(HNM) - Tham gia sinh hoạt tại Hội Người mù TP Hà Nội và các cấp hội trực thuộc, hàng nghìn người khiếm thị trên địa bàn Thủ đô có điểm tựa vững chắc cả về vật chất và tinh thần.
Người khiếm thị thi đấu cờ vua. |
Vượt lên nhờ khối óc, bàn tay
Lê Hương Giang (sinh năm 1995), hội viên Hội Người mù quận Hoàng Mai là gương mặt quen thuộc với giới truyền thông và công chúng. Em được biết đến qua hai lần tham gia cuộc thi “Thách thức công nghệ thông tin với thanh niên khuyết tật toàn cầu”, là phóng viên chương trình “Niềm tin ánh sáng” của VOV Giao thông (Đài Tiếng nói Việt Nam), người dẫn chương trình “Cuộc sống vẫn tươi đẹp” trên VTV4 (Đài Truyền hình Việt Nam) và nhiều chương trình khác. Trong học tập, ngoài việc hoàn thành xuất sắc các môn học, Lê Hương Giang say mê nghiên cứu khoa học.
Đề tài “Chế tạo máy đếm tiền, đồng thời phân biệt tiền thật, tiền giả rồi phát ra tiếng nói” mang về cho Giang giải Ba quốc gia ở cuộc thi “Nghiên cứu khoa học kỹ thuật với học sinh trung học phổ thông”. Hiện nay, Lê Hương Giang là sinh viên Khoa Tâm lý, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội). Trên cơ sở kiến thức về tâm lý học lâm sàng, Giang tiếp tục nghiên cứu đề tài hỗ trợ tâm lý cho học sinh ở giai đoạn hướng nghiệp, tâm lý trẻ em vùng cao; phối hợp với một số cơ quan, tổ chức đưa tri thức khoa học vào đời sống.
“Tôi có được những kết quả này phần lớn là nhờ sự động viên, khuyến khích, giúp đỡ của người thân, bạn bè, thầy, cô giáo và những người đồng cảnh ngộ. Chứng kiến nhiều người khiếm thị gặp khó khăn trong cuộc sống, tôi muốn làm gì đó giúp họ vươn lên”, Giang tâm sự.
Tham gia sinh hoạt tại Hội Người mù huyện Ba Vì, anh Lê Văn Bình, trú tại xã Vân Hòa (huyện Ba Vì) hai lần được vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, chăn nuôi. Sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay, kinh tế gia đình anh Bình ngày càng ổn định, phát triển. Tương tự, anh Trịnh Bá Trường, hội viên Hội Người mù huyện Chương Mỹ mạnh dạn vay vốn ưu đãi để mở xưởng may, mang lại thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm cho gia đình…
Ông Lê Trung Quyết, Chủ tịch Hội Người mù TP Hà Nội cho biết, từ năm 2013 đến nay, Hội Người mù TP Hà Nội đã phối hợp với các cơ quan chức năng mở 128 lớp dạy nghề, truyền nghề mây, tre, đan, trồng nấm, nuôi bò sinh sản… cho gần 4.000 lượt hội viên; tạo điều kiện cho hàng nghìn hội viên vay vốn ưu đãi để giải quyết việc làm. Với những hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, các cấp hội đã huy động mọi nguồn lực giúp họ xây dựng, sửa chữa nhà ở, chữa bệnh… Nhờ các giải pháp hỗ trợ đúng hướng, tỷ lệ hội viên Hội Người mù TP Hà Nội thuộc diện hộ nghèo giảm từ 17,5% vào năm 2013 xuống còn 7,5% vào cuối năm 2017.
Đời sống tinh thần của hội viên cũng được các cấp Hội Người mù TP Hà Nội đặc biệt quan tâm. Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao phát triển sôi nổi, rộng khắp. Mô hình thư viện lưu động dành cho người khiếm thị đã được triển khai tại 30/30 quận, huyện, thị xã với hàng trăm đầu sách thuộc nhiều lĩnh vực. Lớp học chữ nổi được mở thường xuyên, tạo điều kiện cho hội viên nâng cao kiến thức, kỹ năng. Trong giai đoạn 2013 - 2018, toàn Hội có 260 hội viên học phổ thông, 33 hội viên học cao đẳng, đại học, tăng 38,5% so với giai đoạn trước. Một số hội viên nỗ lực giành được học bổng du học.
Qua đó có thể khẳng định, nếu quyết tâm, người khiếm thị có thể vượt lên hoàn cảnh, làm giàu từ khối óc, bàn tay của chính mình.
Tiếp tục nâng cao đời sống hội viên
Hiện nay, Hội Người mù TP Hà Nội có gần 6.300 hội viên thường xuyên tham gia sinh hoạt. Hội đã thành lập 29 hợp tác xã và tổ hợp tác tập trung, giúp hội viên có cơ hội làm nghề, nâng cao thu nhập. Các tổ chức, cá nhân là người khiếm thị trên địa bàn TP Hà Nội đã mở 124 cơ sở xoa bóp, mang lại việc làm ổn định cho hàng trăm lao động với thu nhập bình quân khoảng 3,5 triệu đồng/người/tháng.
Trong giai đoạn 2018-2023, Hội Người mù TP Hà Nội phấn đấu có ít nhất 80% số người khiếm thị tham gia sinh hoạt tại các hội, chi hội trực thuộc; 95% số hộ gia đình người khiếm thị đăng ký xây dựng gia đình văn hóa, trong đó có 85% số hộ đạt tiêu chuẩn. 100% trẻ em khiếm thị được đi học; 100% hội viên có nhu cầu được tham gia sinh hoạt trong các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao. Quỹ hỗ trợ dành cho người khiếm thị tăng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống…
Để có thể đạt các mục tiêu nêu trên, các cấp Hội Người mù TP Hà Nội sẽ kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực hoạt động, mở rộng mạng lưới chăm sóc người khiếm thị đến cấp cơ sở; nhân rộng các mô hình dạy nghề, giải quyết việc làm hiệu quả; động viên, khuyến khích người khiếm thị phát huy tinh thần khởi nghiệp…
Cùng với giải pháp phát huy sức mạnh nội lực, ông Lê Trung Quyết mong muốn UBND TP Hà Nội tạo điều kiện thuận lợi để Hội Người mù tiếp tục quản lý nguồn vốn vay ưu đãi dành cho người khiếm thị, giúp đối tượng này dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn. Các cơ quan, đơn vị, nhà hảo tâm tiếp tục chung tay giúp đỡ, hỗ trợ người khiếm thị tự tin, tự lập tạo dựng cuộc sống…
“Mọi giải pháp, chương trình hoạt động của Hội Người mù TP Hà Nội đều vì mục tiêu xuyên suốt là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người khiếm thị, tạo ra môi trường thuận lợi cho người khiếm thị vươn lên, góp phần giảm gánh nặng cho gia đình, xã hội”, ông Lê Trung Quyết bày tỏ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.