(HNM) - CERAWeek là diễn đàn thường niên do hãng thông tin và phân tích tài chính S&P Global tổ chức trong 5 ngày (từ ngày 6 đến 10-3) thu hút hơn 7.000 nhà hoạch định chính sách, lãnh đạo ngành, nhà đầu tư và chuyên gia nghiên cứu... từ hơn 80 quốc gia và khu vực trên thế giới. Diễn đàn bàn thảo nhiều chủ đề như bản đồ toàn cầu mới về thương mại khí đốt, chính sách năng lượng Mỹ, nhiên liệu sinh học, khoáng sản quan trọng, cũng như những đổi mới về giảm phát thải.
Liên hợp quốc dự đoán rằng, dân số toàn cầu sẽ tăng từ 7,7 tỷ vào năm 2019 lên gần 10 tỷ vào năm 2050 và nhu cầu năng lượng sẽ tăng theo, trong đó tăng nhanh nhất là ở những nền kinh tế mới nổi. Trong khi đó, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) dự đoán nhu cầu về năng lượng sẽ tăng gần 10% vào năm 2030, dẫn đầu là nhu cầu từ các nền kinh tế đang phát triển. Nhu cầu năng lượng có thể sẽ tiếp tục tăng trong bối cảnh nhân loại đang tìm kiếm một tương lai ít carbon hơn.
Phó Chủ tịch S&P Global, Chủ tịch diễn đàn CERAWeek Daniel Yergin cho biết: “Chủ đề hội nghị năm nay “Tìm hướng đi cho một thế giới bất ổn: Năng lượng, Khí hậu và An ninh” nói lên một kỷ nguyên mới của sự không chắc chắn và thay đổi toàn cầu, một kỷ nguyên đưa ra những thách thức mới đối với an ninh năng lượng trong quá trình chuyển đổi năng lượng đang diễn ra”. Còn Tiến sĩ Sultan Al Jaber, Chủ tịch Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) sẽ diễn ra tại Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) vào cuối năm 2023 nhận định tính chất phức tạp của thách thức, đó là đến năm 2030 sẽ có thêm nửa tỷ người nữa, dẫn đến sự gia tăng về nhu cầu năng lượng. Thế giới cần giảm 7% lượng khí thải mỗi năm để duy trì mức tăng nhiệt độ toàn cầu là 1,5°C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp. Việc này có nghĩa là nhân loại phải giảm 43% lượng khí thải trong vòng chưa đầy 7 năm. Ước tính trong năm 2022, thế giới đã đầu tư 1.400 tỷ USD vào quá trình chuyển đổi năng lượng, song Cơ quan Năng lượng quốc tế cho rằng, thế giới cần gấp ba lần số tiền này, do đó cần có nhiều đóng góp tài chính hơn trong quá trình chuyển đổi năng lượng.
Trong bối cảnh này, COP28 được kỳ vọng sẽ mang đến bước tiến mới trong chống biến đổi khí hậu. Trên cơ sở Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, COP28 dự kiến sẽ cung cấp bản đánh giá toàn diện về tiến độ đạt được liên quan đến các mục tiêu khí hậu, qua đó phản ánh việc thế giới đang đi chệch hướng và đòi hỏi phải có sự điều chỉnh hành động.
Trong khi đó, S&P Global nhận định, CERAWeek diễn ra trong bối cảnh ngành năng lượng toàn cầu đang phải đối mặt với hàng loạt bất ổn, từ việc giá năng lượng tăng cao, chuỗi cung ứng gián đoạn, những khó khăn kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra, đến xung đột Nga - Ukraine và sự gia tăng căng thẳng địa chính trị. Tất cả được kết hợp để đưa an ninh năng lượng trở lại hàng đầu. Cũng theo S&P Global, khi ngành năng lượng toàn cầu tập hợp lại để đưa ra các chiến lược và giải pháp mới trong bối cảnh bất ổn thì “việc thiết kế các hệ thống năng lượng cho một tương lai ít carbon hơn vẫn là điều tối quan trọng”.
Theo các chuyên gia, không thể có chuyển dịch năng lượng nếu không bảo đảm an ninh năng lượng. Sự đồng thuận toàn cầu xung quanh nhu cầu chuyển đổi năng lượng tập trung vào giảm phát thải đã trở nên mạnh mẽ hơn nhưng để đạt được các mục tiêu đề ra không phải là công việc dễ dàng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.