(HNMO) –Dự kiến, từ 14/12 tới, giá 1.800 dịch vụ y tế sẽ tăng trung bình 2- 7 lần so với giá viện phí hiện hành, bởi đưa phụ cấp trực, phục cấp phẫu thuật, thủ thuật và một phần lương vào viện phí.
Theo ông Nguyễn Nam Liên-Vụ trưởng Kế hoạch Tài chính-Bộ Y tế, với việc tăng giá này, những người có thẻ bảo hiểm y tế sẽ có lợi. Từ nay đến hết năm 2017, Quỹ Bảo hiểm y tế vẫn có khả năng cân đối.
Tăng 1.800 giá dịch vụ y tế không ảnh hưởng đến người nghèo
Ngày 11/11, Báo điện tử Vnexpress đã tổ chức phỏng vấn trực tuyến về tăng giá khám chữa bệnh. Tại đây, ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Kế hoạch Tài chính-Bộ Y tế cho biết, việc tăng giá lần này sẽ áp dụng cho tất cả các bệnh viện có ký hợp đồng khám chữa bệnh với cơ quan bảo hiểm y tế, cả bệnh viện tuyến trên và tuyến dưới, cả bệnh viện công và bệnh viện tư có khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, trước mắt chỉ áp dụng với người có thẻ bảo hiểm y tế, đối với người chưa có thẻ bảo hiểm y tế thì vẫn thực hiện mức giá như hiện nay. Trong năm 2016, liên Bộ Y tế-Tài chính sẽ căn cứ vào tình hình kinh tế xã hội để trình Chính phủ việc áp dụng cho người không có thẻ bảo hiểm y tế tại thời điểm phù hợp, tức về lâu dài sẽ tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế đối với cả người chưa có thẻ bảo hiểm y tế. Được biết, trong thời gian tới, cán bộ y tế được trả lương từ nguồn thu bảo hiểm y tế.
Giá dịch vụ lần này áp dụng để thanh toán bảo hiểm y tế nên người có thẻ bảo hiểm y tế nhưng đi khám chữa bệnh tại bệnh viện tư còn được lợi,vì bảo hiểm y tế thanh toán với mức cao hơn, do đó số tiền chênh lệch giữa giá của bệnh viện tư và giá do bảo hiểm y tế thanh toán sẽ giảm đi. Vì thế, người bệnh phải chi trả ít hơn.
Ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Kế hoạch Tài chính- Bộ Y tế (ảnh: Vnexpress) |
Ông Liên cho hay, theo chính sách của Đảng và Nhà nước ta hiện nay toàn bộ người nghèo theo chuẩn nghèo do Thủ tướng quy định. Trong đó, người dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng kinh tế xã hội khó khăn; người dân sinh sống ở vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn; các xã đảo, huyện đảo... được Nhà nước cho phép mua thẻ bảo hiểm y tế nên khi đi khám chữa bệnh được bảo hiểm xã hội thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh. Đối với người cận nghèo thì đã được Nhà nước hỗ trợ 70% để mua thẻ bảo hiểm y tế.
“Như vậy, người cận nghèo chỉ phải bỏ ra 30% mệnh giá thẻ bảo hiểm y tế (khoảng 186.000 đồng), khi đi khám chữa bệnh được bảo hiểm xã hội thanh toán 95% chi phí khám chữa bệnh nên việc tăng giá dịch vụ y tế thì không ảnh hưởng đối với nghèo vì đã được bảo hiểm y tế thanh toán”, ông Liên nói.
Ông Liên cũng cho biết, hiện nay, nhiều đơn vị địa phương mới thực hiện mức giá bằng khoảng 70-80% chi phí trực tiếp để thực hiện dịch vụ, trong khi ngân sách Nhà nước thì không đủ chi lương cho các bệnh viện nên nhiều trường hợp bệnh viện yêu cầu người bệnh chi trả thêm hoặc phải mua thêm một số vật tư, hóa chất để thực hiện dịch vụ.
