(HNM) - Điều gì sẽ xảy ra nếu VĐV Thủ đô Dương Thúy Vi không giành được HCV Wushu tại ASIAD 17 - Incheon - 2014 vừa kết thúc ngày 4-10? Câu trả lời là khi ấy, Đoàn Thể thao Việt Nam (TTVN) sẽ không có bất kỳ tấm HCV nào, buộc phải rơi từ vị trí 21 xuống vị trí thứ 27 trong tổng số 45 đoàn trên bảng xếp hạng chung cuộc.
Vận động viên Dương Thúy Vi, Đội tuyển Wushu Hà Nội, giành HCV tại ASIAD 17. Ảnh: Khả Hòa |
Trở lại câu chuyện tại ASIAD 17. Trong danh sách 298 thành viên của đoàn TTVN, lực lượng VĐV Hà Nội là hùng hậu nhất. Chưa kể việc cung cấp lực lượng nòng cốt cho Đội tuyển bóng đá nữ quốc gia và góp nhiều cầu thủ cho Đội tuyển bóng đá Olympic Việt Nam, với 19 bộ môn còn lại, hầu như môn nào Hà Nội cũng có đại diện, với tổng số thành viên lên đến gần 90 người. Đáng chú ý, ở nhiều môn, hầu hết thành viên đều là người của Hà Nội như cầu mây (12 HLV, VĐV, chuyên gia trong tổng số 14 thành viên của đội), wushu (15/20), đấu kiếm (12/16), vật (3/4), bắn cung (7/8)… Một lần nữa, các VĐV Hà Nội tiếp tục góp vai trò chủ lực cho đoàn TTVN tham dự các đại hội thể thao lớn. Nếu thi đấu đúng với khả năng, lực lượng VĐV của Hà Nội hoàn toàn có thể giành được nhiều huy chương, thậm chí là cả HCV.
Thực tế diễn ra đúng như vậy. Trong tổng số 36 huy chương (1 HCV, 10 HCB, 25 HCĐ) của đoàn TTVN tại ASIAD 17, có đến 14 huy chương (1 HCV, 4 HCB, 9 HCĐ) thuộc về các VĐV Hà Nội. Cụ thể: HCV do công của Dương Thúy Vi (wushu). 4 HCB thuộc về Bùi Thị Thu Thảo (nhảy xa nữ), Nguyễn Hoàng Ngân (karatedo), Đặng Hồng Hà (đồng đội nữ 10m mục tiêu di động), Phạm Thị Hài (đồng đội rowing thuyền 4 mái chèo hạng nhẹ). 9 HCĐ do công của Hà Thị Nguyên (taekwondo hạng 67kg), Đinh Phương Thành (TDDC), Nguyễn Thanh Tùng, Tân Thị Ly, Nguyễn Mạnh Quyền (wushu), Phạm Thị Hài (HCĐ mái chèo 4 nữ), Nguyễn Tiến Nhật (kiếm), đội kiếm 3 cạnh nam, bộ ba cầu mây nữ Dương Thị Xuyên - Nguyễn Thị Quyên - Lê Thị Tâm. Chưa kể, rất nhiều nội dung, huy chương được tính cho đơn vị khác nhưng thực tế trong công tác huấn luyện VĐV có sự góp công lớn của các HLV, chuyên gia của Hà Nội làm nhiệm vụ tại ĐTQG, như trường hợp của võ sĩ Bùi Trường Giang (HCB hạng cân 65kg nam - wushu), Đặng Nam (TDDC)…
Kể ra thế để thấy, rõ ràng vai trò của thể thao Thủ đô trong bảng vàng thành tích của đoàn TTVN tại ASIAD 17-2014 rất đáng tôn trọng. Và, không chỉ ở đấu trường Á vận hội, mà cả ở SEA Games, các giải vô địch thế giới đơn môn, các VĐV thể thao Thủ đô thường xuyên là lực lượng nòng cốt, đóng góp khoảng 30% tổng số huy chương của đoàn TTVN tại các kỳ giải quốc tế. Những kết quả đáng khích lệ ấy không thể có trong ngày một ngày hai, mà là cả quá trình đầu tư bài bản, bền bỉ, chuyên nghiệp, theo đúng định hướng chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội về phát triển thể thao Thủ đô trong thời gian qua. Với sự đầu tư mạnh tay của lãnh đạo TP Hà Nội cùng cơ chế đãi ngộ thỏa đáng, Hà Nội đã xây dựng được lực lượng hùng hậu, gồm hàng nghìn VĐV ở 40-50 bộ môn và phân môn thể thao thành tích cao. Hằng năm, các VĐV Thủ đô được tạo điều kiện ra nước ngoài tập huấn với sự hướng dẫn của các chuyên gia giỏi, được thi đấu tại nhiều giải quốc tế uy tín để tăng cường cọ xát. Ở trong nước, họ được tập luyện với trang thiết bị hiện đại, đồng bộ tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội. Bên cạnh nỗ lực, tài năng và quyết tâm của VĐV, những điều kể trên là nhân tố quan trọng giúp các VĐV đạt thành tích khả quan trên các đấu trường quốc tế, đặc biệt là từ SEA Games 22-2003 đến nay.
TTVN đang hướng đến những mục tiêu lớn, bao gồm thi đấu thành công ở SEA Games 28 - Singapore - 2015, Olympic 2016 tại Brazil, ASIAD 18 - 2019 tại Indonesia, Olympic 2020 tại Tokyo… Để duy trì được vị thế đã có, trở thành điểm tựa ngày càng vững vàng của TTVN tại đấu trường quốc tế, rất cần sự duy trì đầu tư để bảo đảm đà phát triển của thể thao Thủ đô. Và đó là trách nhiệm không của riêng ai!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.