Đô thị

Điều chỉnh quy hoạch Thủ đô: Cơ hội phát triển xứng tầm thời đại mớiBài 3: Điều kiện đã chín muồi

Bảo Hân 13/10/2023 - 06:42

Bám sát và cụ thể hóa các nghị quyết của Bộ Chính trị có liên quan đến phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội; các luật, nghị định, thông tư liên quan đến quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị, các quyết định phê duyệt quy hoạch cấp trên có liên quan, Hà Nội đã có đầy đủ cơ sở thực tiễn và pháp lý để thực hiện nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch 1259).

t7-quyhoach-thudo.jpg
Thành phố Hà Nội có cơ sở pháp lý điều chỉnh quy hoạch khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 30-NQ/TƯ về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đáp ứng kỳ vọng mới

Năm 2021, tròn 10 năm thực hiện Quy hoạch 1259, do một số quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực quy hoạch đô thị đã được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới, ngoài ra có sự điều chỉnh về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cấp quốc gia, cấp vùng ảnh hưởng tới tính chất, chức năng, định hướng phát triển Thủ đô, yêu cầu điều chỉnh Quy hoạch 1259 được đặt ra nhằm triển khai đồng thời, bảo đảm lồng ghép thống nhất các nội dung với quy hoạch thành phố Hà Nội đang triển khai, tránh trường hợp thiếu sự đồng bộ thống nhất, phải điều chỉnh sau này.

Xét đề nghị của Bộ Xây dựng, tờ trình của UBND thành phố Hà Nội, ngày 26-3-2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương điều chỉnh tổng thể Quy hoạch 1259. Triển khai lập điều chỉnh, thành phố đã ban hành kế hoạch, giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành lập tổ công tác gồm các sở, ngành thành phố, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, chính quyền địa phương thực hiện nhiệm vụ rà soát, đánh giá kết quả thực hiện quy hoạch.

Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho biết, Tổ công tác đã tập trung rà soát tình hình lập, triển khai các quy hoạch có liên quan, các dự án đầu tư theo quy hoạch được duyệt và kế hoạch thực hiện quy hoạch, đánh giá dân số hiện trạng, dân số theo quy hoạch được duyệt và khả năng phát triển; đánh giá các nội dung đã thực hiện, các tác động, hiệu quả của việc thực hiện theo quy hoạch được duyệt; các chỉ tiêu về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật tại từng khu vực và toàn thành phố; đánh giá các vấn đề tồn tại, bất cập trong quá trình triển khai, những khó khăn vướng mắc, nguyên nhân khách quan và chủ quan trong quá trình triển khai; phân tích những yếu tố mới trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, yêu cầu xây dựng phát triển Thủ đô sắp tới... Những nội dung này đã được hoàn thiện, tạo cơ sở thực tiễn cho việc điều chỉnh Quy hoạch 1259.

Năm 2022, Hà Nội tiếp tục có thêm hàng loạt cơ sở pháp lý cho quá trình điều chỉnh quy hoạch khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TƯ về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 15-NQ/TƯ về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 30-NQ/TƯ về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Cả ba nghị quyết quan trọng nêu trên đều đưa ra yêu cầu tạo bước chuyển có tính đột phá trong huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của Thủ đô, kết hợp với nguồn lực của cả nước và nguồn lực quốc tế, xây dựng và phát triển Thủ đô thực sự xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học, công nghệ và hội nhập quốc tế; xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng Đồng bằng sông Hồng, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.

“Kế thừa các định hướng cơ bản của Quy hoạch 1259 và thống nhất, đồng bộ với các quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, việc điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng để phù hợp với các điều kiện thực tế, bối cảnh phát triển mới và điều chỉnh các tồn tại bất cập”, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam khẳng định.

Từ hệ thống các cơ sở pháp lý đầy đủ nêu trên, việc điều chỉnh sẽ là căn cứ khoa học, hoàn thiện công cụ pháp lý quan trọng để quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng, quản lý đầu tư xây dựng và hoạch định chính sách, kiến tạo động lực phát triển trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Rút ra nhiều bài học

Thực tiễn của công tác lập, triển khai thực hiện Quy hoạch 1259 và phát triển của Thủ đô Hà Nội trong thời gian qua cho thấy, nhiều bài học có thể tham khảo cho nghiên cứu điều chỉnh các quy định pháp luật liên quan tới lĩnh vực xây dựng và phát triển đô thị trong thời gian tới.

