(HNM) - Đại hội đại biểu lần thứ nhất Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Hà Nội diễn ra đúng thời điểm Đảng bộ tròn một năm ngày thành lập. Một khoảng thời gian không dài nhưng cũng đủ để chứng minh chủ trương thành lập Đảng bộ Khối của TƯ và Thành ủy Hà Nội hoàn toàn đúng và kịp thời. Các doanh nghiệp (DN) đã có chỗ dựa tin cậy để sẻ chia những khó khăn, tháo gỡ vướng mắc, tìm hướng đi thích hợp trong hành trình phát triển.
Sản xuất tại Công ty Điện cơ Thống Nhất. Ảnh: Bảo Lâm |
Ngôi nhà chung của các doanh nghiệp
Từ 43 tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ), hơn 4.800 đảng viên khi mới thành lập, sau một năm, Đảng bộ Khối DN Hà Nội đã phát triển thành 65 TCCSĐ, hơn 5.700 đảng viên. Các DN trực thuộc Đảng bộ chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, sản xuất, kinh doanh (SXKD) trên 4 lĩnh vực: công nghiệp - xây dựng, nông nghiệp, thương mại - dịch vụ và công ích. Cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế, nhất là những bất cập về cơ chế, chính sách của Nhà nước và TP trên một số lĩnh vực và ngành nghề đặc thù đã khiến nhiều DN phải lao đao, chưa kể những khó khăn về tiếp cận nguồn vốn vay, trang thiết bị, nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu. Thực trạng đó cùng với khó khăn của những ngày đầu mới thành lập là thách thức buộc Đảng bộ phải vượt qua để hoàn thành nhiệm vụ tham mưu cho Thành ủy về định hướng lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng Đảng trong DN và đề ra các giải pháp phát triển kinh tế một cách bền vững.
Một năm sau, không phụ lòng mong mỏi của Thành ủy Hà Nội, Đảng bộ Khối DN đã tạo nên bước thay đổi quan trọng. Dưới mái nhà của Đảng bộ Khối, các DN đã có cơ hội trao đổi, nâng cao nhận thức, cùng đóng góp, xây dựng, tìm tiếng nói chung về phương thức hoạt động của công tác Đảng gắn với việc tổ chức SXKD. Những khó khăn, vướng mắc các DN gặp phải khi sắp xếp lại tổ chức Đảng, chế độ công tác Đảng trong DN, rồi quyền và nghĩa vụ của đảng viên khi thôi không đảm nhiệm chức vụ… đã được Đảng ủy Khối tháo gỡ kịp thời, giúp cho cơ sở ổn định để phát triển. Đảng ủy Khối còn phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, quận, huyện tăng cường phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và TP, tạo điều kiện cho DN tiếp cận với nguồn vốn và khoa học, công nghệ. Tới đây, một hội nghị liên kết "3 nhà" (nhà khoa học, nhà sản xuất và nhà quản lý) sẽ được Đảng ủy tổ chức nhằm giúp các DN nâng cao hiệu quả SXKD. Đặc biệt, thông qua diễn đàn của Đảng ủy Khối, các DN đã cùng nhau phân tích rõ điểm mạnh, yếu, xác định được hướng đi của DN Thủ đô trong những năm tiếp theo là phát triển kinh tế dựa trên tri thức.
Gắn kết các DN, Đảng bộ Khối còn làm được một điều trước chưa có tiền lệ, đó là khuyến khích tất cả DN trong khối tăng cường sự trợ giúp, tiêu dùng, sử dụng các sản phẩm của nhau, tạo nên một cộng đồng cùng nhau phát triển. Sau năm đầu thành lập Đảng bộ (2009-2010), dù gặp khó khăn từ nhiều phía nhưng kết quả SXKD của các DN đều tăng từ 5 đến 21%. Giá trị sản xuất của các DN đạt hơn 16.000 tỷ đồng; doanh thu hơn 17.000 tỷ đồng; nộp ngân sách hơn 1.000 tỷ đồng. Các DN đã bảo đảm việc làm và thu nhập bình quân hơn 3,3 triệu đồng/tháng cho người lao động.
