(HNM) - Một trong những thay đổi lớn trong kỳ tuyển sinh đại học năm 2018 là chủ trương về việc không quy định điểm sàn cho các trường như những năm trước mà chỉ quy định điểm sàn cho riêng ngành Sư phạm.
Đây được coi là một trong những giải pháp nhằm cải thiện chất lượng đào tạo sư phạm sau kỳ tuyển sinh năm 2017 - năm mà ngành Sư phạm được cho là lâm vào cảnh "rớt giá" khi điểm chuẩn của nhiều trường/ngành quá thấp. Sự điều chỉnh này có là "cú hích" thúc đẩy chất lượng đào tạo sư phạm hay không?
Điểm chuẩn sư phạm phải thuộc tốp đầu
Năm 2017, dư luận đã tốn không ít giấy mực khi các trường sư phạm công bố điểm chuẩn với mức thấp “thảm thương”. Không hiếm trường/ngành có “đầu vào” chỉ ở mức 3 điểm/môn (đã gồm cả điểm cộng thêm), vậy mà thí sinh vẫn thờ ơ. Trong số 7 trường đại học sư phạm được Bộ Giáo dục và Đào tạo “đặt hàng” xây dựng các chương trình đào tạo giáo viên phục vụ việc đổi mới giáo dục phổ thông, có tới 5 trường công bố điểm chuẩn từ mức điểm sàn trở lên. Ngay tại Hà Nội, Trường Cao đẳng Sư phạm trung ương, mức điểm trúng tuyển chưa tới 5 điểm/môn nhưng học sinh vẫn không mặn mà. Nhiều trường cao đẳng của các tỉnh như Bắc Ninh, Thái Bình, Hà Nam... cũng chỉ có mức điểm chuẩn từ 9 đến 10 điểm để tuyển sinh cho nhiều ngành.
Đề xuất điểm sàn riêng kỳ vọng sẽ giúp ngành Sư phạm nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên. Ảnh: Nhật Nam |
Tại hội nghị hiệu trưởng các trường sư phạm được tổ chức cuối năm 2017, chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc từ năm 2018 sẽ quy định điểm sàn riêng cho ngành Sư phạm, mở rộng điều kiện tuyển thẳng cho học sinh trường chuyên, dừng tuyển sinh với những ngành học không đáp ứng các điều kiện chuẩn "đầu ra", quy hoạch lại mạng lưới... được các trường và dư luận đồng thuận.
"Đã đến lúc ngành Sư phạm phải chấm dứt tình trạng đào tạo ra mà không sử dụng. Học sinh vào học ngành Sư phạm phải là những người ưu tú nhất, tương tự như các trường đào tạo y, dược... Quyết tâm để năm 2018 điểm đầu vào sư phạm nằm trong tốp đầu, các trường không vì chạy theo chỉ tiêu mà chấp nhận điểm đầu vào thấp" - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.
Đây được cho là động thái thể hiện quyết tâm của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm tạo sự chuyển dịch tích cực về chất lượng với ngành đào tạo giáo viên, từng bước khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ ở một số môn, một số địa phương, đồng thời cải thiện tình trạng thờ ơ với nghề giáo của một bộ phận học sinh hiện nay.
Theo Giáo sư Phạm Minh Hạc: Ngành Sư phạm cần có chuẩn "đầu vào" cao, đây là yếu tố quan trọng quyết định chất lượng đào tạo. Ngoài ra, để cải thiện chất lượng đào tạo sư phạm, thu hút học sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần kiến nghị, đề xuất với Chính phủ những chính sách phù hợp hơn. Thực tế, khá nhiều vấn đề như chế độ đãi ngộ, lương... cho nghề giáo đã được nhắc đến trong nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết được. |
Hướng nào cho đào tạo sư phạm?
Chủ trương nói trên của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã được cụ thể hóa tại dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học năm 2018, trong đó có tuyển sinh các ngành đào tạo sư phạm theo hướng siết chặt "đầu vào", nâng chất lượng "đầu ra" và đang được thông báo rộng rãi để lấy ý kiến góp ý của dư luận.
Làm thế nào để thu hút học sinh "đầu quân" vào ngành Sư phạm, đó là câu hỏi được nhiều người quan tâm nhất vào thời điểm này, khi mùa tuyển sinh đại học năm 2018 đang đến gần. "Nếu cứ mạnh ai nấy làm, các trường chỉ loay hoay bằng mọi giá để đạt chỉ tiêu tuyển sinh mà không quan tâm đến "đầu ra", không cân đối "đầu vào" - "đầu ra" cho phù hợp thì chắc chắn số lượng thất nghiệp vào năm 2020 sẽ không chỉ dừng lại ở con số 70 nghìn sinh viên sư phạm ra trường như đã được dự báo. Vì vậy, dù con thích làm cô giáo song gia đình rất lo lắng và đang cân nhắc có nên cho con đăng ký nguyện vọng học sư phạm trong kỳ tuyển sinh sắp tới không" - bà Lê Mai Anh (phụ huynh học sinh Trường THPT Trần Phú, quận Hoàn Kiếm) chia sẻ.
Đề cập đến chất lượng đào tạo sư phạm hiện nay, Giáo sư Phạm Minh Hạc (nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo) thẳng thắn cho rằng: Nên kiên quyết dừng ngay việc đào tạo của các trường có điểm chuẩn thấp. Học sinh đạt 9 điểm/3 môn thi thì không thể trở thành giáo viên đạt chuẩn, trừ một vài trường hợp rất đặc biệt.
Cùng quan điểm này, bà Vũ Thu Hương (Khoa Giáo dục tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội) cho rằng, điểm chuẩn thấp thì chất lượng đào tạo không thể cao. Việc siết chặt "đầu vào" và "đầu ra" với ngành Sư phạm là yêu cầu bắt buộc. Đã đến lúc nhà quản lý cần xem xét và nghiêm túc trả lời câu hỏi: Có cần thiết phải duy trì nhiều trường cao đẳng sư phạm như hiện nay hay không? Từng địa phương phải cân đối lại. Tỉnh nào cũng có trường sư phạm, mỗi năm góp thêm hàng nghìn cử nhân, trong đó không ít người lâm vào cảnh thất nghiệp, đó không chỉ là sự lãng phí mà còn gây áp lực rất lớn cho xã hội, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân với ngành Giáo dục.
Là người gắn bó nhiều năm và luôn trăn trở với ngành đào tạo sư phạm, Giáo sư Đinh Quang Báo (nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) cho rằng, chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhất là việc siết chặt "đầu vào", là cần thiết và là bước đột phá để xây dựng đội ngũ giáo viên chất lượng. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng một cách bền vững, cần có giải pháp đồng bộ để thu hút học sinh giỏi "đầu quân" vào ngành Sư phạm. Giải pháp đó liên quan tới chế độ dành cho sinh viên lúc đang học, việc làm khi ra trường và mức lương tương xứng khi đi làm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.