(HNM) - Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành Nông nghiệp Hà Nội đang phối hợp với cơ quan chức năng của thành phố và các địa phương điều chỉnh kế hoạch sản xuất, tiêu thụ nông sản để sẵn sàng ứng phó với các tình huống xấu. Trong đó, đặc biệt chú trọng tăng cường sản xuất những mặt hàng thiết yếu; mở rộng diện tích sản xuất rau trái vụ, rau vụ đông; tăng diện tích rau ngắn ngày để tăng sản lượng... nhằm bảo đảm cung ứng lương thực, thực phẩm cho người dân Thủ đô.
Khó khăn trong tiêu thụ nông sản
Với khả năng sản xuất nông nghiệp của Hà Nội, hiện tại, tùy loại mặt hàng có thể đáp ứng được từ 35% đến 60% nhu cầu của người dân Thủ đô. Một lượng lớn nông sản vẫn phải nhập từ các tỉnh, thành phố và từ nước ngoài (gạo là 39,4%; thịt lợn 5,9%; thịt trâu, bò 80,7%; rau, củ, quả 34,9%...). Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, mặc dù thành phố đã chủ động xây dựng kịch bản, duy trì, phát triển sản xuất và kết nối tiêu thụ sản phẩm, song do thực hiện giãn cách xã hội, việc vận chuyển nông sản hay vật tư, nguyên liệu sản xuất từ các địa phương về Hà Nội gặp nhiều khó khăn.
Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh Nguyễn Văn Thiềng cho biết, huyện có 800ha sản xuất rau an toàn; hơn 70.000 con lợn; 2,2 triệu con gia cầm và khoảng 120ha nuôi trồng thủy sản. Sản xuất duy trì ổn định nhưng các trang trại, hợp tác xã gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Còn ông Lê Văn Trẻo, hộ chăn nuôi vịt tại xã Liên Châu (huyện Thanh Oai) thông tin, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội, tiểu thương không về nhập trứng nên trang trại phải trông cậy vào sự hỗ trợ của các hội, đoàn thể của xã để tiêu thụ sản phẩm.
Tính đến ngày 3-8, Hà Nội có 20 chợ truyền thống, 3 chợ đầu mối, 25 siêu thị và 35 cửa hàng tiện ích phải dừng hoạt động do có liên quan đến các ca nhiễm Covid-19, do vậy, tại một số địa phương đã xảy ra tình trạng ùn ứ nông sản. Theo Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản, dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường, các địa phương cần phải sớm giải quyết các vấn đề phát sinh trong thực tế, có phương án khắc phục cụ thể, tránh để tình trạng ứ đọng nông sản cục bộ.
Nhiều "kịch bản" để sẵn sàng ứng phó
Cùng với việc rà soát lại năng lực sản xuất của từng địa phương đối với việc cung ứng lương thực, thực phẩm cho khu vực nội đô, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản cho rằng, Hà Nội cần có kịch bản tập kết nông sản vào các kho lạnh và chuẩn bị danh mục những điểm tập kết, bố trí hàng trung chuyển ở ven khu vực nội đô để ứng phó với các tình huống xấu nếu dịch Covid-19 lan rộng, thời gian giãn cách xã hội kéo dài.
Để giải “bài toán” tiêu thụ nông sản, Sở NN&PTNT đã đề nghị UBND thành phố Hà Nội xem xét, đề xuất Bộ NN&PTNT cho thành phố sử dụng Trung tâm Xúc tiến thương mại tại quận Cầu Giấy làm nơi tập kết trung chuyển hàng hóa từ các tỉnh, thành phố về để giảm tải cho chợ đầu mối bị phong tỏa; đồng thời phối hợp với Sở Công Thương và các địa phương đề xuất 5 vị trí trung chuyển hàng hóa từ các tỉnh, thành phố và các huyện vào khu vực nội đô.
"Hiện tại, nhiều địa phương đã xây dựng các phương án, kịch bản, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Sở NN&PTNT sẵn sàng tiếp nhận bất cứ thông tin nào liên quan đến khó khăn, vướng mắc trong việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và sẽ phối hợp với Sở Công Thương, UBND các địa phương hỗ trợ, tháo gỡ trong thời gian ngắn nhất", Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết.
Để sẵn sàng ứng phó với diễn biến mới của dịch Covid-19, Sở NN&PTNT Hà Nội cũng đã yêu cầu cơ quan chức năng của ngành Nông nghiệp phối hợp với các địa phương hướng dẫn nông dân điều chỉnh kế hoạch sản xuất. Cụ thể là tăng lứa, gối vụ sản xuất rau; tăng diện tích rau ngắn ngày như rau cải các loại, rau muống, mùng tơi; mở rộng diện tích (khoảng 2.000ha) sản xuất rau trái vụ, rau vụ đông sớm và kiểm soát tốt dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm...
Về phía địa phương, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng thông tin, huyện đã yêu cầu 23 hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn chủ động xây dựng "kịch bản" sản xuất như trồng luân canh các giống rau ngắn ngày; chuẩn bị nguồn giống gia súc, gia cầm để tăng đàn vật nuôi... từ đó tăng nguồn cung nông sản. Còn Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Anh Dũng cho biết, huyện đang tiến hành rà soát về sản lượng và khả năng cung ứng của từng đơn vị sản xuất nông nghiệp cũng như nhu cầu xe vận chuyển hàng hóa, kho dự trữ hàng hóa… để có giải pháp hỗ trợ tiêu thụ nông sản trên địa bàn.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ NN&PTNT sẽ rà soát hoạt động sản xuất của 21 tỉnh, thành phố trong Ban Điều phối chuỗi cung cấp rau thịt an toàn cho Hà Nội để có chỉ đạo trong kết nối tiêu thụ sản phẩm, tạo vành đai và chân đế ổn định trong cung ứng nông sản cho Thủ đô.
Khó khăn do diễn biến dịch Covid-19 vẫn ở phía trước, nhưng với việc linh hoạt điều chỉnh kế hoạch sản xuất, chủ động các "kịch bản", giải pháp kết nối tiêu thụ sản phẩm, Hà Nội sẽ bảo đảm được nguồn cung lương thực, thực phẩm an toàn cho người dân với mức giá ổn định; đồng thời hoàn thành "mục tiêu kép", vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.