Theo dõi Báo Hànộimới trên

Điều chỉnh đầy tham vọng

Lâm Phương| 22/11/2010 07:21

(HNM) - "Tấm áo cũ kỹ" của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vừa được làm mới sau Hội nghị Thượng đỉnh tổ chức tại Lisbon (Bồ Đào Nha) trong 2 ngày cuối tuần qua - một hội nghị được cho là quan trọng nhất của tổ chức quân sự này kể từ khi kết thúc chiến tranh lạnh.

Khái niệm Chiến lược mới, nhằm thay thế văn bản tương tự được soạn thảo năm 1999, vừa được NATO thông qua tại hội nghị đã trang bị cho khối này một "công cụ" mới để xử lý những mối đe dọa trong thế giới hiện đại, từ khủng bố và xung đột khu vực đến các cuộc tấn công mạng và thảm họa thiên tai do biến đổi khí hậu... Nhìn ở góc độ rộng hơn, đây sẽ là "lộ trình hành động" của NATO trong 10 năm tới nhằm đối phó với những thách thức trong thế kỷ XXI khi tôn chỉ hành động của của khối sau hơn 6 thập kỷ tồn tại đã không còn phù hợp với một trật tự thế giới mới đang dịch chuyển từ châu Âu với Đại Tây Dương sang châu Á với Thái Bình Dương.

Một chuyển biến được xem là mang tính bước ngoặt nhưng tiềm ẩn nhiều tranh cãi trong khái niệm chiến lược mới là việc thay đổi sứ mạng phòng thủ tập thể của liên minh quân sự giữa hai bờ Đại Tây Dương trong trường hợp bị tấn công. NATO đã tự trao cho mình quyền được thực thi các hành động quân sự vượt ra bên ngoài biên giới với cái cớ là bảo vệ quyền lợi các nước thành viên liên quan tới kinh tế, năng lượng. Tức là, NATO sẽ không tìm kiếm sự ủy quyền của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) mà sẽ tự hành động. Điều làm người ta hết sức quan ngại là NATO có thể sử dụng chiêu bài chống khủng bố trong khái niệm Chiến lược mới để đẩy xa hơn các hoạt động quân sự nhằm đạt được tham vọng thống lĩnh toàn cầu. Vì trên thực tế, nói là thay đổi mang tính bước ngoặt nhưng nội dung chính của khái niệm Chiến lược mới chỉ nhằm hợp lý hóa những gì NATO đã thực hiện lâu nay.

Đến thời điểm này, "cỗ máy quân sự" lớn nhất hành tinh đã có hơn 1 thập kỷ kinh nghiệm tiến hành các cuộc viễn chinh, bao gồm sự can thiệp tại các cuộc nội chiến ở Bornsia - Herzegovina năm 1995, tấn công Serbia năm 1999, rồi đến cuộc chiến chống khủng bố ở Afghanistan năm 2001- một đỉnh cao cho sự can thiệp quân sự bên ngoài lãnh thổ thành viên NATO cho dù được đặt dưới "cái ô" của LHQ. Gần đây nhất là cuộc xâm lược Iraq năm 2003 với cớ truy tìm vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Tuy nhiên, việc NATO tự trao quyền phá bỏ các cam kết và quy chế mang tính quốc tế, vượt khỏi khuôn khổ LHQ và tất cả các tổ chức quốc tế khác ngay lập tức tạo ra thách thức mang tầm thế kỷ cho các nước thành viên.

Thứ nhất, những thương vong và thiệt hại không đáng có cùng sự bất ổn triền miên ở những khu vực NATO tham chiến ngày càng khiến người ta nghi ngờ về vai trò "kiến tạo hòa bình" mà tổ chức này vẫn nhân danh lâu nay. Đơn cử như Serbia, dù đã hơn một thập kỷ trôi qua, nhưng vết sẹo mà NATO để lại cho mảnh đất này chẳng những chưa kịp lành mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến nơi đây thành lò lửa bạo lực có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Nhất là việc các thành viên NATO theo đuôi Mỹ công nhận tỉnh Kosovo thuộc CH Serbia độc lập hồi đầu năm 2008 đã tạo ra tiền lệ nguy hiểm khi kích động gần 5.000 nhóm sắc tộc và ly khai trên toàn thế giới. Còn Afghanistan, điểm đầu trong cuộc chiến chống khủng bố lại đang khiến uy tín của NATO suy giảm nghiêm trọng. Sự bất ổn kéo dài tại Iraq càng chứng tỏ NATO đã lựa chọn nhầm sứ mạng khi "bỏ quên" nhiệm vụ trọng tâm là an ninh tập thể ở châu Âu để nhảy vào các cuộc chiến bên ngoài biên giới.

Thứ hai, tham chiến là một phần nguyên nhân khiến nguồn lực của châu Âu sụt giảm. Thêm vào đó, "bão tài chính" cũng khiến nhiều nước không còn "mặn mà" với các khoản đóng góp cho NATO. Hậu quả là hiện nay chỉ có 5 nước thành viên đáp ứng được tiêu chuẩn ngân sách quốc phòng (thấp nhất là 2%) do NATO đề ra. Tình trạng cắt giảm chi tiêu trên mọi lĩnh vực khiến người ta không khỏi hoài nghi về hiệu quả hoạt động của NATO trong thời gian tới.

Ngoài ra, bối cảnh thế giới hiện nay đã khác thời điểm cách đây 60 năm, khi nhiều quốc gia có tiềm lực kinh tế khác đang nổi lên. Nga - ngoài việc lấy lại sức mạnh vốn có của một cường quốc - cũng khéo léo tạo mối liên kết chặt chẽ với những "cực" tiềm năng của thế giới. Do đó, mọi kế hoạch từ chống khủng bố, cướp biển hay ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân đến kết nạp thành viên mới, đặc biệt là việc giải quyết "bãi lầy" Afghanistan, NATO không thể phớt lờ vai trò của Nga.

Thế nhưng, dù đạt được nhiều bước tiến trong 20 năm qua, từ chỗ là đối thủ không đội trời chung đến việc đạt được thỏa thuận hướng tới quan hệ đối tác chiến lược thực sự trong hội nghị lần này, NATO - Nga vẫn chưa thoát khỏi sự ngờ vực từ cả hai phía. Trong khi Nga kiên quyết phản đối quá trình "Đông tiến", thì trong khái niệm Chiến lược mới NATO vẫn không từ bỏ kế hoạch kết nạp Ukraine và Georgia - hai điểm chiến lược trong ván cờ địa - chính trị và địa - kinh tế có ý nghĩa sống còn giữa Nga và phương Tây. Trong khi Nga muốn chấm dứt kế hoạch lá chắn tên lửa của Mỹ (NMD) tại Trung Âu thì NATO lại vừa thông qua kế hoạch triển khai NMD trên phạm vi toàn châu Âu dù có lên tiếng mời Mátxcơva hợp tác.

Xem ra, Liên bang Xô Viết dù đã tan rã, nhưng với Mỹ và phương Tây, Mátxcơva dường như vẫn là nỗi lo tiềm ẩn, bất chấp những lời tuyên bố hữu nghị và những nụ cười tươi của các chính khách khi gặp gỡ. Vì thế, mức độ hợp tác Nga - NATO sẽ còn phụ thuộc vào thái độ trong các cuộc đàm phán, thương lượng về lợi ích của các bên thời gian tới. Đây sẽ là yếu tố có tác động không nhỏ đến tham vọng của NATO trong thập kỷ này.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Điều chỉnh đầy tham vọng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.