(HNM) - Năm 2010 là năm cuối thực hiện kế hoạch 5 năm 2006-2010, chiến lược phát triển KT-XH 2001-2010. Ngành công thương phải đối mặt với không ít thách thức.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự đồng thuận và sự hưởng ứng của cộng đồng doanh nghiệp (DN), nền kinh tế nước ta đã có chuyển biến tích cực, tốc độ tăng GDP năm 2010 đạt 6,7%, năm 2011 phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước đạt 7-7,5%...
Sản xuất tại Công ty CP Kim khí Thăng Long. Ảnh: Linh Tâm
Sản xuất và thương mại tăng trưởng mạnh
Năm 2010, ngành công nghiệp đã tận dụng được những điều kiện thuận lợi khách quan là sự phục hồi của nền kinh tế thế giới, nên đã đẩy mạnh được tốc độ tăng trưởng của ngành. Giá trị sản xuất công nghiệp (GTSXCN) tăng 14%. Cơ cấu nội ngành có bước chuyển dịch tích cực với tỷ trọng công nghiệp chế biến tăng dần, công nghiệp khai khoáng giảm dần. Bảo đảm sản xuất và cung ứng những mặt hàng thiết yếu cho sản xuất của các ngành kinh tế và tiêu dùng của nhân dân, đồng thời đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu (KNXK) cả nước. Nhiều dự án đầu tư có quy mô lớn đã được thực hiện, một số đã đi vào hoạt động, góp phần nâng cao sản lượng và chất lượng nhiều loại sản phẩm, đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong nước, giảm nhập khẩu và tăng XK.
Năm 2010 được đánh giá là năm thị trường trong nước có bước phát triển khá, nhờ các giải pháp kích cầu tiêu dùng thông qua cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; các chương trình khuyến mại, giảm giá của DN phân phối, các đợt đưa hàng về nông thôn, khu công nghiệp, mở điểm bán hàng ổn định giá... Một số biểu hiện "sốt hàng" đã được can thiệp kịp thời, nên thị trường nhanh bình ổn trở lại. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước ước đạt 1.561,6 nghìn tỷ đồng, tăng 24,5% so với năm trước. Trong đó, kinh tế tư nhân vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất, đạt gần 86% giá trị lưu chuyển.
Nhằm bình ổn và kiểm soát thị trường, các ngành chức năng tăng cường kiểm soát giá và dịch vụ; rà soát năng lực sản xuất, hệ thống cung ứng để có phương án cụ thể nhằm bảo đảm cân đối cung - cầu đối với các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu; kiểm tra việc các DN tham gia thực hiện bình ổn giá... Tổng KNXK hàng hóa đạt khoảng 71,6 tỷ USD, tăng 25,5% so với năm 2009 và vượt 18% so với kế hoạch. Trong đó, khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài đạt khoảng 38,8 tỷ USD, chiếm 54% KNXK của cả nước, khu vực DN 100% vốn trong nước đạt khoảng 32,8 tỷ USD, chiếm 46%.
Với nhiều biện pháp kiểm soát để hạn chế nhập khẩu những mặt hàng tiêu dùng xa xỉ hoặc loại hàng trong nước đã sản xuất được, ngành đã hạn chế được khối lượng nhập khẩu, tuy nhiên một số mặt hàng vẫn có mức nhập khẩu cao. Tổng kim ngạch nhập khẩu (KNNK) năm 2010 khoảng 84 tỷ USD, tăng 20,1%, trong đó DN vốn đầu tư nước ngoài đạt 36,4 tỷ USD, tăng 39,9%; KNNK của khối DN vốn trong nước đạt 47,5 tỷ USD, tăng 8,3%...
Cần tăng cường năng lực
Dự báo trong năm 2011 và giai đoạn tới, nền kinh tế nước ta tiếp tục gặp khó khăn. Để góp phần đạt nhịp độ tăng trưởng GDP của cả nước năm 2011, được đề ra là 7-7,5%, ngành công thương phấn đấu tăng 14,8% GTSXCN so với năm 2010; phấn đấu tổng KNXK hàng hóa tăng khoảng 10%, dự kiến KNNK hàng hóa tăng 10,7%, nhập siêu dự kiến khoảng 18% tổng KNXK. Tổng mức lưu chuyển bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội tăng 25%, hàng hóa, dịch vụ đa dạng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của xã hội.
Để thực hiện thành công các mục tiêu trên, Bộ Công thương đã đề ra các giải pháp chủ yếu để tăng mạnh XK, kiểm soát nhập khẩu chặt chẽ hơn, nhất là hàng tiêu dùng cao cấp, đẩy mạnh sản xuất trong nước để giảm nhập siêu; bảo đảm mức cân đối lớn về hàng hóa do ngành chịu trách nhiệm, gắn với định hướng tiêu dùng. Ngành chủ động thực hiện lộ trình điều chỉnh giá một số hàng hóa, dịch vụ nhà nước quản lý như điện, than theo cơ chế thị trường. Thực hiện các biện pháp quản lý thị trường, xử lý kịp thời những hành vi vi phạm; phát triển, hoàn thiện hệ thống phân phối, nhất là những mặt hàng thiết yếu. Thực hiện các giải pháp chuyển dịch cơ cấu gắn với chủ trương tái cấu trúc nền kinh tế, trước hết là điều chỉnh cơ cấu đầu tư của từng lĩnh vực, DN theo hướng giảm dần đầu tư từ ngân sách, xã hội hóa nguồn vốn. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án nguồn điện theo quy hoạch; thực hiện có hiệu quả việc tiết kiệm điện; tăng cường giám sát điện năng ở các địa phương, bảo đảm cung ứng đủ điện cho yêu cầu sản xuất và sinh hoạt. Điều chỉnh cơ cấu ngành công nghiệp nhằm nâng cao giá trị gia tăng, triển khai tích cực các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ, các ngành sản xuất phục vụ mục tiêu thay thế nhập khẩu. Đổi mới cơ cấu và chính sách thu hút FDI, khuyến khích vào những ngành sản xuất có hàm lượng công nghệ cao, ít tiêu tốn năng lượng và ảnh hưởng đến môi trường, có khả năng thúc đẩy XK. Tăng cường năng lực và sự phát triển bền vững của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với nhu cầu sử dụng và yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế hiệu quả...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.