Theo dõi Báo Hànộimới trên

Điêu đứng vì nợ... hợp tác xã

Nhóm PV Ban Bạn đọc| 05/04/2012 07:45

(HNM) - Sau một thời gian dài không thanh toán được các khoản nghĩa vụ thuế nông nghiệp, phí dịch vụ, nhiều xã viên ở xã Hồng Dương (Thanh Oai, Hà Nội) đã trở thành

Bài 1: Nợ nần chồng chất

Trừ nợ là biện pháp các chủ nợ thường áp dụng để thu hồi phần tài sản đã cho vay, thường xuất hiện trong các giao dịch dân sự. Nhưng trừ nợ bằng biện pháp rút bớt diện tích ruộng của xã viên có lẽ là biện pháp "độc" diễn ra tại HTXNN Hồng Dương. Không những thế, HTX còn tùy tiện tính lãi suất cao trên các khoản nợ đó, khiến nhiều hộ xã viên rơi vào nguy cơ nợ "ngập đầu" mà lại không có ruộng. Tình trạng này đang gây bức xúc trong dư luận địa phương…

Những món nợ lưu niên

Trong ngôi nhà cũ kỹ mái lợp phibrôximăng trống huơ trống hoác, bà Nguyễn Thị Ngoãn, thôn Ngô Đồng, xã Hồng Dương, vừa chẻ tăm hương, vừa bùi ngùi kể với chúng tôi: Tính đến năm 1989, do kinh tế quá khó khăn nên gia đình tôi đã nợ HTXNN Hồng Dương khoảng 7 tạ thóc. Đây là số nợ từ thuế nông nghiệp, phí dịch vụ và các khoản đóng góp xây dựng công trình phúc lợi của địa phương từ nhiều năm trước dồn lại. Năm 1992, xã Hồng Dương được tỉnh Hà Tây (cũ) chọn làm điểm về việc chia ruộng lâu dài cho xã viên. Nhà tôi có 4 khẩu, nếu được chia ruộng đầy đủ thì gia đình tôi phải có 6,68 sào, khoảng 2.400m2. Nhưng vì chúng tôi không trả được khoản nợ trước nên đã bị HTX cắt một phần ruộng, chỉ được chia 3,2 sào. Những năm sau đó, gia đình tôi vẫn không trả được nợ, nên HTX tiếp tục rút ruộng, đến nay chỉ còn 1/8 số ruộng này (288m2) và số nợ "đẻ" thành 72 tấn thóc, gấp hơn 100 lần số nợ ban đầu! Vợ chồng tôi đang phải nuôi một con học phổ thông, cả nhà phải "lăn" ra làm các nghề phụ như thợ xây, chẻ tăm hương... Ngày nào cả vợ cả chồng có việc thì còn đỡ, khi không có việc thì kiếm ăn hằng ngày còn chưa đủ, nói gì đến trả nợ 72 tấn thóc?


Ngôi nhà cũ kỹ của gia đình bà Nguyễn Thị Ngoãn "cõng" khoản nợ 72 tấn thóc.

Gia đình bà Nguyễn Thị Ngoãn chỉ là một trong số nhiều hộ xã viên của HTX Hồng Dương rơi vào tình cảnh nợ nần chồng chất. Điển hình là các hộ gia đình bà Dương Thị Hải (thôn Tảo Dương) bị rút 1/8 diện tích ruộng, đến nay chỉ còn khoảng 540m2 và nợ 72 tấn thóc; ông Nguyễn Ngọc Bách, thôn Mạch Kỳ nợ 31 tấn; bà Tạ Thị Chót, thôn Tảo Dương nợ hơn 22 tấn thóc… Sau mỗi vụ thu hoạch, HTX niêm yết công khai số nợ của từng hộ xã viên tại nhà văn hóa thôn, đến thời điểm do HTX ấn định, nếu hộ nào không trả được nợ thì căn cứ vào số nợ ít hay nhiều, HTX tiến hành rút ruộng. Việc rút ruộng không cần văn bản, cũng không cần ý kiến của các cơ quan chức năng. Chỉ khi xã viên trả được nợ, HTX mới trả lại ruộng. Đối với những hộ nghèo, nợ đến vài chục tấn thóc, việc được trả lại ruộng là điều không tưởng. Nói về số nợ "khổng lồ" của gia đình mình, con trai bà Dương Thị Hải bộc bạch: Nếu HTX rút ruộng đồng thời khoanh nợ cũ, không tính lãi hoặc tính lãi ở mức vừa phải thì chúng tôi còn cố gắng tích cóp để trả. Trong khi gia đình tôi bị rút gần hết ruộng, hiện chỉ còn 1,5 sào, mỗi vụ thu hoạch được hơn 3 tạ thóc, nhà gần 10 miệng ăn, HTX lại luôn tính lãi cao trên tổng số nợ, sau mỗi vụ chúng tôi phải trả đến vài tấn thóc thì cố làm sao nổi?

