Theo dõi Báo Hànộimới trên

Điểm sáng trong bức tranh kinh tế

Hồng Sơn| 13/08/2016 08:04

(HNM) - Đến thời điểm này, hoạt động đầu tư nước ngoài (ĐTNN) vẫn chứng minh được tầm quan trọng và là điểm sáng của bức tranh kinh tế nước ta. Đặc biệt, trong bối cảnh thiếu nguồn lực cho phát triển, kết quả thu hút và sử dụng dòng vốn này ngày càng góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng chung, là động lực phát triển rất đáng ghi nhận…

Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty Canon Việt Nam. Ảnh: Viết Thành


Vốn giải ngân cao nhất trong nhiều năm

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 7 tháng qua, Việt Nam đã thu hút được gần 13 tỷ USD vốn ĐTNN cấp mới và bổ sung, tăng 46,9% so với cùng kỳ năm 2015. Đây là kết quả tất yếu của quá trình cải thiện chất lượng môi trường đầu tư - kinh doanh theo hướng phục vụ doanh nghiệp (DN). Với việc đưa Luật Đầu tư và Luật DN mới đi vào cuộc sống, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương khẳng định mục tiêu tăng cường thu hút đầu tư, đưa Việt Nam là địa điểm hấp dẫn đối với vốn ĐTNN.

Cùng thời gian trên, các dự án ĐTNN đã giải ngân 8,55 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ 2015, cho thấy rõ xu hướng tốc độ giải ngân liên tục tăng qua các tháng tính từ đầu năm đến nay; đồng thời đây cũng là mức giải ngân cao nhất so với cùng kỳ nhiều năm qua. Diễn biến tích cực này thể hiện quyết tâm làm ăn lâu dài, coi Việt Nam là địa điểm ưu tiên đầu tư vốn cho mục tiêu dài hạn; kết hợp với tái cơ cấu, phân bố lại mạng lưới cơ sở sản xuất trên phạm vi toàn cầu của giới ĐTNN. Theo TS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN ĐTNN, kết quả thu hút và giải ngân vốn ĐTNN gia tăng còn do tác động tích cực của một số Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia, tiêu biểu là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, những thuận lợi (nhất là thuế hàng hóa sẽ từng bước lùi dần về 0% - 5%) do TPP và các FTA khác mang lại là những yếu tố đáng quan tâm, hấp dẫn nguồn ngoại lực đổ vào Việt Nam hiện tại cũng như tương lai gần. Nhà đầu tư chủ động đón trước các cơ hội, bước vào một thị trường hơn 90 triệu người tiêu dùng và kết nối với thị trường ASEAN có 630 triệu dân. Một số dự án ĐTNN có quy mô lớn và công nghệ hiện đại, thuộc lĩnh vực bất động sản và bán dẫn tiếp tục xuất hiện; đơn cử như dự án LG Display trị giá 1,5 tỷ USD của Hàn Quốc tại Hải Phòng. Đây là một mắt xích mới của Tập đoàn LG tại Việt Nam, hướng tới mục tiêu hình thành "cứ điểm" sản xuất để xuất khẩu tầm vóc toàn cầu.

Khu vực có vốn ĐTNN cũng đạt kim ngạch xuất khẩu 68,9 tỷ USD và xuất siêu hơn 13 tỷ USD; qua đó góp phần bù đắp cho phần nhập siêu của khu vực kinh tế trong nước. Đặc biệt, đầu tư gián tiếp của DN nước ngoài đang diễn ra mạnh mẽ, có tính lan tỏa trong vòng một năm qua. Nhiều nhà ĐTNN góp vốn, mua cổ phần, với tổng giá trị gần 3 tỷ USD tại các DN trong nước. Như vậy, hoạt động đầu tư gián tiếp diễn ra một cách chủ động, trở thành một kênh cấp vốn quan trọng, hình thành trào lưu mua bán và sáp nhập DN; từ đó bổ sung năng lực sản xuất và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Chủ động đón nhà đầu tư

Dù xu hướng chủ động, tăng cường đầu tư vào Việt Nam là rõ ràng, nhưng để phát huy triệt để nguồn lực này không đơn giản, khi xét trên nhiều khía cạnh và điều kiện, đặc biệt là việc giải quyết những tồn tại chủ quan của nền kinh tế. Ở tầm vĩ mô, Chính phủ đang thể hiện tốt vai trò định hướng, hoàn thiện thể chế và nâng cao chất lượng môi trường đầu tư - kinh doanh. Song, các bộ, ngành, địa phương cũng cần nhất quán tinh thần này, làm tốt công tác quy hoạch và công bố công khai các thông tin liên quan đến quy hoạch.

Sự lo ngại lớn nhất và không thể điều chỉnh, khắc phục một sớm một chiều là tình trạng phát triển “nóng” dựa vào khai thác khoáng sản, tài nguyên, dẫn đến nguy cơ cạn kiệt và ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến quá trình phát triển bền vững. Trong khi đó, tiêu chí đầu tư bền vững phải đáp ứng, tôn trọng giá trị nhân văn, cũng như đề cao hiệu quả tổng hợp, thiết thực vì cộng đồng. Tiếp theo, việc lạc hậu về công nghệ, dây chuyền sản xuất, dẫn đến tiêu hao nhiều vật tư, nguyên liệu, khiến sản phẩm có giá thành cao, thiếu sức cạnh tranh là nguy cơ DN nội không đảm nhận được vai trò vệ tinh - nhà cung cấp linh kiện cho DN ĐTNN.

Đơn cử, Tập đoàn Samsung luôn mong muốn tìm các DN trong nước cung cấp linh kiện để gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, nhưng số đơn vị đáp ứng được yêu cầu rất thấp. Không giải quyết được vấn đề này, DN trong nước mất cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Mặt khác, thiếu nhà cung cấp linh kiện tại chỗ là trở ngại ảnh hưởng đến quyết định đầu tư hoặc mở rộng quy mô sản xuất, làm ăn lâu dài của nhà ĐTNN tại Việt Nam.

Một hạn chế nữa rất đáng lo ngại là năng suất lao động của Việt Nam được đánh giá thấp so với hầu hết các nước trong khu vực và thua xa các nước phát triển (so với Singapore chỉ bằng 1/16). Chắc chắn, DN ĐTNN sẽ có sự so sánh và phải cân nhắc kỹ trước khi triển khai dự án tại Việt Nam, bởi năng suất lao động là yếu tố quan trọng của hoạt động sản xuất hiện đại, quyết định mức độ thành công của chủ đầu tư.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Điểm sáng trong bức tranh kinh tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.