(HNM) - Không chỉ là buổi hòa nhạc thường niên vào ngày Quốc khánh, "Điều còn mãi 2010" đã mang đến cho những người gắn bó, yêu thương và nhớ về Hà Nội được thể hiện cảm xúc, khám phá tận sâu tâm hồn mình niềm yêu kính, tự hào về Thủ đô. Để rồi sau khi kết thúc, dư âm của thói quen mới - thưởng thức hòa nhạc vào một chiều thu - sẽ khiến nhiều người mong đợi những lần sau...
Hòa nhạc về Hà Nội của người Hà Nội
Nhạc sĩ Dương Thụ, Giám đốc nghệ thuật và biên tập chương trình cho biết, "Điều còn mãi 2010" đậm chất Hà Nội để kỷ niệm Thủ đô 1000 tuổi. Một chương trình hòa nhạc về Hà Nội của người Hà Nội!".
Trong chương trình, có những ca khúc đã và sẽ được xây dựng thành truyền thống cho "Điều còn mãi" là: "Quốc ca Việt Nam", "Ca ngợi Hồ Chủ tịch" (của Văn Cao) và "Du kích sông Thao" (của Đỗ Nhuận), đều do những người đã gắn bó với Hà Nội viết. Ở đó, các bản nhạc, ca khúc về Hà Nội sẽ cất lên nhiều hơn: giao hưởng thơ "Hào khí Thăng Long" (tác giả Trần Mạnh Hùng); "Hướng về Hà Nội" (tác giả Hoàng Dương), "Hà Nội niềm tin và hy vọng" (Phan Nhân), "Nhớ về Hà Nội" (Hoàng Hiệp), "Mong về Hà Nội" (Dương Thụ), "Người Hà Nội" (Nguyễn Đình Thi). Dù nhiều tác phẩm không có hình ảnh Hà Nội nhưng đều là những sáng tác của những người con sinh ra trên mảnh đất này, ấy là "Hoa thơm bướm lượn" (Ngô Hoàng Quân); "Bài ca chim ưng" (Đàm Linh); "Chương 2 và 3 concerto cho violon & dàn nhạc" (Đỗ Hồng Quân)... Chỉ huy dàn nhạc là nhạc trưởng Lê Phi Phi và người phối khí - nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng cũng là những người đã được sinh ra, nuôi lớn ở nơi đây.
Thưởng thức âm nhạc đỉnh cao
Mỗi khán giả đến với chương trình đều chia sẻ cảm xúc rằng thật tuyệt vời khi được thưởng thức âm nhạc đỉnh cao vào buổi chiều thu ấy. Giây phút lãng mạn khi giao hưởng thơ "Hào khí Thăng Long" của Trần Mạnh Hùng cất lên khiến khán giả còn vương vấn nhiều. Tác giả đã diễn tả đầy đủ âm hưởng của Thăng Long một thuở và Hà Nội ngày nay đầy hào hoa thanh lịch, kiên cường anh dũng và luôn khao khát hướng tới tương lai. Nhiều người ưng lắm về "Thốt" ("Đối thoại với Tuồng") của tác giả trẻ thuộc thế hệ 8X Tuệ Nguyên. Cái nhạc sĩ làm được không chỉ là nối cây cầu giữa âm nhạc giao hưởng và dân gian Việt Nam mà còn đem đến sự đối thoại giữa những nghệ sĩ lớn tuổi với thế hệ trẻ: Nguyễn Văn Quỳ (trống chiến), Lê Xuân Quý (vocal tuồng), Nguyễn Ngọc Khánh (kèn bóp). Phần thanh nhạc, nhiều người yêu thích bởi được nghe lại các ca khúc được coi là kinh điển về Hà Nội do Hồng Nhung đã đi bốn phương trời bày tỏ vẫn "Nhớ về Hà Nội", Trọng Tấn thể hiện "Mong về Hà Nội", Đăng Dương cất cao "Hà Nội niềm tin và hy vọng" hay Mỹ Linh hát "Người Hà Nội".
Hai ca sĩ không của Hà Nội là Đức Tuấn và Nguyên Thảo đem đến cho khán giả một cảm xúc mới về tình yêu với Hà Nội trong "Ca ngợi Hồ Chủ tịch" và "Hướng về Hà Nội". Họ thể hiện rõ niềm mong mỏi, khát khao của những người con sinh sống trên nhiều miền đất của Tổ quốc đối với Thủ đô qua từng câu hát, chứ không chỉ hoàn thành cho trọn bài.
Không đến với Nhà hát Lớn, khán giả cả nước đã được thưởng thức một chương trình hát "live" hiếm hoi phát sóng trực tiếp trên truyền hình. Cũng xúc động và nhiều dư vị không kém. Sau buổi hòa nhạc, các nghệ sĩ còn nán lại lâu, siết chặt tay đầy xúc cảm. Trong đó, có nhiều lời khen tặng của những "cây đại thụ": GS Hoàng Tụy, GS Phan Đình Diệu, PGS Chu Hảo, nhà thơ Việt Phương; các nhạc sĩ Hoàng Vân, Hoàng Dương, Văn Ký, Đỗ Hồng Quân, Hồng Đăng... như một lời khẳng định âm nhạc - điều còn mãi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.