Chính trị

Điểm tựa cho Hà Nội "cất cánh"

Tiến Thành 28/06/2024 - 06:32

Hôm nay 28-6, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi).

Các chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển, quản lý, bảo vệ Thủ đô đã được thể chế hóa đầy đủ trong Luật, kỳ vọng sẽ tạo động lực, trở thành điểm tựa cho Hà Nội "cất cánh" trong giai đoạn mới, xứng đáng với vai trò, vị trí trái tim của cả nước.

luat-1.jpg
Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua sẽ tạo động lực để phát triển thành phố Hà Nội trong giai đoạn mới. Ảnh: Nguyễn Quang

Dự thảo luật nhận được đồng tình cao

Tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), có 115 lượt ý kiến thảo luận ở tổ và hội trường, 7 ý kiến bằng văn bản. Bước sang kỳ họp thứ bảy, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường lần thứ hai về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) với 26 lượt ý kiến phát biểu và 5 ý kiến tham gia bằng văn bản.

Những ý kiến phát biểu cho thấy, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao chất lượng chuẩn bị hồ sơ, tài liệu dự án luật trình Quốc hội. Đồng thời, các đại biểu Quốc hội đã phân tích sâu sắc, làm rõ thêm nhiều nội dung, đề xuất cụ thể việc tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý một số điều, khoản quy định cụ thể trong dự thảo luật nhằm bảo đảm tính khả thi, nâng cao chất lượng, hiệu quả khi thi hành luật, vừa bảo đảm tính đặc thù, vượt trội, đột phá trong chính sách, tạo động lực xây dựng và phát triển Thủ đô của cả nước, xứng tầm trong giai đoạn mới với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”, nhưng cũng yêu cầu bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với các luật có liên quan trong hệ thống pháp luật.

Trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, ý kiến của Chính phủ và ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã xây dựng dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu và rà soát, chỉnh lý toàn bộ nội dung của dự thảo luật, bảo đảm thể chế hóa kịp thời, đầy đủ các chủ trương, chính sách của Trung ương, của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô, đặc biệt là Nghị quyết số 15-NQ/TƯ, Kết luận số 80-KL/TƯ của Bộ Chính trị; đồng thời, bám sát 9 nhóm chính sách đã được Quốc hội quyết định khi bổ sung dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, dự thảo luật sau khi được chỉnh lý đã tiếp thu đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ bảy, chỉ còn một số vấn đề mang tính kỹ thuật lập pháp được Ủy ban Pháp luật của Quốc hội hoàn thiện.

Được đánh giá là đạo luật phân cấp, phân quyền, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) trình Quốc hội thông qua đã thể chế hóa đầy đủ cơ chế mang tính đặc thù để Thủ đô bứt phá; có cơ chế phân cấp, phân quyền rõ ràng, trao trách nhiệm và trao nhiều quyền hơn để thành phố Hà Nội có thẩm quyền quyết định những vấn đề liên quan với những điều kiện đặc thù. Những điều khoản đã được quy định cụ thể, chi tiết hơn trong nội dung trao trách nhiệm, trao quyền cho Thủ đô theo phương hướng ưu tiên áp dụng trong hệ thống pháp luật.

Xứng đáng với niềm tin, hy vọng của cả nước

luat-2.jpg
Thủ đô Hà Nội ngày càng phát triển văn minh, hiện đại. Ảnh: Đỗ Tâm

Đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn Quảng Nam) bày tỏ sự đồng tình, tán thành cao với dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được tiếp thu, chỉnh lý trước khi Quốc hội xem xét thông qua. “Bằng tất cả niềm tin và hy vọng, tôi nghĩ rằng, Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này với những cơ chế đặc thù, chính sách đặc biệt sẽ tạo động lực để Hà Nội bứt phá, trở thành một Thủ đô tầm cỡ khu vực và thế giới”, đại biểu Tạ Văn Hạ nói.

Còn đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) mong muốn luật sẽ tạo cơ sở pháp lý quan trọng để Hà Nội phát triển lên tầm cao mới, xứng đáng là Thủ đô văn hiến, văn hóa và văn minh của đất nước trong thế kỷ XXI.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, đây là một đạo luật riêng quy định cho Thủ đô Hà Nội, vừa là Thủ đô hành chính, vừa là một đô thị đặc biệt của cả nước. Dự thảo luật trình Quốc hội thông qua đã quy định các cơ chế riêng, ưu đãi đặc thù, đặc biệt vượt trội so với hệ thống pháp luật hiện hành; đồng thời cũng là các quy định giao trách nhiệm lớn cho Hà Nội trong xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô. Các cơ chế, chính sách riêng, đặc thù, nổi trội, ưu tiên và trách nhiệm kèm theo phù hợp với vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của Thủ đô.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định, Luật Thủ đô (sửa đổi) với nhiều điều khoản quy định cụ thể, tạo ra nguồn lực, thẩm quyền để Thủ đô chủ động thực hiện các chức trách, nhiệm vụ được giao trong Hiến pháp. Đây là “cơ hội vàng” định vị lại không gian, mục tiêu, quan điểm phát triển, kiến tạo Thủ đô trong tương lai. Bên cạnh đó, thành phố nỗ lực triển khai đồng bộ Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 (vừa trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ bảy, trước khi trình Thủ tướng Chính phủ quyết định) trong Luật Thủ đô (sửa đổi).

“Đây là những quy định tạo triết lý, quan điểm, định hướng, không gian phát triển cho Thủ đô trong thời gian tới”, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh.

Để triển khai thi hành Luật Thủ đô (sửa đổi) kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả, sau khi Luật được thông qua, thành phố Hà Nội sẽ nhanh chóng triển khai, xác định các nội dung công việc, thời hạn hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc tổ chức xây dựng văn bản quy định chi tiết, văn bản được giao theo thẩm quyền trước thời hạn Luật có hiệu lực; bảo đảm thực thi hiệu quả thẩm quyền được Quốc hội giao, xứng đáng với niềm tin và hy vọng của cả nước.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Điểm tựa cho Hà Nội "cất cánh"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.