(HNM) - Nhiều cơ quan, đơn vị đã chủ động, sáng tạo trên các lĩnh vực, có những mô hình hay, cách làm hiệu quả, đóng góp thiết thực vào kết quả chung của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thành phố Hà Nội từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Đây chính là điểm nhấn, bài học kinh nghiệm cần thiết cho năm 2023 và những năm tiếp theo nhằm đưa Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp vào đời sống.
Đổi mới, chất lượng, hiệu quả
Công tác cán bộ là một trong những lĩnh vực thể hiện rõ nhất với việc tham mưu ban hành, triển khai Quy định số 07-QĐ/TU ngày 17-11-2021, Kế hoạch số 56-KH/TU ngày 28-12-2021 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý giai đoạn 2022-2025”.
Theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo, Ban đã rà soát, thông báo đối với 199 trường hợp thuộc đối tượng xem xét để chuyển đổi vị trí công tác theo quy định. Tiếp đó, Ban đã chủ động phối hợp với các cấp ủy địa phương, đơn vị đề xuất với Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy luân chuyển 36 đồng chí, chuyển đổi vị trí công tác 30 đồng chí cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý. Đến nay, toàn thành phố đã có 28/30 bí thư cấp ủy cấp huyện và 21/30 chủ tịch UBND cấp huyện không phải người địa phương.
Ngoài ra, Ban Tổ chức Thành ủy đã tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy ban hành, triển khai Đề án số 21-ĐA/TU ngày 25-10-2022 về thí điểm đổi mới thi tuyển chức danh lãnh đạo cấp phòng; đã lựa chọn 3 đơn vị làm điểm gồm Ban Tổ chức Thành ủy, Thành đoàn và Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong...
Trong khi đó, Ban Tuyên giáo Thành ủy đã tổ chức thành công Hội thảo khoa học phát triển giáo dục sáng tạo trong chiến lược xây dựng Hà Nội trở thành “Thành phố sáng tạo”. Hệ thống tuyên giáo cũng đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, tiến hành chuyển đổi số gắn với chức năng, nhiệm vụ. Một hình ảnh khá tiêu biểu là việc tổ chức Hội thi tìm hiểu Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã thu hút hơn 1 triệu lượt người tham gia.
Ngành Kiểm tra Đảng thành phố ngoài hoàn thành nhiệm vụ thường xuyên, còn nghiêm túc thực hiện hiệu quả nhiệm vụ Ủy ban Kiểm tra Trung ương giao với khối lượng lớn, tính chất phức tạp liên quan đến một số vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi.
Công tác nội chính, cải cách tư pháp, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả. Đặc biệt, ngay sau khi thành lập Ban Chỉ đạo Thành ủy về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, hàng chục vụ án, vụ việc phức tạp, nghiêm trọng đã được đưa vào diện theo dõi, đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ. Đến nay, 7 vụ đã được đưa ra khỏi diện theo dõi, Ban Chỉ đạo đang tiếp tục theo dõi 22 vụ việc, vụ án khác... Trong khi đó, công tác dân vận được đẩy mạnh trong cả hệ thống chính trị, nhất là tập trung thực hiện dân vận chính quyền, nâng cao chất lượng phục vụ người dân của các cơ quan hành chính. Việc đăng ký và thực hiện mô hình “Dân vận khéo” đã trở thành phong trào rộng lớn với hơn 9.600 mô hình trên khắp thành phố...
Ngày càng sát thực tiễn và cơ sở
Năm 2023 là năm sơ kết giữa nhiệm kỳ 2020-2025, có ý nghĩa quan trọng đối với mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế - xã hội Thủ đô. Thành ủy Hà Nội xác định 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, mà trước hết là tiếp tục thực hiện chủ đề công tác năm 2023 là năm “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”; lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện 10 chương trình công tác lớn của Thành ủy khóa XVII; tổ chức sơ kết giữa nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ các cấp thành phố...
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng chỉ đạo, các cấp ủy phải rà soát lại từng nhiệm vụ, chỉ tiêu để từng đơn vị chủ động có kế hoạch, đề xuất giải pháp cụ thể, khả thi; tập trung vào những nhiệm vụ, chỉ tiêu có khả năng không đạt để có giải pháp quyết liệt tháo gỡ; ngày càng sát thực tiễn và cơ sở, giải quyết khâu yếu, việc khó.
Thực hiện theo tinh thần đó, ngay trong những ngày đầu năm 2023, các ban Đảng Thành ủy đều đã vào cuộc, tham gia thực thi nhiệm vụ chính trị “trung tâm của trung tâm” là giải phóng mặt bằng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Doãn Toản yêu cầu hệ thống tuyên giáo chủ động và đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin tuyên truyền về các nội dung quan trọng của dự án, góp phần kịp thời giải quyết các kiến nghị của người dân ngay từ cơ sở.
Có thể nói, tinh thần chủ động, sáng tạo từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã được truyền tỏa mạnh xuống cơ sở. Đây cũng sẽ là “công thức” để các cơ quan khối Đảng, các cấp ủy tổ chức Đảng tiếp tục khẳng định mạnh mẽ vị trí, vai trò, đặc biệt là tham gia huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân vào thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ đang đặt ra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.