Trực thăng UH-1 của Việt Nam bị rơi do Mỹ sản xuất, có khả năng thực hiện nhiệm vụ vận tải chở người - hàng hóa, chiến đấu.
Trao đổi với Kiến Thức, Trung tướng Võ Văn Tuấn, phó tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam cho biết, trực thăng quân sự UH-1 đã bị rơi vào sáng nay (28/1) ở nông trường Phạm Văn Hai, ấp 4 thuộc huyện Bình Chánh, TP HCM, 4 chiến sĩ trong tổ lái đã hi sinh.
Trực thăng UH-1 được xem là một trong những dòng trực thăng huyền thoại trên thế giới, do hãng Bell Helicopter (Mỹ) phát triển từ những năm 1950, bay lần đầu tháng 10/1956, chính thức giới thiệu và phục vụ từ năm 1959. Nó cũng được xem là trực thăng quân sự thành công nhất nước Mỹ khi có tới 16.000 chiếc được sản xuất trong vòng 30 năm và xuất khẩu đi hàng chục quốc gia trên thế giới, tham gia vào hầu hết các cuộc chiến tranh trong thế kỷ 20.
So với mẫu trực thăng huyền thoại Liên Xô Mi-8, thì thân hình của UH-1 mi nhon hơn rất nhiều, trọng lượng cất cánh tối đa chỉ là 4,3 tấn, dài 17,4m, rộng 2,62m, cao 4,39m.
Trực thăng UH-1 được hãng Bell phát triển cho hàng loạt nhiệm vụ gồm vận tải, chở quân, chở khách, tìm kiếm cứu hộ cứu nạn, tải thương, chiến đấu chi viện hỏa lực mặt đất và thậm chí là cả chống tàu ngầm.
Trong vai trò chiến đấu, trực thăng UH-1 có thể mang 2 súng máy 7,62mm loại M60 hoặc loại 6 nòng GAU-17/A; 2 cụm ống phóng rocket 7 nòng cỡ 70mm Hydra.
Khoảng 7.000 chiếc trực thăng đa năng UH-1 đã được Mỹ triển khai trong Chiến tranh Việt Nam. Sau 1975, Không quân Nhân dân Việt Nam đã thu giữ được hàng trăm chiếc UH-1 và sử dụng nó cho nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc sau này, mà đặc biệt là chiến dịch phản công biên giới Tây Nam 1978-1979 và giúp đỡ nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng Khơ Me đỏ.
Ngày nay, một số lượng nhỏ trực thăng UH-1 vẫn hoạt động tích cực trong Không quân Nhân dân Việt Nam cho nhiệm vụ huấn luyện, vận tải, chiến đấu.
Trực thăng UH-1 của Việt Nam được trang bị một động cơ tuốc bin trục Lycoming T53-L-11 1.100 mã lực cùng cánh quạt chính 2 lá cho tốc độ tối đa 217km/h, tốc độ hành trình 201km/h, tầm bay 507km và trần bay 5.910m (tùy thuộc vào môi trường, khí hậu, tải trọng).
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.