Chết dở vì... lãi khủng

Xem xét "Bản trích nợ" của HTXNN Hồng Dương đối với gia đình bà Dương Thị Hải và Tạ Thị Chót, chúng tôi nhận thấy lãi suất của HTX không thống nhất, có vụ xã viên bị tính lãi 7%, nhưng có trường hợp tính đến 10%, thậm chí là 30% trên tổng số nợ?

Lý giải vấn đề này, ông Nguyễn Công Phúc, Chủ nhiệm HTXNN Hồng Dương cho biết: Trước năm 1997, HTX hoạt động tài chính dựa trên nguyên tắc tự cân đối nên cách tính lãi không đồng nhất. Từ năm 1997 trở lại đây, việc xử lý công nợ thực hiện theo quy định tại "Đề án xử lý các loại công nợ của HTX" đã được Đảng ủy, HĐND, UBND và đại hội đại biểu xã viên biểu quyết thông qua. Từ năm 1997 đến nay, HTX đã sửa đổi, bổ sung đề án 3 lần và đều quy định các đối tượng nợ HTX bằng tiền, bằng hiện vật, bằng sản phẩm phải bị rút ruộng. Mức rút ruộng tùy thuộc vào từng đề án, cao nhất là đề án năm 2007, phần ruộng bị rút có thể chiếm 70% trên tổng diện tích ruộng được giao. Đề án sửa đổi năm 2011 vẫn cho phép HTX rút ruộng, với hộ nợ từ 50kg thóc trở lên và tiền nợ tương ứng, HTX sẽ tạm giữ 1 sào ruộng và ngừng cung cấp các dịch vụ. Sau khi tạm giữ ruộng của xã viên, HTX cho người có nhu cầu thuê để cấy lúa, mỗi vụ người thuê ruộng phải trả 105kg thóc/sào. Với 105kg thóc thu được, HTX sẽ trừ các khoản dịch vụ như bảo vệ đồng điền, bảo vệ thực vật… số còn lại mới được trừ vào khoản nợ của hộ xã viên đã bị rút ruộng. Tất cả các hộ nợ từ sau năm 1992 đến nay đều phải chịu lãi theo lãi suất ngân hàng có kỳ hạn 3 đến 6 tháng, riêng hộ nghèo được Nhà nước công nhận thì được khoanh nợ, không tính lãi năm được công nhận là hộ nghèo. Tuy nhiên, nhiều hộ xã viên cho rằng HTX đã không thực hiện đúng đề án bởi trước năm 2012, có những hộ vẫn bị rút ruộng 100% như hộ ông Nguyễn Ngọc Bách, Nguyễn Văn Điền… Tính đến nay, toàn xã vẫn còn 12 hộ xã viên đang bị HTX tạm giữ ruộng với tổng diện tích 4 mẫu và số nợ xấp xỉ 500 tấn thóc...

Dựa trên "Bản trích nợ" do HTX cung cấp cho xã viên, chúng tôi nhận thấy số nợ của các hộ "lớn nhanh như thổi" vì cách tính lãi bất thường của HTX. Khi tính lãi, HTX vẫn căn cứ theo lãi suất ngân hàng kỳ hạn 3-6 tháng, nhưng cách tính đã bị "biến tấu". Theo đó, HTX không nhân trực tiếp số nợ với mức lãi suất của ngân hàng nên phần trăm tính lãi luôn dao động ở mức 7-8%/vụ (mỗi vụ khoảng 4 tháng), như vậy, trong vòng 8 tháng, xã viên đã phải chịu mức lãi suất từ 14% đến 15%?… Thêm một điều bất hợp lý nữa là năm 2003, Nhà nước đã miễn thuế nông nghiệp cho nông dân, nhưng số nợ thuế nông nghiệp của xã viên vẫn không được "bóc tách" mà HTX vẫn tính lãi bình thường! (?).

Xử lý nợ bằng cách "tạm thu hồi ruộng" của xã viên không chỉ là việc làm tùy tiện mà còn đi ngược lại chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong công cuộc đổi mới nông nghiệp, nông thôn. Việc làm này vô hình trung đẩy một số hộ xã viên vốn đã khốn khó càng thêm khốn khó vì không còn tư liệu sản xuất…
(Còn tiếp)
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điêu đứng vì nợ... hợp tác xã

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.