(HNM) - Tại hội thảo liên kết phát triển du lịch khu vực trọng điểm quốc gia Hải Phòng - Quảng Ninh kết nối tour, tuyến với Hà Nội tổ chức vừa qua, những yếu kém làm ảnh hưởng đến tốc độ phát triển du lịch Việt Nam lại một lần nữa được đưa ra "mổ xẻ". Thiếu tính liên kết, thiếu sự đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng khiến các tỉnh, thành chưa tạo ra tour, tuyến điểm du lịch hấp dẫn, độc đáo để có thể níu chân du khách…
Thu hút khách mà thiếu cả… khách sạn 5 sao
Hải Phòng và Quảng Ninh được ví như bức tranh thu nhỏ của du lịch Việt Nam bởi nơi đây có rừng, biển, đặc biệt có di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, khu dự trữ sinh quyển thế giới Vườn quốc gia Cát Bà, Vịnh Bái Tử Long, Khu di tích Yên Tử và hàng trăm di tích lịch sử, cảnh đẹp tự nhiên có sức hấp dẫn. Mặt khác, hai địa phương này được xác định là địa bàn trọng điểm quốc gia phát triển du lịch trong tam giác tăng trưởng kinh tế, xã hội Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.
Phà biển Tuần Châu - Gia Luận giúp du khách có thêm thuận tiện du lịch từ Hạ Long sang Cát Bà. |
Sau chuyến khảo sát một số “điểm đến” của thành phố "Hoa Phượng đỏ", Phó Vụ trưởng Vụ lữ hành (Tổng cục Du lịch) Nguyễn Anh Tuấn nhận xét, cơ sở hạ tầng du lịch của Hải Phòng chưa phát triển. Việc thiếu các điểm vui chơi, giải trí, thậm chí khách sạn 5 sao cũng chưa có thì nói gì đến việc thành phố Cảng thu hút khách quốc tế, nhất là nguồn khách cao cấp có khả năng chi trả lớn. Hơn nữa, 4 "điểm đến" của cuộc khảo sát đại diện cho du lịch văn hóa, tâm linh, nghỉ dưỡng, homestay (du lịch cộng đồng) chưa có sản phẩm nào đặc sắc đọng lại trong lòng du khách. "Ngay cả đảo Hòn Dáu (Đồ Sơn), niềm tự hào của người dân Hải Phòng cũng đang mất dần vẻ đẹp nguyên sơ vốn có, thay vào đó là một resort (khu nghỉ dưỡng) hiện đại. Nếu không giữ được cảnh quan thiên nhiên, ngay cả hai điểm du lịch nổi tiếng là Cát Bà và Đồ Sơn sẽ bị phá hủy trong tương lai", ông Nguyễn Anh Tuấn cảnh báo.
Không chỉ có Hải Phòng, du lịch Quảng Ninh cũng lâm vào tình trạng tương tự. Được thiên nhiên ưu đãi, Quảng Ninh có Vịnh Hạ Long luôn hấp dẫn du khách đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, những năm qua, du lịch Quảng Ninh gần như lệ thuộc vào sức hấp dẫn của Vịnh Hạ Long. Nhìn vào tiềm năng, ngoài Vịnh Hạ Long, Quảng Ninh còn nhiều tài nguyên du lịch khác, cả về văn hóa, lịch sử và tự nhiên. Dù vậy, việc khai thác những tài nguyên đó phục vụ hoạt động du lịch cũng chưa hiệu quả. Do đó, đến với Quảng Ninh, khách du lịch quốc tế chỉ biết có Vịnh Hạ Long…
Chưa tìm được "tiếng nói chung"
Nâng cao tính liên kết là một điều kiện tất yếu để đẩy mạnh sự phát triển bền vững của ngành du lịch. Với tiềm năng du lịch phong phú cùng với việc kề nhau về mặt địa lý, nếu liên kết tốt, Hải Phòng và Quảng Ninh sẽ hỗ trợ cho nhau, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách. Tuy nhiên, đến nay, hai địa phương vẫn chưa tìm được "tiếng nói chung".
Mong chờ từ nhiều năm nay, tại hội thảo này, ông Hoàng Văn Kể, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng thẳng thắn nhìn nhận, bản thân sự nỗ lực của thành phố Hải Phòng thời gian qua chưa tương xứng với tiềm năng. Thêm vào đó, việc liên kết với các tỉnh, trong đó có Quảng Ninh chưa được phát huy dẫn tới kết quả thu được còn khiêm tốn.
Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết thêm, vốn là nơi đón luồng khách từ cửa khẩu quốc tế Móng Cái, sân bay Cát Bi và các cảng biển quan trọng, việc tăng cường liên kết giữa hai địa phương sẽ mở ra nhiều cơ hội và điều kiện để phát triển, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, nâng cao sức cạnh tranh và tăng cường thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Tuy nhiên, liên kết phát triển du lịch giữa Hải Phòng và Quảng Ninh cũng như địa phương khác còn yếu kém. Chính sự yếu kém này khiến cho sản phẩm du lịch bị trùng lặp, nhiều điểm du lịch đẹp bị đầu tư manh mún, chắp vá, phá vỡ không gian và cảnh quan chung, môi trường du lịch nhiều nơi bị suy giảm…
Liên kết phát triển du lịch, bao giờ?
Với 6 gợi ý của Tổng cục Du lịch đưa ra, ngoài liên kết về quảng bá điểm đến, hợp tác trao đổi kinh nghiệm, khai thác thế mạnh sản phẩm du lịch mỗi địa phương, đào tạo nguồn nhân lực, việc liên kết trong công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, cùng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông được nhìn nhận như động lực quan trọng giúp du lịch hai địa phương trên cùng phát triển.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Hải Phòng trăn trở, chúng tôi đã nhận thức rõ tầm quan trọng của việc liên kết. Trước đây, việc liên kết đưa khách từ Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) sang Cát Bà (Hải Phòng) đã đạt được hiệu quả. Tại các chương trình liên kết phát triển kinh tế, xã hội giữa hai địa phương cũng nhiều lần đề cập đến vấn đề hợp tác phát triển du lịch. Thậm chí, nhiều văn bản liên kết phát triển du lịch giữa Hải Phòng và Quảng Ninh đã được ký kết. Nhưng trên thực tế vì nhiều lý do khác nhau nên những bản thỏa thuận đó không triển khai được.
Câu chuyện của Hải Phòng và Quảng Ninh cho thấy, muốn du lịch Việt Nam phát triển bền vững cần có sự bắt tay chặt chẽ không chỉ của ngành chuyên môn từng địa phương mà phải bắt đầu từ chính quyền, các doanh nghiệp hoạt động du lịch, cho đến người dân bản địa và ngay bản thân mỗi du khách.
PGS. TS Phạm Trung Lương, Viện Nghiên cứu và Phát triển Du lịch cho biết: Với tiềm năng du lịch to lớn cùng vị trí "mặt tiền" của đất nước ở khu vực phía Bắc và là điểm cuối cùng của các tuyến hành lang kinh tế có tính khu vực, gồm: Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, sự liên kết giữa Hải Phòng và Quảng Ninh sẽ có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch giai đoạn tới, góp phần giúp du lịch Việt Nam chuyển mình để phát triển bền vững. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.