Các phim Việt thời gian này, như Mất xác, Scandal - Hào quang trở lại, Hiệp sĩ mù, Bước khẽ đến hạnh phúc, Lạc giới, Hương Ga… đều gắn mác 16+. Đây là sự ngẫu nhiên, hay điện ảnh Việt ngày càng chuộng cảnh nóng và bạo lực, hoặc chỉ là một chiêu trò câu khách?
Việc phân loại khán giả theo độ tuổi là điều bắt buộc phải có và là chuyện hoàn toàn bình thường với những nền điện ảnh chuyên nghiệp. Tuy nhiên ở Việt Nam việc phân loại này vẫn còn mới và nhận thức về vấn đề này vẫn còn khá… phức tạp.
Điện ảnh Việt tập phân loại khán giả
Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã, thành viên Hội đồng thẩm định phim trung ương, cho biết: “Cách đây khoảng 20 năm, hầu như phim nhập vào Việt Nam rất ít và ta chưa gia nhập WTO nên nguồn phim chính cung cấp cho khán giả được kiểm soát khá chặt chẽ từ đầu vào. Hầu như không có phim bạo lực, sex, hay vi phạm thuần phong mỹ tục cũng như các vấn đề chính trị khác. Ngay cả các phim tư nhân của thời kỳ mà ta vẫn gọi là “phim mì ăn liền” có thể vui vẻ dễ dãi, nhưng các nhà làm phim cũng tự kiểm duyệt rất tốt.
Ngày nay xã hội phát triển, mở cửa, những vấn đề văn hóa xã hội trở nên phức tạp hơn. Do đó các điều luật cũng phải thay đổi để thích ứng với hiện thực, và cần thiết có những điều luật đủ để ngăn chặn rác văn hóa mà không vi phạm những cam kết mà Việt Nam đã ký khi gia nhập WTO. Luật Điện ảnh sửa đổi đã phần nào làm được điều này”.
Hàng loạt phim Việt dán nhãn 16+ |
Đến khoảng những năm 2006 - 2007, khi phim nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam, đã xảy ra rất nhiều chuyện khiến các cơ quan quản lý buộc phải nghĩ đến việc bổ sung thêm quy chế về thẩm định phim, phân loại khán giả theo độ tuổi.
Năm 2007, Cục Điện ảnh Việt Nam đã đưa ra dự thảo xây dựng quy chế thẩm định phim của Hội đồng thẩm định phim trung ương, trong đó có quy định phim sẽ được chia làm hai loại: trên và dưới 16 tuổi. Đến năm 2009, theo Luật Điện ảnh bổ sung sửa đổi mới có Điều 39.2 về trách nhiệm “phân loại phim theo lứa tuổi” của Hội đồng thẩm định phim trung ương.
Phim nào được dán mác 16+?
“Những phim có quá nhiều hình ảnh rùng rợn gây kích động thần kinh, những phim có hình ảnh phản văn hóa, phản thẩm mỹ, nội dung tác động xấu đến nhận thức xã hội của các em. Đặc biệt những phim khơi động hoặc cổ súy cho lối sống lệch chuẩn đạo lý và văn hóa truyền thống thì không chỉ dán nhãn 16+ mà có thể cấm luôn, vì đó là những rác rưởi văn hóa cần ngăn chặn hoặc dọn sạch”, bà Trịnh Thanh Nhã cho biết.
Vào năm 2007, Mười đã trở thành một trong những phim Việt đầu tiên trong lịch sử điện ảnh Việt Nam được dán nhãn 16+. Hội đồng thẩm định phim trung ương đánh giá phim này có nội dung không phù hợp, có nhiều cảnh kinh dị, máu me. Sau khi chỉnh sửa vài lần mới được ra rạp. Tiếp đó có Bẫy rồng (2009), Trung úy (2010) được dán nhãn 16+.
