(HNM) - Sự kiện các tàu tuần tra của cảnh sát biển Nga cố gắng chặn 3 tàu chiến Ukraine tiến vào biển Azov qua eo biển Kerch, hôm 25-11 vừa qua, đang đe dọa kích hoạt trở lại cuộc chiến âm ỉ suốt 4 năm qua giữa Nga và Ukraine.
Các tàu Ukraine bị cáo buộc xâm phạm vùng lãnh hải của Nga. |
Trong vụ việc này, Ukraine cáo buộc các tàu thuộc cơ quan An ninh Nga (FSB) đã nổ súng vào các thành viên trong thủy thủ đoàn, khiến 3 người bị thương và bắt giữ 3 tàu của hải quân nước này (gồm tàu Berdyansk, Nikopol và Yany Kapu). Ukraine cho biết, nước này đã thông báo trước với Nga về lộ trình trên biển của các tàu trên, khẳng định Nga có hành động gây hấn quân sự và kêu gọi cộng đồng quốc tế có biện pháp trừng phạt Mátxcơva. Còn theo FSB, 3 tàu của Hải quân Ukraine đã vi phạm các Điều khoản 19 và 21 của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, phân định quyền của quốc gia ven biển về bảo đảm an ninh trong hải phận, đồng thời cáo buộc những con tàu này tiến hành các hành động nguy hiểm và không tuân theo những hướng dẫn hợp pháp từ phía Nga.
Theo các nhà phân tích, căng thẳng giữa Nga và Ukraine xung quanh vấn đề kiểm soát Crimea và vùng lãnh thổ Đông Ukraine 4 năm trước hiện đang chuyển sang một “chiến trường” mới, đó là biển Azov. Vùng biển này có tầm quan trọng chiến lược với nền kinh tế Ukraine, thậm chí còn đóng vai trò quan trọng hơn kể từ khi Nga sáp nhập Crimea bởi 80% xuất khẩu hàng hóa của Ukraine hiện đi qua biển Azov. Sau sự kiện Crimea, các cảng Berdyansk và Mariupol của Ukraine vẫn tiếp nhận số lượng hàng hóa lớn. Tuy nhiên, sau khi cây cầu mới của Nga bắc qua eo biển Kerch, con đường duy nhất nối giữa biển Azov và biển Đen, lượng tàu hàng cập cảng Ukraine giảm hẳn.
Về mặt kỹ thuật, cả Ukraine và Nga đều được tự do sử dụng biển Azov theo thỏa thuận năm 2003, nhưng Mátxcơva đã buộc các tàu Ukraine tuân thủ sự quản lý của nước này khi di chuyển qua eo biển Kerch kể từ khi bắt đầu thi công cầu Kerch vào tháng 4-2015. Một đạo luật ban hành vào tháng 7-2017 cho phép Nga có quyền khước từ tiếp cận biển Azov đối với bất cứ tàu thuyền nào, ngoại trừ tàu chiến Nga, trong một khung thời gian nhất định. Dựa trên đạo luật này, năm 2017, Nga đã đóng cửa biển Azov hai lần, từ 27 đến 29-8 và 11 đến 13-10.
Tuy nhiên, Ukraine cho rằng họ có quyền bắt giữ bất kỳ tàu nào di chuyển tại Crimea mà không có sự cho phép của Kiev. Hồi tháng 3, Ukraine đã bắt giữ tàu đánh cá Nord của Nga đang hoạt động tại biển Azov cùng với 10 thủy thủ. Tháng 8 vừa rồi, chính quyền Ukraine cũng bắt tàu chở dầu Mechanic Pogodin của Nga. Mátxcơva coi các hành động của Kiev là “khủng bố biển” và phản ứng bằng cách tăng cường kiểm tra biên giới trên phần lãnh hải của mình tại biển Azov.
Căng thẳng quanh eo biển Kerch đã được Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Pavlo Klimkin đề cập bên lề một hội nghị an ninh quốc tế vừa diễn ra tại Kiev. Vị quan chức Ukraine cũng cho rằng, chiến dịch của Nga ở biển Azov gây đình trệ các hoạt động kinh tế của nước này. Năm 2016, Kiev đã nộp đơn khiếu nại lên Tòa án quốc tế ở La Haye, cho rằng hành động của Nga vi phạm UNCLOS 1982. Việc xử lý đơn khiếu nại này hiện vẫn đang tiếp diễn. Phản ứng trước vụ việc căng thẳng mới nhất, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko tuyên bố, ông sẽ đề xuất tình trạng thiết quân luật. Song, nhà lãnh đạo Ukraine khẳng định không có kế hoạch thực hiện bất kỳ chiến dịch tấn công nào.
Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã hối thúc Nga và Ukraine giảm bớt căng thẳng, đồng thời kêu gọi Mátxcơva khôi phục tự do đi lại tại eo biển Kerch trên biển Azov. Các nhà phân tích cho rằng, vụ việc lần này có thể gây ra một cuộc khủng hoảng nguy hiểm mới giữa hai quốc gia láng giềng vốn đang trong tình trạng “cơm không lành, canh chẳng ngọt” suốt mấy năm qua.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.