Theo dõi Báo Hànộimới trên

Điện Biên Phủ trên không - Ý chí và niềm tin tất thắng

Hiền Phương| 16/11/2022 13:10

(HNMO) - Ngày 16-11, Quân chủng Phòng không - Không quân tổ chức hội thảo khoa học “Điện Biên Phủ trên không - Ý chí và niềm tin tất thắng” kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” (12/1972 - 12/2022).

 Quang cảnh hội thảo.

Dự hội thảo có Thượng tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Thanh Ngân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; các tướng lĩnh, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nhân chứng lịch sử, nhà khoa học...

Khẳng định tầm nhìn chiến lược

Phát biểu khai mạc hội thảo, Trung tướng Vũ Văn Kha, Quyền Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân khẳng định, nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” vẫn còn nguyên giá trị và ý nghĩa lịch sử, in đậm trong ký ức của người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế; chiến công vĩ đại nhất trên mặt trận đối không của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Hội thảo khoa học “Điện Biên Phủ trên không - Ý chí và niềm tin tất thắng” nhằm khẳng định và làm sáng tỏ hơn tầm nhìn chiến lược của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và phát triển lực lượng phòng không, không quân nói chung, nghệ thuật tác chiến phòng không, không quân nói riêng.

Hơn 60 tham luận gửi tới hội thảo, với quan điểm, phương pháp luận khách quan, toàn diện và lịch sử đã tập trung khẳng định và làm sáng tỏ quan điểm, đường lối của Đảng về lãnh đạo nhân dân ta tiến hành 2 cuộc chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc. Sự lãnh đạo, chỉ đạo chuẩn bị và thực hành chiến dịch của Bộ Tổng tư lệnh, Bộ Tổng tham mưu đối với quân dân miền Bắc, trực tiếp là Quân chủng Phòng không - Không quân.

Trung tướng Vũ Văn Kha, Quyền Tư lệnh Quân chủng Phòng không - không quân phát biểu khai mạc hội thảo.

Các đại biểu cũng đã phân tích, đánh giá cụ thể hơn về tình hình chiến trường Việt Nam; tương quan lực lượng của ta và địch, âm mưu, thủ đoạn của đế quốc Mỹ khi quyết định tiến hành cuộc tập kích đường không chiến lược vào Hà Nội, Hải Phòng và một số vùng phụ cận trên miền Bắc Việt Nam. Qua đó luận giải sâu sắc hơn nét độc đáo của nghệ thuật tác chiến phòng không, không quân, nghệ thuật xây dựng thế trận phòng không nhân dân, nòng cốt là Quân chủng Phòng không - Không quân; xây dựng ý chí, quyết tâm chiến đấu, niềm tin chiến thắng của cán bộ, chiến sĩ trong cuộc đối đầu lịch sử.

Các tham luận cũng đánh giá khách quan kết quả của chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” nói chung, kết quả chiến đấu cụ thể của lực lượng không quân, phòng không chủ lực, địa phương và dân quân tự vệ nói riêng.

Nhiều đại biểu cũng đã khẳng định giá trị lịch sử, mang tầm vóc thời đại của Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”; phân tích những nguyên nhân cơ bản dẫn đến thắng lợi, đồng thời, rút ra những bài học kinh nghiệm quý trong lãnh đạo, chỉ đạo tiến hành chiến tranh nhân dân trên mặt trận đối không.

Từ thắng lợi Chiến dịch phòng không tháng 12-1972, các đại biểu đã đưa ra những giải pháp cụ thể để vận dụng trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, quản lý vùng trời, xây dựng, phát triển lực lượng phòng không ba thứ quân, lực lượng không quân toàn quân trong điều kiện mới. Đồng thời, gợi mở những giải pháp hiệu quả trong giáo dục, phát huy chính trị, tinh thần của bộ đội, xây dựng Quân chủng Phòng không - Không quân “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, sẵn sàng chiến đấu cao, không bị bất ngờ bởi tình huống trên không, bảo vệ vững chắc an ninh vùng trời, chủ quyền trên không của Tổ quốc.

Xây dựng ý chí quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ

Tham luận của các nhân chứng lịch sử đã trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu trong trận chiến không cân sức 12 ngày đêm thêm một lần nữa thể hiện tinh thần quyết tâm “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”.

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, Trung tướng Phạm Tuân kể lại, bước vào chiến dịch phòng không cuối tháng 12-1972, không quân ta có 5 trung đoàn nhưng tham gia chiến đấu chỉ có Trung đoàn Không quân tiêm kích 921 và 927 với đội ngũ phi công cả đánh ngày và đánh đêm còn khiêm tốn, riêng đánh đêm có 10 phi công đủ khả năng tác chiến. Trong đó, hơn một nửa là phi công mới tham gia chiến đấu, chưa từng cơ động đến các sân bay dã chiến ngắn, hẹp với địa hình phức tạp.