Từ thời điểm bộ phim đầu tiên được dán nhãn 16+ tính đến tháng 10/2014, Việt Nam đã có khoảng gần 20 bộ phim nội địa dán nhãn 16+: Mười, Bẫy rồng, Trung úy, Bi, Đừng sợ!, Giữa hai thế giới, Hotboy nổi loạn, Ngôi nhà trong hẻm, Mùa Hè lạnh, Săn đàn ông, Đường đua, Lửa Phật, Cô dâu đại chiến 2, Mất xác, Đoạt hồn, Hiệp sĩ mù, Bước khẽ đến hạnh phúc, Lạc giới, Hương Ga… |
Phim Trung úy, đã phải cắt đi… 40% cảnh nóng mới đủ điều kiện ra rạp. Bẫy rồng ở Việt Nam dán nhãn 16+, nhưng khi phát hành quốc tế đã bị một vài nước dán nhãn 18+. Cũng không có gì khó hiểu vì trong phim bắn súng như mưa, nhiều cảnh hành động bạo lực, nguy hiểm, có cả cảnh nóng… Cô dâu đại chiến 2 không có cảnh khỏa thân, chỉ có những cảnh nam nữ đong đưa nhau khá gợi tình. Trong khi đó Bi, Đừng sợ! có cả cảnh hai nhân vật nam nữ khỏa thân và làm tình bạo liệt. Tất cả đều nhốt chung “một rọ phim 16+”.
Phim Mỹ nhân kế đến phút chót thoát nhãn phim 16+ sau khi nhà sản xuất chịu khó cắt bớt cảnh nóng duy nhất trong phim của hai nhân vật do Phạm Anh Khoa và Diễm My thủ vai.
Có thể thấy những phim dán nhãn 16+ ở Việt Nam thì yếu tố 16+ trong mỗi phim có mức độ rất khác nhau, thậm chí vênh nhau khá nhiều.
Vì độ co giãn lớn như vậy, nên với các hãng phim tư nhân, để “biết đường” ra rạp và kịp thời chỉnh sửa, nhiều đơn vị thường làm động tác “thẩm định nháp”, nghĩa là nhờ 2-3 vị trong Hội đồng thẩm định phim trung ương xem bản dựng nháp trước. Những tư vấn từ các vị này (được thuê riêng) vốn là cơ sở để chỉnh sửa phim và tiến tới duyệt phim chính thức. Có phim như Bước khẽ đến hạnh phúc còn được tư vấn sửa tới sửa lui nhiều lần, kéo dài trong vài năm, nghĩa là nếu không thăm dò trước, phim này có thể bị cấm chiếu, do cảnh nóng quá nóng và thô. Hiệp sĩ mù, Hương Ga biết kết quả 16+ từ sớm, nhưng hai phim có hai đường lối PR khác nhau, Hiệp sĩ mù “hơi lờ” yếu tố giang hồ, bạo lực… nên bán vé kém. Còn Hương Ga ngay từ trailer đã hé lộ những cảnh nóng bỏng. Việc “thẩm định nháp” là động lực để các nhà sản xuất mạnh dạn hơn với các phim 16+, điều mà lâu nay họ còn khá e dè, vì sợ phút chót sửa không kịp, hoặc bị cấm chiếu luôn.
Những phim như Bước khẽ đến hạnh phúc, Hiệp sĩ mù, Lạc giới… nếu so với thước đo phổ biến từ các phim nhập ngoại, dán nhãn 16+ chưa thực sự “xứng tầm”. Nhưng nhìn một cách khách quan về các phim Việt 16+ đã chiếu trong năm 2014 và cả Hương Ga sắp công chiếu thì việc dán nhãn là khá hợp lý. Vì dẫu sao, phim có những yếu tố như bạo lực, hành động nguy hiểm, chất kích thích, cảnh nóng, chửi thề… là khó phù hợp với đại đa số người xem dưới 16 tuổi.
Nhiều nhà tâm lý giáo dục nói rằng việc một người dưới 16 tuổi tự tiêm nhiễm các thói hư tật xấu (do hoàn cảnh sống, do đọc sách báo hoặc dùng mạng Internet sai mục đích…) khác hẳn với việc chủ động bỏ tiền ra mua vé xem phim 16+. Bởi phim 16+ được làm ra với mục đích chủ động tập trung kiếm tiền từ các đối tượng 16+, không thể vì thế mà ảnh hưởng xấu đến các đối tượng ngoài phạm vi hướng đến. Nhà quản lý và hưởng lợi (thông qua thu thuế) phải có nghĩa vụ tìm phương cách hữu hiệu để điều tiết hợp lý.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.