Khẳng định vai trò của cấp ủy
Những bất cập (về mô hình, về vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng, thái độ "kém hào hứng" của DN đối với hoạt động của cấp ủy) khá phổ biến ở các DN cơ bản được khắc phục sau một năm Đảng bộ Khối DN đi vào họat động. Nếu trước đây, các TCCSĐ trong DN chịu sự quản lý của nhiều cấp, ngành (chẳng hạn như, khi triển khai công tác tư tưởng phải theo sự chỉ đạo của quận, huyện, thị ủy; triển khai nhiệm vụ chính trị, công tác cán bộ theo sự chỉ đạo của UBND TP và các sở, ngành) thì nay mọi hoạt động đã về một mối.
Trong vòng một năm, Đảng bộ Khối đã thực hiện khối lượng công việc lớn, sáp nhập 15 TCCSĐ thành 5 đảng bộ cơ sở cho thống nhất với mô hình quản lý mới của công ty; thành lập mới 10 TCCSĐ; tiếp nhận 21 chi, đảng bộ từ các quận, huyện ủy. Cùng với đó, Đảng ủy Khối đã bồi dưỡng nghiệp vụ, giúp đội ngũ cấp ủy nắm vững chức năng, nhiệm vụ, xây dựng được mối quan hệ công tác với các tổ chức trong hệ thống chính trị, đặc biệt là xây dựng mối quan hệ lãnh đạo, chỉ đạo giữa cấp ủy với hội đồng quản trị, ban giám đốc. Đây được coi là bước chuyển tích cực, đã phát huy vai trò lãnh đạo, nâng cao sức chiến đấu của tổ chức Đảng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị ở DN.
Nếu như trước đây, các DN (nhất là DN tư nhân) còn gặp nhiều khó khăn trong công tác cán bộ, phát triển đảng viên mới… thì nay đã khắc phục được. Việc đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ đúng quy trình, hướng dẫn. Hầu hết các DN đã thực hiện nghiêm chế độ phân công cán bộ theo cơ chế cấp ủy viên đồng thời là thủ trưởng, người quản lý đơn vị. Việc làm này đã xác định rõ trách nhiệm của mỗi cấp ủy viên, cán bộ lãnh đạo trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị. Tại các công ty cổ phần có vốn thuộc sở hữu nhà nước không chi phối và các DN tư nhân, cấp ủy đã chủ động đề xuất những nội dung liên quan đến công tác tổ chức, cán bộ với hội đồng quản trị, hội đồng thành viên, ban giám đốc, tạo được sự thống nhất khi quyết định công tác nhân sự.
Bên cạnh đó, công tác rà soát, quy hoạch cán bộ có nhiều đổi mới. Đã có 850 đồng chí được quy hoạch các chức danh do cấp ủy cơ sở quản lý, giúp các cấp ủy chủ động chuẩn bị tốt nhân sự đại hội nhiệm kỳ 2010-2015. Vì vậy, đã có 8 đảng bộ trực thuộc Đảng ủy Khối xung phong thí điểm chủ trương Đại hội bầu trực tiếp ban thường vụ, bí thư, phó bí thư. Việc quản lý, phân công đảng viên được chú trọng. Căn cứ vào chức trách, nhiệm vụ trong cơ cấu tổ chức công ty và dây chuyền SXKD, các đảng viên đều được phân công nhiệm vụ cụ thể nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, vai trò tiên phong, gương mẫu. Trong một năm, Đảng bộ kết nạp được 251 đảng viên, bằng 4,75% tổng số đảng viên chính thức. Những kết quả này đã và đang khẳng định vai trò của tổ chức Đảng trong DN, là động lực quan trọng để Đảng bộ Khối DN Hà Nội thực hiện mục tiêu từ nay đến năm 2015, từng bước tái cấu trúc các DN, nâng cao hiệu quả SXKD, thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và bảo đảm việc làm, đời sống người lao động.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.