Theo Trung tướng Phạm Tuân, lực lượng không quân được Bộ Tư lệnh chiến dịch xác định 2 nhiệm vụ chủ yếu là đánh từ xa, uy hiếp và tiêu diệt B-52 trước khi vào mục tiêu và phối hợp với pháo phòng không đánh địch ban ngày và bảo vệ mục tiêu, đặc biệt là bảo vệ các trận địa tên lửa để tên lửa tập trung đánh B-52 ban đêm.

Đêm 18-12-1972, đêm mở đầu chiến dịch, bộ đội ra đa đã sớm phát hiện đội hình B-52 địch trên nền nhiễu, tạo điều kiện cho các đơn vị hỏa lực phòng không chủ động đánh địch bắn rơi 6 máy bay (có 3 chiếc B-52). Trong điều kiện địch tập trung đánh phá vào tất cả các sân bay, không quân ta đã dũng cảm cất cánh tiếp cận B-52, làm xáo trộn đội hình của địch, tạo điều kiện để tên lửa và cao xạ lập công…

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Đại tá Đinh Thế Văn phát biểu tại hội thảo.

Trong chiến dịch này, Tiểu đoàn 77 nằm trong đội hình chiến đấu của Trung đoàn tên lửa 257, Sư đoàn Phòng không 361 được giao nhiệm vụ bảo vệ Thủ đô Hà Nội. Trận địa của đơn vị được bố trí ở Chèm (huyện Từ Liêm trước đây). Tiểu đoàn 77 đã chiến đấu với hiệu suất cao, đánh 18 trận, bắn rơi 4 chiếc B-52, có 3 chiếc rơi tại chỗ.

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Đại tá Đinh Thế Văn, nguyên Trưởng ban Huấn luyện chiến dịch của Tiểu đoàn 77 chia sẻ những ký ức hào hùng của bộ đội phòng không ngày ấy, giúp hội thảo có cái nhìn khái quát về những vấn đề xảy ra trong chiến dịch 12 ngày đêm.

Đại tá Đinh Thế Văn nói: “Trước khi bước vào chiến dịch phòng không đánh B-52, cấp trên thường xuyên quan tâm và dành nhiều thời gian huấn luyện cho Tiểu đoàn 77 về cách bắt và bắn mục tiêu trong điều kiện có nhiễu nặng, cách chống và tránh tên lửa Sơ-rai của địch, cách đánh phát sóng nhanh, đánh nhanh và gạt tránh tên lửa Sơ-rai tấn công. Cùng với đó, Tiểu đoàn 77 đã nhiều lần tập trung hội thảo rút kinh nghiệm và học tập, nghiên cứu kỹ về máy bay B-52 kể cả tính năng, kỹ chiến thuật các loại vũ khí của địch. Bởi vậy, Tiểu đoàn 77 là một trong hai đơn vị tên lửa bắn rơi nhiều máy bay B-52 nhất trong toàn bộ chiến dịch”.

Còn với tham luận của mình, Anh hùng Lực lượng vũ trang, Đại tá Nghiêm Đình Tích (nguyên Trưởng ban Tổng kết lịch sử) khẳng định, Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” thêm một lần nữa khẳng định ý chí, sự thông minh, sáng tạo của bộ đội phòng không - không quân nói chung và lực lượng ra đa, tên lửa nói riêng trong chống thủ đoạn tác chiến điện tử quy mô lớn của địch để vạch nhiễu, tìm thù đưa B-52 ra khỏi nền nhiễu dày đặc.

Đại tá Nghiêm Đình Tích nhấn mạnh: “Trong chiến dịch 12 ngày đêm năm 1972, bộ đội ra đa phòng không, nòng cốt là Đại đội 45, Trung đoàn ra đa 291 đã cùng lúc thực hiện tốt kết hợp cả 2 biện pháp tác chiến điện tử chiến dịch và chiến thuật, không để bị bất ngờ trước cuộc tiêm kích đường không chiến lược của Mỹ. Chủ động phát hiện sớm, xác định B-52 từ xa, thông báo liên tục, đầy đủ và chính xác, tạo điều kiện thuận lợi cho chiến dịch phòng không giành thế chủ động và làm nên chiến thắng...”.

Nửa thế kỷ đã trôi qua, chiến thắng oanh liệt “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” vẫn còn vang dội đến ngày nay. Tự hào với truyền thống oanh liệt, cán bộ, chiến sĩ thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân và nhân dân Hà Nội càng biết ơn thế hệ cha anh đã đóng góp xương máu, trí tuệ xây dựng và phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam trên mặt trận đối không lên đỉnh cao. Từ đó, tiếp tục giáo dục lòng yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí, niềm tin vào thắng lợi của sự nghiệp đổi mới do Đảng lãnh đạo, quyết tâm vượt mọi khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ, bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc trong tình hình mới.

Cùng với đó, Quân chủng Phòng không - Không quân anh hùng sẽ tiếp tục tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ về yêu cầu nhiệm vụ của bộ đội phòng không - không quân, xây dựng ý chí quyết tâm phấn đấu khắc phục mọi khó khăn, sẵn sàng hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao trong tình hình mới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Điện Biên Phủ trên không - Ý chí và niềm tin tất thắng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.