(HNM) - Trước tình hình giá cả của nhiều ngành hàng gia tăng, các chuyên gia lo ngại lạm phát tăng cùng với diễn biến phức tạp địa chính trị thế giới gây khó khăn trong điều hành chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước vẫn đang điều hành chính sách tiền tệ theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp, góp phần phục hồi nền kinh tế.
Trong dự báo mới đây, Ngân hàng HSBC nâng nhẹ mức dự báo lạm phát bình quân 2022 của Việt Nam từ 2,7% lên 3%. Tuy nhiên, HSBC khẳng định rủi ro không đáng kể. Cũng theo HSBC, thực tế, lạm phát nhiên liệu vẫn tiếp tục gia tăng, đẩy số liệu lạm phát tháng 1 lên 1,9% so với cùng kỳ 2021. Mặc dù vậy, giá lương thực thực phẩm vẫn ổn định trong bối cảnh lạm phát.
Báo cáo cũng nhận định: Mức này không cho thấy một rủi ro đáng kể cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vì vẫn còn thấp hơn mức lạm phát mục tiêu 4% của Chính phủ. Sau những tác động từ dịch Covid-19, nhiều quốc gia phải đối mặt áp lực lạm phát tăng cao, trong đó có cả những nền kinh tế hàng đầu như Mỹ, Nhật Bản và các nước châu Âu.
Quỹ tiền tệ quốc tế trong Báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu đã nâng dự báo Chỉ số giá tiêu dùng toàn cầu lên mức 3,9% ở các nền kinh tế phát triển và 5,9% ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển. Trong bối cảnh rủi ro lạm phát gia tăng, nhiều quốc gia dự kiến nâng lãi suất, thắt chặt chính sách tài khóa.
Tuy nhiên, áp lực lạm phát khiến nhiều người lo ngại về việc duy trì mặt bằng lãi suất thấp như hiện nay không còn dễ dàng. Theo chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia: Về lý thuyết, để kiềm chế lạm phát, chính sách tiền tệ cần phải được thắt chặt lại, lãi suất cần phải tăng, song nếu thực hiện tăng lãi suất có thể tác động thiếu tích cực tới khả năng phục hồi của doanh nghiệp...
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, năm 2022, điều hành chính sách tiền tệ trong nước đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn từ áp lực lạm phát và giá dầu thế giới tăng cao, xu hướng thu hẹp nới lỏng tiền tệ, tăng lãi suất trên phạm vi toàn cầu. Mặc dù nền kinh tế của Việt Nam có độ mở lớn, nhưng chu kỳ phục hồi kinh tế của Việt Nam chậm hơn so với các nước và lạm phát trong nước vẫn đang nằm trong tầm kiểm soát, có xu hướng dưới mức mục tiêu được Quốc hội và Chính phủ đề ra; qua đó giảm bớt các áp lực trên đây, tạo điều kiện để tiếp tục điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ vừa hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế nhưng vẫn bảo đảm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ chủ động và linh hoạt điều hành theo diễn biến kinh tế vĩ mô và tình hình thị trường để chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục nỗ lực tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao năng suất lao động để tối ưu hóa chi phí vốn từ đó có điều kiện tiếp tục phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5-1% trong 2 năm 2022-2023, nhất là lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên.
Trong quá trình triển khai, Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ trong và ngoài nước để kịp thời điều chỉnh linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, bảo đảm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô theo mục tiêu đã đề ra. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành các giải pháp tín dụng nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế; không nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.