(HNM) - Tháng 5-2010, người lao động hưởng lương ngân sách sẽ được lĩnh tháng lương đầu tiên theo mức mới. Việc điều chỉnh tăng lương cơ bản góp phần giúp người lao động giảm bớt khó khăn trong tình hình giá cả leo thang hiện nay.
Giá xăng liên tục biến động, ảnh hưởng trực tiếp tới giá tiêu dùng. Ảnh: Đàm Duy |
Mối lo giá tăng
Quyết định tăng lương cơ bản sẽ góp phần giúp người lao động bớt khó khăn trước tình trạng giá tiêu dùng đang "leo thang". Tuy nhiên, nỗi lo giá tăng theo lương đã khiến người dân lo lắng. Chị Đinh Thị Tuyết Mai, một viên chức sống tại quận Long Biên cho biết, sau khi điều chỉnh tiền lương, thu nhập của gia đình tăng thêm gần 1 triệu đồng/tháng. Lương tăng, ai cũng mừng, chỉ ngại giá hàng hóa lại tăng theo khiến lương tăng không đủ bù đắp. Chị Vũ Thị Minh Châu, nhân viên kế toán tại một doanh nghiệp nhà nước cũng cho biết, giá nhiều mặt hàng như xăng, điện, nước sạch đã tăng cao trước thời điểm tăng lương. Nếu ngành chức năng không quản lý chặt giá thị trường thì có tăng lương cũng không cải thiện được đời sống của người dân.
Tháng 4, tốc độ tăng giá tiêu dùng đã chậm lại, chỉ tăng nhẹ 0,14% so với tháng 3. Giá hàng ăn và dịch vụ ăn uống (nhóm đóng góp gần 40% trong cơ cấu CPI) cũng giảm giá sau gần 1 năm liên tục leo thang. Tuy nhiên, theo dự báo, 4 mặt hàng trọng yếu gồm xăng dầu, sắt, thép, xi măng và phân bón vẫn có xu hướng tăng giá. Vì vậy, vẫn còn đó mối lo về việc một mặt bằng giá mới được thiết lập sau khi tăng lương.
Kiểm soát, bình ổn thị trường
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết, những tháng tiếp theo của năm 2010, Bộ tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương rà soát bãi bỏ các khoản phí, khoản thu không hợp lý, giúp doanh nghiệp (DN) cắt giảm chi phí. Đồng thời, yêu cầu DN cải tiến công nghệ, tiết kiệm nhiên liệu để có mức giá "đầu ra" phù hợp. Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước thực hiện biện pháp bình ổn giá, bảo đảm đủ lượng hàng hóa đáp ứng nhu cầu của sản xuất và tiêu dùng... Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra những mặt hàng thiết yếu như xi măng, thép, xây dựng, khí hóa lỏng, phân bón hóa học, đường ăn, thức ăn chăn nuôi... trong thời gian từ nay đến cuối năm. Được biết, dự toán ngân sách Nhà nước năm 2010 đã bố trí đủ nguồn lực để thực hiện điều chỉnh tiền lương tối thiểu lên mức 730.000 đồng/tháng. Vì vậy, việc lương tăng sẽ không làm tăng mức bội chi ngân sách so với dự toán đã được Quốc hội thông qua.
Để bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu, năm nay Hà Nội sẽ sử dụng 500 tỷ đồng vốn ngân sách tạm ứng cho các DN không tính lãi suất để dự trữ hàng, góp phần kiềm chế lạm phát trên địa bàn, trên cơ sở tăng cường công tác quản lý thị trường, thực hiện bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu. Mặt khác, TP Hà Nội sẽ công bố công khai phương án sử dụng vốn bình ổn giá năm 2010, tiêu chí lựa chọn DN để mời những đơn vị có khả năng tham gia bình ổn giá trên địa bàn. UBND TP Hà Nội giao Ban chỉ đạo 127 của thành phố phối hợp với chính quyền quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm soát giá hàng hóa bán tại trung tâm thương mại, chợ, siêu thị, nhằm phát hiện kịp thời sai phạm trong lĩnh vực quản lý giá...
Với nỗ lực bình ổn giá của các bộ, ngành, địa phương, DN… hy vọng tình trạng tăng giá kiểu "té nước theo mưa" sẽ bị loại trừ, góp phần ổn định thị trường, bảo đảm đời sống của nhân dân.
Theo Nghị định số 28/2010/CP của Chính phủ, từ ngày 1-5, mức lương tối thiểu chung áp dụng cho công chức, viên chức được điều chỉnh tăng từ 650.000 đồng/tháng lên 730.000 đồng/tháng. Mức lương mới nêu trên được áp dụng với cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; các đơn vị sự nghiệp của nhà nước, đơn vị sự nghiệp của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật; các công ty được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhà nước và các công ty TNHH một thành viên do nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ... |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.