Quy hoạch

Điều chỉnh quy hoạch Thủ đô: Cơ hội phát triển xứng tầm thời đại mới Bài 2: Điều chỉnh là cấp thiết

Bảo Hân 12/10/2023 - 06:23

Sau 12 năm, nhiều tổng kết đánh giá cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch 1259) còn nhiều tồn tại, chậm được thực hiện, thậm chí không đạt mục tiêu đề ra…

Những hạn chế này vô hình trung gây ra “điểm nghẽn” cho phát triển đô thị và sẽ tăng thêm hệ lụy nếu không sớm được cởi gỡ, điều chỉnh.

quy-hoach-thu-do.jpg
Các dự án trọng điểm như đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị đang trở thành xu hướng quan trọng trong phát triển đô thị hiện nay. Trong ảnh: Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: Nguyễn Quang

Hạn chế từ những "khoảng chậm"

Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh đánh giá, việc rà soát đồng bộ trên 5 tiêu chí: Chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội và đô thị; định hướng phát triển không gian; định hướng hạ tầng kinh tế và hạ tầng xã hội; định hướng bảo tồn di sản và định hướng hạ tầng kỹ thuật với nhiều nội dung và vấn đề cụ thể đã cho thấy nhiều nội dung hạn chế, tồn tại sau 12 năm thực hiện Quy hoạch 1259.

Theo đó, quy hoạch chưa phát huy được vai trò, vị thế, tiềm năng và thế mạnh của Thủ đô Hà Nội trong Vùng Thủ đô, quy mô dân số đã vượt ngưỡng dự báo, tỷ lệ đô thị hóa đạt thấp, chất lượng phát triển đô thị chưa đồng đều dẫn đến những khó khăn trong việc phân bố, điều tiết, quản lý và kiểm soát dân cư; tiến độ triển khai các đô thị vệ tinh theo quy hoạch còn chậm; kết cấu hạ tầng đô thị chưa theo kịp nhu cầu phát triển đô thị, tính đồng bộ chưa cao.

Phân tích về một hạn chế cụ thể, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nêu, Quy hoạch 1259 định hướng Hà Nội phát triển theo mô hình chùm đô thị gồm đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh, các đô thị sinh thái, thị trấn và vùng nông thôn, được ngăn cách bởi hành lang xanh, nêm xanh và kết nối với nhau bằng hệ thống đường vành đai kết hợp với trục hướng tâm. Đây là mô hình đã thành công ở nhiều nước phát triển, phù hợp với đặc điểm của Hà Nội.

Tuy nhiên, kết quả thực hiện tới nay chưa phát huy cấu trúc không gian đã xác định. Các đô thị vệ tinh, thị trấn, đô thị sinh thái chậm triển khai hạ tầng kết nối, chưa xác lập chính quyền đô thị thích hợp kịp thời. Một số khu đô thị mới còn phát triển riêng lẻ, thiếu liên kết. Các đô thị vệ tinh chưa phát triển do thiếu cơ chế chính sách thu hút doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

“Mặc dù quy hoạch 5 đô thị vệ tinh với kỳ vọng là động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô nhưng thực tế 12 năm qua, các đô thị vệ tinh Hà Nội vẫn dừng ở quy hoạch. Khu đô thị Hòa Lạc là một ví dụ, dù trước đây được chuyển động nhiều nhất trong 5 đô thị vệ tinh. Bóng dáng của khu công nghệ cao hay các trường đại học đã được xây dựng cơ sở hạ tầng cơ bản nhưng vẫn còn quá khiêm tốn so với quy hoạch đề ra. Người dân nằm trong vùng quy hoạch gặp nhiều khó khăn…”, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trường Đại học Kinh tế quốc dân chỉ rõ.

Ngoài ra, kế thừa các quy hoạch trước, Quy hoạch 1259 đã xác định tổ chức không gian đô thị trung tâm, gồm nội đô lịch sử, nội đô mở rộng, chuỗi đô thị Bắc sông Hồng, các khu đô thị Vành đai 4 với định hướng giảm áp lực dân số từ 1,2 triệu người xuống 0,8 triệu người đến năm 2030.

“Tuy nhiên, sự gia tăng dân số khu vực đô thị trung tâm do hạn chế trong khả năng di chuyển, kết nối, việc làm, dịch vụ đô thị, giáo dục, y tế... đã tạo nên xu thế phân bố dân cư tập trung tại các khu vực đô thị hiện hữu, dẫn đến hiện tượng nhiều khu đô thị mới bị “bỏ hoang” không có người ở, lãng phí đất đai, nguồn lực xã hội”, PGS.TS Lê Quân, Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội phân tích.

