Theo dõi Báo Hànộimới trên

Điện nhập khẩu chiếm tỷ trọng rất thấp

Bảo Hân| 26/05/2023 17:36

(HNMO) - Chiều 26-5, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết tổng sản lượng điện nhập khẩu từ Lào, Campuchia và Trung Quốc chiếm tỷ trọng rất thấp trong cơ cấu nguồn điện ở nước ta.

Thứ trưởng Đặng Hoàng An thông tin tại họp báo.

Thông tin tại cuộc họp báo chiều nay, trước mối quan tâm của dư luận về nguồn điện nhập khẩu để tránh tình trạng thiếu điện hiện nay, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An nêu, việc nhập khẩu điện là chiến lược dài hạn dựa trên các mối quan hệ chính trị - kinh tế của Việt Nam nhằm bảo đảm an ninh năng lượng dài hạn của quốc gia...

Việc nhập khẩu điện được tính toán kỹ lưỡng các kịch bản nhằm bảo đảm tỷ trọng nhỏ, tự chủ, an ninh năng lượng quốc gia và phù hợp với các điều kiện quan hệ chính trị - kinh tế - thương mại với các nước trong khu vực.

Thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong quý I-2023 cho thấy, trong tỷ lệ huy động một số loại hình nguồn điện trên tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống, nhiệt điện than đạt 28,03 kWh, chiếm lệ cao nhất (45,3%); tiếp đó đến thủy điện đạt 15,38 kWh (chiếm 24,9%); năng lượng tái tạo đạt 10,22 tỷ kWh (16,5%); tua bin khí đạt 7,14 tỷ kWh (11,6%) và điện nhập khẩu chỉ đạt 953 triệu kWh (chiếm 1,5%).

Hiện nay hệ thống điện quốc gia, đặc biệt là hệ thống điện miền Bắc đang trong cao điểm mùa khô, vận hành trong tình trạng khó khăn, do phụ tải hệ thống tăng cao, lưu lượng nước về của các nhà máy thủy điện tiếp tục kém, tình hình nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện than có nhiều khó khăn. 

Do đó, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tập Đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) bảo đảm độ tin cậy vận hành của các nhà máy nhiệt điện; yêu cầu tất cả các nhà máy điện bằng mọi giải pháp lo đủ nhiên liệu phát điện; tăng khí cấp điện tại khu vực Đông và Tây Nam Bộ; điều tiết các hồ chứa thủy điện hợp lý và thực hiện triệt để tiết kiệm điện trên toàn quốc… Nhờ đồng bộ thực hiện các giải pháp trên, việc cung ứng điện đang được duy trì ổn định và dự kiến sẽ tiếp tục bảo đảm để vượt qua mùa khô hạn năm nay, trong đó dự kiến phụ tải trong tháng 6 tới sẽ cao hơn. 

Thông tin về việc gỡ vướng cho các chủ đầu tư dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp trong đàm phán, thỏa thuận về giá, ký kết hợp đồng mua bán điện với EVN, Thứ trưởng Bộ Công Thương nêu, hiện có 8 nhà máy hoặc phần nhà máy điện mặt trời và 77 nhà máy hoặc phần nhà máy điện gió đã ký kết hợp đồng mua bán điện với EVN trước ngày 1-1-2021 nhưng không đáp ứng điều kiện áp dụng giá bán điện ưu đãi (FIT) tại Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6-4-2020 của Thủ tướng Chính phủ. 85 nhà máy này có tổng công suất là 4.736 MW.

Để có cơ sở cho EVN và các dự án chuyển tiếp thỏa thuận giá điện, thời gian qua, Bộ Công Thương đã ban hành khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp. Mức giá này được xác định trên cơ sở các số liệu suất đầu tư dự án có xét đến xu hướng giảm suất đầu tư của các loại hình mặt trời, điện gió trên thế giới.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã đề nghị EVN xem xét thỏa thuận giá tạm thời cho các chủ đầu tư trên quan điểm việc giải quyết phải đúng các quy định của pháp luật, bảo đảm tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” và giá điện và chi phí truyền tải hợp lý, nếu cao quá thì lợi ích của xã hội bị ảnh hưởng. Sau đàm phán, thống nhất giá, chủ đầu tư sẽ được thanh quyết toán theo giá chính thức kể từ ngày phát điện lên lưới.

Thống kê của EVN cập nhật đến 13h30 ngày 26-5 cho thấy đã có 52/85 dự án năng lượng tái tạo chưa có giá gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện (thuộc EVN) để đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện. Trong số này, có 39 dự án đã đề nghị giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá (theo Quyết định số 21/QĐ-BCT của Bộ Công Thương), trong đó có 19 dự án (hoặc một phần dự án) đã được Bộ Công Thương phê duyệt giá tạm và ký hợp đồng mua bán điện.

Ngoài ra, có 16 dự án đã nối lưới, đã và đang tiến hành thử nghiệm; 19 dự án đã được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền nghiệm thu công trình/một phần công trình; 25 dự án đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực toàn nhà máy/một phần nhà máy.

Bộ Công Thương hiện đã phê duyệt giá tạm thời cho 19 nhà đầu tư đề xuất về việc áp dụng mức giá tạm trong thời gian đàm phán với tổng công suất 1.346,82 MW và hiện có thêm 17 nhà máy điện chuyển tiếp đang được EVN hoàn thiện thủ tục để trình Bộ Công Thương phê duyệt trong tháng 5-2023. Với 19 nhà đầu tư, khi các dự án đáp ứng đầy đủ quy định sẽ được huy động điện lên lưới điện quốc gia.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điện nhập khẩu chiếm tỷ trọng rất thấp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.