều hành được lùi sang kỳ điều hành tiếp theo.

Trong nghị định này, nội dung được người dân và doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu quan tâm nhất là quy định về cách tính giá cơ sở xăng dầu, là mức giá để nhà điều hành làm căn cứ điều chỉnh giá bán lẻ trong nước.

Theo đó, công thức tính giá cơ sở sẽ gồm cả tỷ trọng nguồn sản xuất trong nước (từ các nhà máy hóa dầu) và nguồn nhập khẩu. Như vậy, giá cơ sở sẽ phụ thuộc vào giá và tỷ lệ nguồn sản xuất trong nước, nhập khẩu.

Giá xăng dầu từ nguồn nhập khẩu được xác định trên cơ sở yếu tố đầu vào gồm giá xăng dầu thế giới, chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam, mức trích lập Quỹ bình ổn giá, chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận kinh doanh định mức, thuế, phí (thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường, giá trị gia tăng...) và bổ sung cách tính thuế thu nhập theo bình quân gia quyền.

Còn giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước được xác định trên cơ sở giá xăng dầu thế giới cùng khoản chênh lệch so với giá thế giới, được xác định theo phương pháp bình quân gia quyền theo sản lượng, chi phí định mức tối đa đưa về cảng, thuế tiêu thụ đặc biệt cùng các chi phí thuế, phí khác.

Đánh giá về điều này, giới chuyên môn nhận định, quy định thời gian điều hành giá xăng dầu theo nghị định mới là phù hợp với thực tế. PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng theo cách tính này đã tách được hai nguồn. Trong khi đó, nguyên tắc tính giá cơ sở cơ bản không có thay đổi, phù hợp với tập quán mua bán xăng dầu trong khu vực và thế giới, phản ánh đúng thực tế hiện nay.

Còn PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, giảng viên Học viện Tài chính đánh giá, việc thay đổi công thức tính giá cơ sở xăng dầu như trên là chuẩn xác, phù hợp với giá quốc tế hiện nay.

“Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu cũng theo cách tính này nhưng chủ yếu dựa trên cơ sở giá xăng dầu nhập khẩu là chính. Còn hiện tại bối cảnh đã khác khi trong nước đã cung cấp được 70% nguồn cung tiêu thụ xăng dầu trong nước nên cách tính cần phải dựa trên các yếu tố chi phí hình thành từ hai nguồn”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói thêm.

Trong khi đó, trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Văn Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị hãng taxi Sông Nhuệ cũng đồng tình với cách tính theo nghị định mới khi tách được hai nguồn nhập khẩu và sản xuất trong nước.

Tuy nhiên, ông Phạm Văn Anh lại mong muốn giữ chu kỳ điều chỉnh như cũ là 15 ngày vì với taxi truyền thống, mỗi lần điều chỉnh tăng giá thì ngành vận tải, đặc biệt là doanh nghiệp taxi sẽ có nhiều tác động không đơn thuần như các đơn vị khác.

Ông Phạm Văn Anh cũng cho biết thêm, hiện nay, dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng nhiều đến các doanh nghiệp vận tải. Taxi Sông Nhuệ có hơn 200 đầu xe. Giá xăng tăng cao đã ảnh hưởng lớn đến nguồn thu của đơn vị, nhưng đơn vị cam kết không tăng giá cước để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, đồng thời, có giải pháp hỗ trợ, chia sẻ với đội ngũ lái xe để cùng vượt qua giai đoạn khó khăn này...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Điều hành giá xăng dầu phù hợp và sát thực tế hơn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.