(HNM) - Vượt qua khúc quanh khó khăn với việc mất đi tới 65 USD/ounce trong 3 phiên giao dịch cuối tuần qua, giá vàng trong hai ngày đầu tuần đã cố sức phục hồi nhưng đà tăng vẫn chậm chạp và hiện chấp chới quanh ngưỡng 1.068,85 USD/once vào ngày 9-2.
Chứng khoán Mỹ giảm sâu khiến thị trường vàng thế giới càng yếu ớt. |
Sau cơn "đại hạ giá" lấy đi 4% giá trị từ đầu năm đến nay, vàng dường như đang bước vào thời kỳ tích lũy khi lực mua trên thị trường thế giới vẫn ở mức thấp, cho dù đã giảm mạnh vào cuối tuần trước. Khủng hoảng nợ ở một số quốc gia châu Âu, tác nhân chủ chốt khiến giá vàng rơi những ngày qua đã tạo cơ hội cho đồng USD phục hồi, song các chuyên gia kinh tế cho rằng đây không phải là thời điểm hợp lý để thực hiện các giao dịch về vàng. Quỹ tín thác đầu tư vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust trong hai phiên giao dịch gần đây nhất đã không có động thái mua bán nào. Lượng nắm giữ kim loại quý của quỹ vẫn đứng nguyên ở mức 1.106,378 tấn được xem là một nguyên nhân khiến hoạt động của thị trường vàng lâm vào cảnh ảm đạm.
Tuy nhiên, trước cú sốc giá được bắt đầu bằng phiên biến động mạnh từ thứ năm tuần trước (ngày 4-2), giá vàng thế giới đã trải qua những ngày khá sôi động với nhiều thông tin kinh tế quan trọng được công bố. Kinh tế Mỹ có dấu hiệu cải thiện đáng kể khi mức tăng trưởng trong quý IV-2009 đạt 5,7%, cao hơn nhiều so với dự đoán 4,5% và gần gấp 3 lần so với dữ liệu công bố trong kỳ trước. Đây là "liều thuốc" giúp giới đầu tư lạc quan hơn về tiến trình phục hồi của nền kinh tế toàn cầu sau những tháng ngày vượt khó. Dòng vốn lập tức tháo chạy khỏi đồng USD khiến giá vàng đã tăng nhẹ vào thứ tư tuần trước.
Nhưng, mức tăng không đáng kể của giá kim loại quý này đã giảm ngay sau đó 24 giờ do cuộc khủng hoảng thâm hụt ngân sách khiến thị trường chứng khoán của các nền kinh tế đang gặp khó khăn do nợ nần như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha lao dốc, đưa thị trường tài chính châu Âu rơi vào hỗn loạn. Dòng tiền lại trở ngược về kênh đầu tư xem ra an toàn hơn là đồng USD và những đồng tiền mạnh khác trong khi đồng ơrô trở nên yếu ớt. Lần đầu tiên trong 8 tháng qua, đồng tiền chung châu Âu đã giảm xuống mức thấp nhất so với USD và xuống mức thấp nhất trong vòng một năm so với đồng yên Nhật.
Diễn biến những ngày qua cho thấy khủng hoảng nợ tại một số nước châu Âu vẫn sẽ là yếu tố chính dẫn dắt thị trường vàng trong thời gian tới. Nếu chưa thể tìm ra giải pháp cho căn bệnh thâm hụt ngân sách của Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha… thì đồng USD sẽ vẫn ở thế thượng phong và giá vàng có thể sẽ còn đi xuống do mặt hàng này phụ thuộc nhiều vào đồng tiền mạnh nhất thế giới. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, sức bật của đồng USD vẫn chỉ là tạm thời do những bất ổn từ thị trường tài chính châu Âu. Cho dù được xem là đồng tiền an toàn mang tính quốc tế nhưng USD không mang lại lợi nhuận cao trong điều kiện Chính phủ Mỹ duy trì mức lãi suất thấp (từ 0 đến 0,25%) như hiện tại. Vì vậy, thị trường kim loại quý có thể biến động mà không chỉ bị chi phối bởi yếu tố trên. Trong thời điểm gia tăng ấn tượng hồi năm ngoái, ngoài nguyên nhân đồng USD suy yếu, vàng cho thấy sức liên kết chặt chẽ với chứng khoán và hàng hóa, khi nó tăng mạnh cùng hai thị trường này. Do đó, nếu thị trường chứng khoán tăng điểm trở lại, giá vàng có khả năng sẽ phục hồi được đà đi lên.
Tuy nhiên, với việc chứng khoán Mỹ mất điểm 4 tuần liên tiếp, đặc biệt chỉ số chứng khoán Dow Jones lần đầu tiên xuống mức dưới 10.000 điểm trong 3 tháng qua cùng sắc đỏ từ các thị trường cổ phiếu châu Á, châu Âu và châu Đại Dương, thị trường vàng chưa thể đi lên trong dịp Tết của nhiều nước châu Á.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.