Giá dịch vụ lần này sẽ tính đủ chi phí trực tiếp và tiền lương nên người dân sẽ không phải chi trả thêm hoặc phải mua thêm một số vật tư, hóa chất mà sẽ được cơ quan bảo hiểm y tế thanh toán. Mặt khác, khi tính đủ chi phí trực tiếp thì các bệnh viện tuyến dưới sẽ có kinh phí để thực hiện các dịch vụ, người có thẻ bảo hiểm y tế sẽ được thụ hưởng dịch vụ ngay tại địa bàn nơi cư trú và được bảo hiểm y tế thanh toán.
Quỹ Bảo hiểm y tế có khả năng cân đối đến hết 2017
Về mức tăng chi phí giường nằm cho bệnh nhân nói chung, bệnh nhân nhi nói riêng và mức giá với giường nằm 2-3 bệnh nhân, theo ông Nguyễn Nam Liên, giá ngày giường bệnh được quy định theo 5 hạng bệnh viện và mỗi một hạng bệnh viện có tới 9 loại giường khác nhau nên mức tăng có khác nhau. Riêng đối với giường bệnh nhân nhi thì tại bệnh viện nhi hạng một như Bệnh viện Nhi trung ương giá ngày giường hiện nay là 80.000 đồng, giá dự kiến áp dụng từ 14/12/2015 là khoảng 99.000 đồng, giá dự kiến áp dụng từ 1/4/2016 là khoảng 215.000 đồng.
“Hiện nay Bộ Y tế và Bộ Tài chính quy định rất rõ trường hợp 2 bệnh nhân nằm một giường thì bệnh viện chỉ được thu của người bệnh và thanh toán với bảo hiểm y tế tối đa 50% giá ngày giường; trường hợp cá biệt phải nằm ghép 3 thì chỉ được thu, thanh toán tối đa 30%”, Vụ trưởng Kế hoạch Tài chính- Bộ Y tế nói.
Một câu hỏi được đặt ra là giá dịch vụ y tế tăng thì giá mua bảo hiểm có tăng? Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Nam Liên cho biết, theo tính toán của liên bộ Bộ Y tế- Tài chính và Bảo hiểm xã hội Việt Nam, việc điều chỉnh giá lần này thì Quỹ Bảo hiểm y tế vẫn có khả năng cân đối đến hết năm 2017 nên từ nay đến năm 2017 chưa phải tăng giá mua bảo hiểm y tế. Từ năm 2018 trở đi, liên Bộ sẽ xem xét khả năng cân đối của Quỹ Bbảo hiểm tế để có giải pháp cho phù hợp, vì thế từ nay đến năm 2017 chưa phải tăng mức đóng bảo hiểm y tế.
Với câu hỏi về việc có phải việc tăng giá lần này nhằm khuyến khích tất cả người dân cùng mua bảo hiểm y tế, ông Nguyễn Nam Liên chia sẻ, liên Bộ Y tế- Tài chính đã tính toán thận trọng việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế cụ thể dự kiến từ ngày 14/12/2015 áp dụng mức giá tính đủ chi phí trực tiếp và phụ cấp đặc thù. Những khoản chi này lẽ ra phải thực hiện từ năm 2012 nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện đầy đủ, thống nhất trong cả nước. Dự kiến ngày 1/4/2016, thực hiện mức giá có tính tiền lương.
Hiện nay, khoảng 25% dân số chưa có thẻ bảo hiểm y tế nên việc thực hiện mức giá có tiền lương vào năm 2016 là để người chưa có thẻ bảo hiểm y tế có điều kiện để tham gia bảo hiểm y tế. Khi thực hiện mức giá có tiền lương thì ngân sách Nhà nước sẽ không phải cấp cho các bệnh viện như hiện nay. Chính phủ sẽ sử dụng nguồn ngân sách này để tăng chi cho y tế dự phòng, y tế cơ sở và hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm y tế nhằm thực hiện mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân theo luật bảo hiểm y tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.