Cũng theo PGS.TS Lê Quân, trong đô thị trung tâm hiện nay cơ bản các chức năng chính vẫn tập trung chủ yếu ở khu vực nội đô lịch sử, thu hút lượng lao động dịch chuyển thường xuyên từ các khu vực xung quanh ra vào nội đô rất lớn, đặc biệt tạo áp lực lên hệ thống giao thông. Hiện tượng giao thông con lắc này chủ yếu do sức hút khu vực lõi trung tâm và do các trung tâm phân tán bên ngoài chưa hình thành theo quy hoạch.

“Việc phát triển hệ thống hạ tầng khung, nhất là các tuyến đường Vành đai 4; 4,5; 5; cải tạo hệ thống sông hồ, các phố cũ, khu tập thể cũ, các làng xóm đô thị hóa; hạ tầng xã hội như trường học, bệnh viện… gắn với phân bố dân cư chưa được quan tâm phát triển, dẫn tới chất lượng đô thị nhiều yếu kém, môi trường không được cải thiện. Công trình cao tầng phát triển ồ ạt trong khu vực nội đô, làm mất nhiều thời gian cho điều chỉnh cục bộ quy hoạch và thậm chí làm thay đổi các định hướng chiến lược của Thủ đô”, KTS Lê Hoàng Phương, Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng) nêu rõ.

Đòi hỏi từ thực tiễn

Trước đòi hỏi bức thiết từ thực tế, Hà Nội đang khẩn trương lập điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Theo Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, trong quá trình triển khai Quy hoạch 1259 đã phát sinh một số vấn đề vướng mắc liên quan đến một số tuyến đường chính, các khu chức năng đô thị… có thay đổi so với định hướng Quy hoạch 1259, phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận điều chỉnh cục bộ. Tiếp đó, quá trình triển khai các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết trên địa bàn thành phố những năm qua đã có những vấn đề mới, đề xuất mới cần phải nghiên cứu khớp nối và xem xét trên tổng thể quy hoạch chung toàn thành phố và kết nối liên vùng.

Ngoài ra, cùng với tiến trình phát triển đô thị, một số vấn đề chưa được đề cập tại Quy hoạch 1259 đang trở thành xu hướng quan trọng trong phát triển đô thị hiện nay như đô thị tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, ứng phó với biến đổi khí hậu; đô thị thông minh; khai thác không gian xây dựng ngầm đô thị, nhất là không gian công cộng ngầm, gắn kết với công trình theo mô hình TOD; các dự án trọng điểm như đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị…

Trong thực tiễn giai đoạn từ năm 2011 đến nay, một số quy định pháp luật liên quan đến quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị đã được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới như Luật Xây dựng 2014, Luật Quy hoạch 2017 cùng những điều chỉnh về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cấp quốc gia, cấp vùng và phát triển đô thị, nông thôn đã ảnh hưởng tới tính chất, chức năng, định hướng phát triển Thủ đô. Đặc biệt, hàng loạt các nghị quyết của Bộ Chính trị ban hành gần đây cùng các quy hoạch ngành quốc gia… đã đặt ra nhiều yêu cầu mới đối với quy hoạch và phát triển đô thị của Thủ đô Hà Nội cần phải xem xét rà soát điều chỉnh cho phù hợp.

Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính đánh giá, thực hiện Luật Quy hoạch 2017, UBND thành phố Hà Nội đang lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là quy hoạch có tầm bao quát lớn, tích hợp đồng bộ các quy hoạch chuyên ngành, lĩnh vực có liên quan trên địa bàn toàn thành phố, gắn với các quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng.

“Do đó, việc lập điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội bảo đảm sự đồng thời, đồng bộ, thống nhất với Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, cũng như các quy hoạch ngành quốc gia, Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch Thủ đô đang nghiên cứu”, KTS Trần Ngọc Chính nhấn mạnh.

Với những yêu cầu thực tiễn nêu trên, việc UBND thành phố Hà Nội giao Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội lập đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 là cần thiết và cấp bách.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điều chỉnh quy hoạch Thủ đô: Cơ hội phát triển xứng tầm thời đại mới Bài 2: Điều chỉnh là cấp thiết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.