KTS Lê Hoàng Phương, Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia cho rằng, đồ án Quy hoạch 1259 có sự tham gia đông đủ của các bên liên quan, được sự đồng thuận của cộng đồng, nhưng thực tế triển khai đã không đáp ứng được các yêu cầu thực tiễn quản lý của chính quyền các cấp và không thu hút được nguồn lực đầu tư.

“Đến thời điểm hiện nay, các phương pháp quy hoạch tích hợp đa ngành đã được quy định cụ thể trong Luật Quy hoạch, các yêu cầu đổi mới sáng tạo trong công tác quy hoạch đã được đặt ra, trong đó bài học kinh nghiệm cho thấy cần thực hiện quy hoạch theo phương pháp quy hoạch chiến lược. Theo từng tầng bậc, quy hoạch chỉ là định hướng, quy định, giải pháp cho một số vấn đề cụ thể, cần thiết, không quy hoạch cho tất cả vấn đề, lĩnh vực. Các chiến lược cần phải rõ nét, được kế thừa qua các thời kỳ quy hoạch, từng bước tạo nên các quy định pháp luật riêng cho rừng đô thị trong quá trình phát triển”, KTS Lê Hoàng Phương chỉ rõ.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho rằng, rút kinh nghiệm từ thực tiễn, tư vấn cần lưu ý đến khâu thực hiện quy hoạch với việc cân đối, bố trí nguồn lực, thời gian thực hiện hợp lý cũng như tính pháp lý cho các mô hình phát triển mới. Thực hiện quy hoạch chung xây dựng Thủ đô cũng cho thấy việc lập quy hoạch gắn với thực hiện quy hoạch đóng vai trò quan trọng, khả thi trong huy động nguồn lực về tài chính đô thị, nhân lực đô thị và phù hợp với hệ thống thể chế, pháp luật hiện hành.

“Hơn một thập niên qua, chúng ta đã thấy được cả những thành công rực rỡ và hạn chế của bản quy hoạch. Nhiều khái niệm mới được đưa ra như đô thị vệ tinh, hành lang xanh, nêm xanh, thành phố thông minh, thành phố sinh thái, khu công nghệ cao… nhưng tới nay chưa có nội dung nào có thể gọi là thành công. Đặt ra những mục tiêu mới để phát triển là tốt, nhưng việc lập quy hoạch cần phải sát thực tế, tập trung vào những vấn đề mà nguồn lực của chúng ta có thể hiện thực hóa được. Trong lần điều chỉnh này, quy hoạch cần phải bám sát thực tế, tập trung vào những vấn đề mà nguồn lực của chúng ta có thể hiện thực hóa được, tránh lặp lại việc định hướng ra nhiều nội dung chưa bảo đảm tính khả thi như bản Quy hoạch 1259”, KTS Trần Huy Ánh, Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội có cùng quan điểm.

Còn Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy khuyến nghị: “Từ những hạn chế được nhìn nhận, trong đợt điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội lần này, ngoài việc xem xét các yếu tố mới, phát sinh trong quá trình thực hiện quy hoạch, việc nghiên cứu quy hoạch có tính khả thi, phù hợp với xu thế phát triển chung, gắn kết chặt chẽ với phát triển kinh tế đô thị cũng cần được các cấp, ngành xây dựng cơ chế, hoàn thiện quy trình, tránh vướng mắc ngay từ khâu lập quy hoạch”.

Thực tế cho thấy công cụ quy hoạch thuần túy không đủ đáp ứng công tác quản lý phát triển đô thị hiện nay mà cần gắn với phân cấp, phân quyền để chính quyền có nhiều thực chất hơn, có trách nhiệm hơn với vấn đề của đô thị, và người dân được tham gia nhiều hơn trong công tác phát triển đô thị. “Cùng với đó, trong nội dung sản phẩm lập quy hoạch cần xây dựng chương trình dự án cụ thể, đề xuất các cơ chế chính sách thực hiện và phân công trách nhiệm rõ ràng cho các bên liên quan trong quá trình thực hiện quy hoạch”, KTS Lê Hoàng Phương nêu thêm.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Điều chỉnh quy hoạch Thủ đô: Cơ hội phát triển xứng tầm thời đại mới Bài 3: Điều kiện đã chín muồi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.