(HNMO) - Trong bối cảnh việc khống chế dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona (Covid-19) đang diễn biến tích cực với số ca nhiễm mới giảm mạnh so với những ngày trước đây tại Trung Quốc thì ở một số quốc gia khác ngoài Trung Quốc, dịch bệnh lại có xu hướng lan rộng nhanh chóng.
Trung Quốc: 4 tỉnh giảm cấp độ ứng phó với dịch
Ngày 24-2, bốn tỉnh của Trung Quốc gồm: Vân Nam, Quảng Đông, Sơn Tây và Quý Châu đã công bố giảm cấp độ các biện pháp phản ứng khẩn cấp với dịch bệnh Covid-19. Cụ thể, hai tỉnh Vân Nam và Quý Châu giảm cấp độ phản ứng khẩn cấp từ mức 1 xuống mức 3, trong khi hai tỉnh Quảng Đông và Sơn Tây cũng đã hạ mức phản ứng khẩn cấp xuống mức 2.
Các địa phương của Trung Quốc đã giảm cấp độ ứng phó với dịch bệnh sau khi tình hình dịch Covid-19 ghi nhận những diễn biến khá tích cực. Số ca nhiễm mới tại Trung Quốc đã giảm mạnh từ mức hơn 15.000 người ngày 12-2 xuống còn chỉ chưa đầy 900 người vào ngày 20-2 và 648 người ngày 23-2.
Trong 5 ngày liên tiếp, tổng số ca bình phục luôn cao hơn số ca nhiễm mới. Tính đến nay, hơn 24.700 bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại Trung Quốc đã được xuất viện, cho thấy việc điều trị có những chuyển biến khả quan.
Hàn Quốc - "điểm nóng" thứ hai toàn cầu về Covid-19
Trong khi tình hình dịch Covid-19 ghi nhận dấu hiệu tích cực thì Hàn Quốc lại nổi lên là một "điểm nóng" mới tại châu Á.
Theo số liệu thống kê do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc công bố, tính tới sáng 24-2, quốc gia này đã ghi nhận thêm 161 ca nhiễm Covid-19, nâng tổng số ca nhiễm bệnh lên 763 người, trở thành ổ dịch lớn thứ hai toàn cầu về dịch bệnh này, chỉ sau Trung Quốc. Chỉ trong vòng chưa đầy một tuần, xứ sở kim chi đã ghi nhận thêm hàng trăm ca nhiễm Covid-19 và 7 ca tử vong.
Trong đó, hơn 50% số ca nhiễm được xác định có liên quan đến một nhà thờ của giáo phái Shincheonji, khiến gần 10.000 thành viên của giáo phái này phải tự cách ly, theo dõi.
Theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, 11 quân nhân nước này cũng được xác định dương tính với Covid-19 và khoảng 7.700 thành viên quân đội đang bị cách ly, theo dõi.
Sự lây lan nhanh chóng của dịch Covid-19 đã khiến Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 23-2 quyết định nâng mức cảnh báo dịch lên mức cao nhất, khẳng định sẽ triển khai các biện pháp “mạnh chưa từng có” để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Với việc nâng cảnh báo quốc gia lên mức cao nhất, Hàn Quốc sẽ huy động thêm các nguồn lực khẩn cấp để ứng phó với tình hình dịch bệnh đang lan rộng ở hai ổ dịch lớn là thành phố Daegu và tỉnh Bắc Gyeongsang.
Bên cạnh đó, Chính phủ đã quyết định lùi thời gian khai giảng năm học, tạm thời đóng cửa các trường học và cơ sở công cộng, đồng thời khuyến khích các bậc phụ huynh nghỉ làm để chăm con tại nhà.
Nhật Bản: Sức ép gia tăng
Tính đến nay, Nhật Bản đã ghi nhận 773 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 634 người trên du thuyền Diamond Princess và 14 công dân Nhật Bản trở về từ Vũ Hán. Đến nay, 4 người đã tử vong. Chính phủ Nhật Bản đang đối mặt với sức ép lớn trong việc kiểm soát sự bùng phát của dịch Covid-19.
