Nếu như với những ứng viên đã được “mổ xẻ” quá nhiều, Giải Cánh diều 2024 không còn mấy bất ngờ, thì có những ngạc nhiên nho nhỏ khác lại đang khiến những người yêu điện ảnh quan tâm.
Đó là việc một số bộ phim độc lập đã gặt hái được thành tích đáng kể tại các liên hoan phim uy tín trên thế giới và đang mong mỏi có được "chỗ đứng" trên chính quê hương.
Ghi dấu tại những "sân chơi" uy tín
Sau 5 năm ấp ủ và làm việc tích cực, đạo diễn trẻ Dương Diệu Linh đã có “trái ngọt” khi bộ phim điện ảnh đầu tay của cô vừa thắng hai giải quan trọng nhất tại hạng mục Tuần lễ Phê bình phim quốc tế của Liên hoan phim (LHP) Venice. “Mưa trên cánh bướm” được xướng tên “Phim hay nhất” và “Bộ phim sáng tạo nhất” (Most Innovative Film), do hội đồng các nhà phê bình phim quốc tế dưới 35 tuổi đánh giá.
Đáng lưu ý, “Mưa trên cánh bướm” là một trong 7 phim được lựa chọn từ 700 phim trên toàn thế giới, được Ban giám khảo đánh giá là “sáng tạo và độc đáo, kết hợp giữa hài hước, bi kịch xã hội và yếu tố giả tưởng, đồng thời khắc họa những phức tạp trong mối quan hệ mẹ con".
Ngay sau Liên hoan phim Venice, đạo diễn Dương Diệu Linh sẽ mang “Mưa trên cánh bướm” tiếp tục tham dự LHP Toronto và LHP Busan diễn ra vào tháng 10. “Tôi rất mong đến ngày mang phim chiếu tại Việt Nam, hy vọng khán giả trong nước cũng đón nhận và yêu thương bộ phim này” - đạo diễn Dương Diệu Linh nói.
Đầu năm nay, phim “Cu li không bao giờ khóc” (“Culi never cries”) của đạo diễn Phạm Ngọc Lân đã thắng hạng mục Phim đầu tay xuất sắc tại LHP Berlin lần thứ 74, tiếp nối thành công của các đạo diễn Phan Đăng Di, Nguyễn Võ Nghiêm Minh, Lê Bảo trước đây. Trước đó nữa, năm 2023, “Bên trong vỏ kén vàng” của Phạm Thiên Ân đoạt Giải Máy quay vàng, giải thưởng cho phim truyện đầu tay hay nhất tại LHP Cannes lần thứ 76. Đây là phim nói tiếng Việt thứ hai đoạt giải thưởng này, sau "Mùi đu đủ xanh" của đạo diễn Trần Anh Hùng năm 1993.
Những nhà làm phim độc lập ghi dấu ấn tại những LHP uy tín trên thế giới là tín hiệu vui cho nền điện ảnh nước nhà, khẳng định sức sáng tạo, niềm đam mê, dám đi tới cùng ước mơ của họ với nghệ thuật thứ bảy. Những bộ phim ấy đều có nhiều khung hình đẹp, độc đáo về cảnh sắc, phong tục của Việt Nam, là sự tiếp nối của những đạo diễn trẻ với các thế hệ đi trước, để kể những câu chuyện của Việt Nam thời hiện đại, cố gắng bắt nhịp với những cách làm phim mới, mang đến những tiếng nói mới cho điện ảnh.
Kỳ vọng vào một sân chơi riêng
Dương Diệu Linh, Phạm Ngọc Lân, Phạm Thiên Ân hay bất cứ nhà làm phim độc lập nào đều mong muốn phim của mình được chào đón và trình chiếu trong nước tới đông đảo khán giả và người hâm mộ, nhất là sau khi họ trở về từ những LHP uy tín trên thế giới.
“Sau khi làm xong bộ phim đầu tiên, tôi bắt đầu phải đối mặt với một vấn đề mà trước đây khi làm phim ngắn chưa bao giờ nghĩ đến là làm sao đưa được phim dài của mình ra rạp tại Việt Nam” - đạo diễn Phạm Ngọc Lân trăn trở.
Với những đạo diễn độc lập, mục tiêu họ theo đuổi chính là nghệ thuật, là chất điện ảnh trong những khung hình, là tiếng nói cá nhân, nhiều khi “đồng điệu” với thị hiếu của số ít công chúng. Những bộ phim như vậy thường rất khó chiếu thương mại. Tuy nhiên, với những tác phẩm điện ảnh độc lập, các đạo diễn luôn gửi gắm tiếng nói riêng, trong hoàn cảnh rất riêng của Việt Nam đương đại và đương nhiên nếu những bộ phim này không chiếu ở trong nước thì nhiều khi công sức cũng như tâm huyết của họ trở nên vô nghĩa.
Giải thưởng Cánh diều, Bông sen hay các LHP quốc tế tổ chức tại các địa phương, mặc dù đã có sự ghi danh, cổ vũ tinh thần cho các nhà làm phim độc lập nhưng điều đó dường như chưa đủ. Phim độc lập dường như bị lép vế, mờ nhạt trước dòng phim thương mại với lượng fan đông đảo.
Các nhà làm phim độc lập cần có những không gian để ra mắt, giới thiệu tác phẩm điện ảnh của mình với công chúng trong nước, cần được lắng nghe, học hỏi và trao đổi về những ý tưởng mới cũng như rút kinh nghiệm sau mỗi dự án phim. Nên chăng có thể đẩy mạnh sân chơi cho các đạo diễn trẻ và phim ngắn, tổ chức ra mắt bài bản, tôn vinh tác phẩm nội địa xứng đáng. Đi xa hơn nữa, bằng việc thay đổi cách thức tổ chức LHP, chúng ta có quyền kỳ vọng vào một sân chơi riêng dành cho các tác giả độc lập ngay tại Việt Nam.
“Nhìn lại những kỳ trao giải thưởng điện ảnh trong nước, mong muốn lớn nhất của tôi là nên đẩy mạnh sân chơi cho các đạo diễn trẻ và phim ngắn, đề cao tính sáng tạo và đột phá trong ngôn ngữ điện ảnh. Khi chúng ta chưa có nhiều phim điện ảnh hằng năm để các đạo diễn mới có cơ hội làm nghề, thì phim ngắn và LHP là nơi sàng lọc các tài năng trẻ” - nhà sản xuất Nguyễn Cao Tùng - phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” chia sẻ. Đó cũng là mong muốn chung để những nhà làm phim độc lập có thêm động lực tiếp tục theo đuổi ước mơ của mình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.