(HNM) - Nhiều nơi, nông dân không mặn mà với đồng ruộng; cơ sở hạ tầng còn nhiều yếu kém, bất cập; chính sách phát triển nông nghiệp chưa đi vào thực tiễn…
Tuy nhiên, nhiều nơi, nông dân không mặn mà với đồng ruộng; cơ sở hạ tầng còn nhiều yếu kém, bất cập; chính sách phát triển nông nghiệp chưa đi vào thực tiễn… là những vấn đề "nóng" được đề cập tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết tổ chức ngày 25-12. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Trưởng BCĐ sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 chủ trì hội nghị.
Nhiều tham luận tại hội nghị cũng đã chỉ ra những hạn chế trong quá trình triển khai Nghị quyết như thu nhập của cư dân nông thôn còn thấp; khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng ngày càng lớn; nhiều nơi tỷ lệ hộ nghèo còn cao; nhiều vấn đề bức xúc ở nông thôn chậm được giải quyết. Đáng chú ý, "năm 2012-2013, đã có 42.785 hộ bỏ ruộng không canh tác trên diện tích hơn 6,880ha; 3.407 hộ trả ruộng với diện tích 433ha do sản xuất nông nghiệp nhiều rủi ro, lãi suất thấp. Phong trào xây dựng NTM thực hiện còn chậm, nguồn lực thiếu và chủ yếu vẫn dựa vào ngân sách. Nhiều tiêu chí đạt được rất thấp như tiêu chí giao thông, đến hết năm 2013 mới có 8,9% số xã đạt tiêu chí; về thủy lợi, mới có 26% số xã hoàn thành; về tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa mới có 6,7% số xã đạt. Với đà này rất khó để hoàn thành mục tiêu 20% số xã đạt chuẩn NTM vào năm 2015" - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết.
Xã Song Phượng (huyện Đan Phượng) thực hiện tốt việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Ảnh: Linh Ngọc |
Trong khi đó, việc huy động đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn chậm, sản xuất chưa gắn với thị trường, dẫn đến tình trạng được mùa mất giá diễn ra thường xuyên.
Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Quốc Cường đã chỉ ra 16 hạn chế trong phát triển nông dân, nông thôn. Trong đó, việc huy động các nguồn lực giảm cả về tỷ trọng và giá trị thực: "Nếu như năm 2008 là 6,4% thì đến năm 2012 còn 5,2%. Mức đầu tư này chỉ đáp ứng được 65-75% so với yêu cầu. Đầu tư của tư nhân vào nông nghiệp thấp, tỷ lệ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp giảm từ 1,4% xuống còn 0,8% (giai đoạn 2009-2013). Gần đây, tín dụng cho nông nghiệp, nông dân tăng chậm, nếu loại trừ yếu tố lạm phát thì hầu như không tăng"- ông Nguyễn Quốc Cường cho biết.
|
Một vấn đề nữa là hiện nay, nông dân rất khó tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng để phát triển sản xuất. "Để vay vốn rất khó, nếu không có thế chấp. Nhiều ngân hàng không muốn cho nông dân vay, kể cả khi họ đang có mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả" chưa kể nông dân hiện nay vẫn rất thiếu kiến thức về khoa học công nghệ; liên kết trong tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế… Trong khi đó, việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn vẫn chưa sát với nhu cầu nên mang lại hiệu quả thấp. Doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ít do thu hồi vốn chậm, rủi ro nhiều.
Mặc dù đạt được nhiều kết quả trong xây dựng NTM, nhưng tại Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt cho rằng, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp rất nhiều nhưng áp dụng vào địa phương rất khó. Đơn cử như: Chính sách hỗ trợ lãi suất cơ giới hóa và hỗ trợ sau đầu tư không áp dụng được vào thực tế dẫn đến tình trạng bố trí tiền rồi mà không tiêu được vì người dân không vay do không đáp ứng được các tiêu chí". Việc quy hoạch sản xuất ở các xã NTM, huyện NTM phải theo vùng mới phát huy được hiệu quả nên cần có sự chỉ đạo của Chính phủ…
Nhiều ý kiến cho rằng, Nhà nước cần hỗ trợ để doanh nghiệp đồng hành cùng nông dân. Đây là yếu tố quan trọng để nông nghiệp phát triển bền vững. Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Quốc Cường đề xuất nhà nước cần đầu tư, huy động nguồn lực, điều chỉnh chính sách tín dụng, đầu tư cho nông nghiệp nông thôn bởi hiện chính sách có nhiều nhưng chưa đi vào thực tế. Vấn đề bảo vệ đất trồng lúa để bảo đảm an ninh lương thực cần được nhìn nhận lại bởi hiện tình hình đã khác. "Nếu cư dân nông thôn không nâng cao được mức sống thì họ cũng không có sức để làm các việc khác được" - ông Cường nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát: Việc triển khai Nghị quyết Trung ương 7 đã đạt được nhiều kết quả Đã củng cố được 794km đê sông và đê biển; năng lực tưới tiêu của các hệ thống thủy lợi tăng hơn 70.000ha so với năm 2008; mở mới hơn 15.100km và nâng cấp hơn 74.300km đường các loại… Đến hết 2013, thu nhập bình quân đầu người của cư dân nông thôn ước đạt gần 20 triệu đồng/người/năm, gấp 2,1 lần so với năm 2008; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2%/năm; hơn 5 triệu lao động nông thôn có việc làm. Các mô hình kinh tế HTX mới phát huy hiệu quả như mô hình cánh đồng mẫu lớn được triển khai ở 43 tỉnh với hơn 100.000ha trồng lúa. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.