Thủ tướng Shinzo Abe đã yêu cầu các cơ quan chính phủ khẩn trương chuẩn bị các quy chuẩn y tế và xây dựng kế hoạch toàn diện để ứng phó với dịch bệnh.
Ông Abe cũng yêu cầu giới chức nước này tăng cường giám sát tình hình sức khỏe của những người đã rời du thuyền Diamond Princess dù những người này đã có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19.
Iran triển khai hàng loạt biện pháp khẩn cấp
Chính phủ quốc gia Hồi giáo Iran đã triển khai hàng loạt biện pháp dự phòng khẩn cấp nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch sau khi 8 người thiệt mạng do Covid-19. Trong 24 giờ qua, đã có thêm 15 ca nhiễm Covid-19 mới ở Iran, trong đó có 3 trường hợp tử vong.
Các nhà chức trách Iran đã quyết định đóng cửa các cơ sở giáo dục và văn hóa trong vòng một tuần tại 14 tỉnh, thành phố, trong đó có thủ đô Tehran; cấp phát miễn phí khẩu trang cho người dân tại vùng dịch; khử trùng thường xuyên tất cả các địa điểm công cộng ở thủ đô, trong đó có dịch vụ giao thông công cộng như tàu điện ngầm và xe buýt...
Bà Sylvie Briand, Giám đốc bộ phận các bệnh truyền nhiễm và dịch bệnh của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định: "Điều đáng lo ngại là chúng ta đang thấy sự gia tăng rất nhanh của dịch bệnh Covid-19 ở Iran chỉ trong vòng vài ngày".
WHO cũng lo ngại trước nguy cơ lây lan Covid-19 từ Iran sang các quốc gia láng giềng ở Trung Đông. Lebanon đã ghi nhận ca nhiễm Covid-19 đầu tiên là một phụ nữ trở về từ thành phố Qom của Iran. Hôm 22-2 vừa qua, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) cũng ghi nhận thêm hai trường hợp du khách người Iran nhiễm Covid-19.
Để ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm Covid-19, một số quốc gia trong khu vực như Iraq và Pakistan đã đóng cửa biên giới với Iran, còn Saudi Arabia yêu cầu người nhập cảnh từ quốc gia Hồi giáo này phải cách ly trong vòng 14 ngày.
Italia - quốc gia có số ca nhiễm Covid-19 lớn nhất châu Âu
Tại Italia, tính tới sáng 24-2 đã có 3 người tử vong vì Covid-19 và hơn 150 người được xác định nhiễm bệnh. Trước sự lan rộng của dịch bệnh này, chính quyền 4 vùng phía Bắc gồm Lombardia, Veneto, Friuli Venezia Giulia và Piemonte đã quyết định đình chỉ mọi hoạt động liên quan tới giáo dục.
Trước đó, Hội đồng Bộ trưởng Italia đã thông qua sắc lệnh "mạnh tay" nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Sắc lệnh của chính phủ quy định cấm người dân ra vào các khu vực bùng phát dịch bệnh và các khu này được cảnh sát giám sát chặt chẽ.
Trong trường hợp cần thiết, Chính phủ sẽ huy động lực lượng quân đội và có thể áp dụng các biện pháp hình sự đối với các trường hợp vi phạm; đình chỉ tất cả hoạt động công cộng tại Lombardia và Veneto; tiến hành cách ly bằng các biện pháp giám sát tích cực với tất cả những người đã tiếp xúc với các trường hợp có xét nghiệm dương tính với Covid-19.
Sắc lệnh cũng nêu rõ, chính quyền sẽ đóng cửa các trường học, cửa hàng và bảo tàng, tạm dừng các cuộc thi tập trung đông người và kêu gọi người dân hạn chế đi lại...
Tại Áo, Bộ Nội vụ nước này hôm nay (24-2) sẽ nhóm họp khẩn cấp để thảo luận việc có áp đặt các biện pháp kiểm soát biên giới với Italia hay không trong bối cảnh nước này hiện có 181 ca nghi nhiễm Covid-19.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.