(HNMO) - Hiện nay, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão, có tên quốc tế là Nuri và đi vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 1 năm 2020 của Việt Nam. Đến 4h hôm nay (13-6), tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 380km về phía Đông Đông Bắc; sức gió vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10.
Dự báo, đến 4h ngày 14-6, tâm bão nằm ngay trên vùng biển phía Nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc); sức gió vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, giật cấp 12. Do ảnh hưởng của bão, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có mưa bão, gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8-9, giật cấp 12; sóng biển cao 3-5,5m; biển động rất mạnh...
Trong 24 giờ tới, bão số 1 chưa có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến thành phố Hà Nội và các nơi khác thuộc khu vực Đồng bằng Bắc Bộ. Tuy nhiên, diễn biến thời tiết trong thời gian này rất phức tạp, người dân Thủ đô cần chú ý đề phòng.
Cụ thể, từ 10h đến 18h hôm nay (13-6), thành phố Hà Nội và các tỉnh thuộc khu vực trung du và Đồng bằng Bắc Bộ tiếp tục xảy ra nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt, nhiệt độ cao nhất phổ biến 34-37 độ C, có nơi cao hơn 37 độ C. Tuy nhiên, do xảy ra mưa, dông nên từ ngày mai (14-6), thành phố Hà Nội và các tỉnh thuộc khu vực Bắc Bộ sẽ chính thức kết thúc đợt nắng nóng.
Theo nhận định của cơ quan khí tượng thủy văn, từ đêm nay đến ngày 15-6, thành phố Hà Nội sẽ xảy ra mưa vừa, mưa to và dông, có nơi mưa rất to, tập trung vào chiều tối, đêm và sáng sớm. Đặc biệt, những cơn mưa, dông hình thành sau đợt nắng nóng dài ngày thường xuất hiện các loại hình thời tiết nguy hiểm, như: Lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh...
Để giảm thiệt hại, người dân Thủ đô cần khẩn trương kiểm tra và gia cố các tấm biển quảng cáo ngoài trời, tấm lợp mái nhà và chuồng trại chăn nuôi; cắt tỉa cành cây to trong khuôn viên gia đình... để phòng, tránh dông, lốc; chú ý kê cao tài sản để phòng tránh mưa to gây úng ngập. Khi bầu trời xuất hiện những đám mây đen và có luồng gió se lạnh, người dân Thủ đô hạn chế tham gia giao thông, không trú tránh dưới tán cây to, công trình đang xây dựng chưa có hệ thống chống sét để phòng tránh các tai nạn do gãy đổ cành và cây xanh, sét đánh...
Về cơn bão số 1, để giảm đến mức thấp nhất thiệt hại trên biển, sáng 13-6, Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai có Công điện số 01/CĐ-TƯ yêu cầu các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Ngãi thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến của bão, thông tin, thông báo kịp thời cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.
Các địa phương khẩn trương kiểm đếm và duy trì liên lạc thường xuyên với tàu, thuyền đang hoạt động trong khu vực có nguy cơ ảnh hưởng của bão; sẵn sàng các phương án, lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời triển khai ứng cứu khi có yêu cầu...
Ban Chỉ đạo cũng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia tiếp tục cung cấp các bản tin dự báo kịp thời, chính xác và vùng ảnh hưởng của bão để cơ quan chức năng và nhân dân chủ động ứng phó; Bộ Ngoại giao chủ động liên hệ với các quốc gia và vùng lãnh thổ liên quan tạo điều kiện cho tàu thuyền, ngư dân của Việt Nam vào trú tránh bão khi có nhu cầu...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.