Theo dõi Báo Hànộimới trên

Điểm sàn kỳ thi ĐH, CĐ: Phương án nào vẹn cả đôi đường”?

Quỳnh Phạm| 23/04/2013 06:18

(HNM) - Mới đây, lãnh đạo Bộ GD-ĐT phải


Về vấn đề điểm sàn, gần đây nhất Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga đã khẳng định rằng, tới nay Bộ chưa có chủ trương đặt ra 2 điểm sàn để áp dụng cho trường tốp trên và trường tốp dưới, trường công lập và trường ngoài công lập như nhiều ý kiến đã đề cập trên các diễn đàn. Ông Bùi Văn Ga cũng nhấn mạnh, cách xác định điểm sàn sẽ dựa vào năng lực tối thiểu mà thí sinh có thể học ĐH, thể hiện qua kết quả thi "3 chung". Có nhiều ý kiến đề nghị, "ngưỡng" này cần được xác định trên cơ sở phân tích phổ điểm kết quả thi của thí sinh. Vì vậy, Bộ chưa quyết định phương án xác định điểm sàn nào cả. Câu trả lời có thể chỉ được đưa ra sau khi có kết quả thi và Hội đồng xét điểm sàn của Bộ họp bàn, đề xuất ý kiến để Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận xem xét, quyết định. 

Các trường ĐH, CĐ và thí sinh vẫn đang chờ phương án ra điểm sàn sắp tới của Bộ GD-ĐT. Ảnh: Viết Thành


Có thể thấy tinh thần chung là Bộ GD-ĐT vẫn sẽ đưa ra một mức điểm sàn mà thôi. Hướng đi này, dù nhận được nhiều đồng tình hay không, có vẻ như tránh được cái tiếng "cố để tuyển cho đủ thí sinh" mà coi nhẹ chất lượng "đầu vào". Vấn đề mấu chốt, theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, chính là việc xác định đâu là "ngưỡng tối thiểu" để bảo đảm một người có thể học được ở bậc ĐH. Vài năm trở lại đây, mặc dù số lượng thí sinh đạt điểm trên sàn lớn hơn nhiều so với tổng chỉ tiêu nhưng nhiều trường vẫn gặp khó khăn về nguồn tuyển. Có trường, nhất là các trường công lập, đề nghị giữ nguyên điểm sàn như hiện nay, thậm chí còn tăng lên để bảo đảm chất lượng. Bên cạnh đó, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, những thí sinh có điểm thi thấp hơn 1-2 điểm so với mức điểm sàn vẫn có khả năng học tốt ở bậc ĐH. Giữa những luồng ý kiến này, Bộ GD-ĐT sẽ phải nghiên cứu xác định điểm sàn theo phương án mới để vừa bảo đảm chất lượng "đầu vào" vừa bảo đảm được nguồn tuyển cho các trường.

Tự chủ tuyển sinh: Vẫn chờ tiêu chí

Các trường ngoài công lập, đối tượng hướng tới của phương án điểm sàn mới, một mặt tỏ ra không mặn mà với "2 mức điểm sàn" vì cho rằng nó chẳng giải quyết được vấn đề gì, mặt khác khẳng định giải pháp căn cơ là được "tự chủ tuyển sinh". Lãnh đạo các đơn vị này khẳng định, đó là điều đã được quy định rõ trong Luật Giáo dục ĐH và đương nhiên, các trường phải được hưởng.

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã nhiều lần cho biết quan điểm luôn tạo điều kiện cho cả trường công lập lẫn trường ngoài công lập được tự chủ tuyển sinh, miễn là trường phải xây dựng được phương án cụ thể, có tính khả thi cao. Trong khi các trường công lập, dù có phương án riêng hay không, vẫn dè dặt trước viễn cảnh phải đối mặt với những vấn đề phức tạp nảy sinh khi tự chủ tuyển sinh thì các trường ngoài công lập lại nóng lòng được tự chủ tuyển sinh. Đến thời điểm này, một số đơn vị đã xây dựng phương án tuyển sinh riêng, trình Bộ GD-ĐT, song vẫn phải chờ phê duyệt với những tiêu chí mà đề án tuyển sinh riêng cần phải có. Theo Vụ trưởng Vụ GD-ĐH Bùi Anh Tuấn, muốn tự chủ tuyển sinh, các trường cần có phương án cụ thể, thể hiện đầy đủ năng lực của trường trong việc tự tổ chức toàn bộ các khâu tuyển sinh, bảo đảm tính nghiêm túc, minh bạch, khách quan, trung thực, công bằng và quan trọng nhất là đề án phải giải quyết được những vấn đề bất cập mà vì nó "3 chung" phải ra đời...

Thực tế tuyển sinh nhiều năm qua cho thấy, dù nguồn tuyển khá dồi dào, nghĩa là số thí sinh trên điểm sàn vẫn còn nhiều, nhưng một số cơ sở đào tạo vẫn không thể tuyển đủ chỉ tiêu. Tuy nhiên, các trường này cho rằng, lý do chính khiến họ không có sinh viên là vì điểm sàn. Chủ động tuyển sinh được các trường ngoài công lập coi là giải pháp lý tưởng để thoát khỏi cái "vòng kim cô" điểm sàn. Chỉ có thực tế sẽ chứng minh, đâu là nguyên nhân. Thêm nữa, các đơn vị đề xuất phương án tuyển sinh riêng đều là những trường có "đầu vào" thấp, việc tuyển sinh theo phương án riêng không ảnh hưởng đến cả hệ thống. Vì lẽ gì, Bộ GD-ĐT chưa "dám" giao quyền tự chủ tuyển sinh cho những đơn vị này?

Theo các chuyên gia tuyển sinh, giữ ổn định phương án 3 chung với một điểm sàn và để một số trường ngoài công lập thuộc diện khó tuyển đã có phương án tuyển sinh riêng được tự chủ là phương án "vẹn cả đôi đường".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điểm sàn kỳ thi ĐH, CĐ: Phương án nào vẹn cả đôi đường”?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.