Bắn súng Việt Nam từng giành được 19 vé tham dự đấu trường Olympic - gồm cả vé trực tiếp và vé mời.
Trong đó, việc lần đầu tiên có một xạ thủ nữ Việt Nam giành quyền dự loạt bắn ở vòng chung kết và giữ vị trí thứ 4 như trường hợp vừa qua của Trịnh Thu Vinh ở nội dung 10m súng ngắn hơi nữ tại Olympic Paris 2024 là điểm nhấn đáng chú ý.
44 năm chờ đợi suất bắn chung kết
Năm 1980, thể thao Việt Nam lần đầu đến với đấu trường Olympic kể từ sau khi đất nước thống nhất. Năm đó, đội tuyển bắn súng góp mặt trong thành phần Đoàn thể thao Việt Nam với 7 xạ thủ. Tất nhiên, bối cảnh thế giới ở thời điểm đó có điểm đặc biệt và thể thao Việt Nam có điều kiện cử nhiều vận động viên tham dự Olympic, trong đó có các xạ thủ nữ. Tuy nhiên, tại Olympic 1980, không có xạ thủ nữ nào của Việt Nam giành quyền tham dự vòng thi chung kết ở nội dung thi đấu của mình.
Tại các kỳ Olympic được tổ chức vào các năm 1988, 1992, 1996, 2000, bắn súng Việt Nam đều nhận được suất đặc cách và suất này đều được trao cho các xạ thủ nam. Cho đến năm 2012, bắn súng Việt Nam mới có một xạ thủ nữ giành vé dự Olympic London (Anh), đó là Lê Thị Hoàng Ngọc. Đáng chú ý, đó là tấm vé trực tiếp chứ không phải vé mời. Tại kỳ Olympic này, xạ thủ Lê Thị Hoàng Ngọc không thể tạo nên bất ngờ khi dừng bước ở vòng loại. Và ở 2 kỳ Olympic sau đó được tổ chức tại Rio (Brazil, năm 2016) và Tokyo (Nhật Bản, năm 2021), cũng không có xạ thủ nữ nào của Việt Nam góp mặt mà chỉ có các xạ thủ nam theo diện giành vé trực tiếp (Olympic 2016) và đặc cách (Olympic 2020, tổ chức vào năm 2021). Những gì diễn ra trong 2 kỳ Olympic đó được nhiều người biết đến, trong đó có việc xạ thủ Hoàng Xuân Vinh giành 1 HCV, 1 HCB ở Olympic 2016. Hoàng Xuân Vinh là xạ thủ Việt Nam đầu tiên giành quyền dự loạt bắn chung kết một nội dung thi đấu, và đương nhiên cũng là xạ thủ Việt Nam đầu tiên giành HCV Olympic.
Trong khi đó, các nữ xạ thủ Việt Nam vẫn miệt mài hướng đến mục tiêu giành quyền vào chung kết một nội dung thi đấu. Điều đó đã đến khi xạ thủ Trịnh Thu Vinh và Lê Thị Mộng Tuyền cùng giành vé dự Olympic Paris 2024. Đây cũng là kỳ Olympic đầu tiên kể từ năm 1980, đội bắn súng Việt Nam không có xạ thủ nam. Trong những ngày thi đấu vừa qua tại Olympic Paris 2024, Trịnh Thu Vinh trở thành xạ thủ nữ đầu tiên của Việt Nam giành quyền dự vòng thi chung kết, và dừng bước ở hạng Tư chung cuộc ở nội dung 10m súng ngắn hơi nữ - điều mà bắn súng nữ Việt Nam phải đợi 44 năm mới thực hiện được.
Đủ để tạo động lực
Tại Olympic Paris 2024, đội tuyển bắn súng Việt Nam còn 1 nội dung thi đấu là 25m súng ngắn thể thao vào ngày 2-8; xạ thủ Trịnh Thu Vinh sẽ thi đấu nội dung này. Chứng kiến màn trình diễn tự tin của Trịnh Thu Vinh ở nội dung 10m súng ngắn hơi vừa qua, giới chuyên gia tin rằng cô gái này có đủ động lực để bước vào thi đấu với phong độ cao. Theo HLV Trần Quốc Cường của đội tuyển bắn súng Việt Nam, màn trình diễn của Trịnh Thu Vinh tại nội dung 10m súng ngắn hơi sẽ tiếp thêm sự tự tin cho cô gái này.
Trường hợp Trịnh Thu Vinh còn là câu chuyện về đầu tư cho sân chơi Olympic. Ngay sau khi giành vé dự Olympic Paris 2024, Trịnh Thu Vinh đã được Cục Thể dục thể thao, Liên đoàn Bắn súng Việt Nam và đơn vị chủ quản là Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao Công an nhân dân tạo điều kiện tối đa để đi tập huấn, thi đấu dài ngày ở nước ngoài. Các chuyến tập huấn này đều diễn ra tại các quốc gia đang sở hữu nhiều xạ thủ hàng đầu thế giới, có VĐV từng nhiều lần giành chức vô địch Olympic như Hàn Quốc, Hungary.
Với quyết tâm đó, ngay cả Lễ xuất quân của Đoàn thể thao Việt Nam tham dự Olympic Paris 2024, các thành viên đội tuyển bắn súng trong thành phần của đoàn cũng không thể có mặt do bận tập huấn tại Hungary (nơi có nhiều điểm tương đồng về điều kiện khí hậu, dinh dưỡng, múi giờ) so với Pháp - nước đăng cai Olympic 2024. Sự chuẩn bị kỹ càng như vậy đi kèm khoản đầu tư tiền tỷ đã góp phần mang đến kết quả thi đấu khá ấn tượng của Trịnh Thu Vinh. Điều đó giúp thể thao Việt Nam nói chung và bắn súng Việt Nam nói riêng nhìn nhận rõ hơn về hướng đầu tư cho sân chơi Olympic trong thời gian tới.
Không phải ngẫu nhiên khi Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam tại Olympic Paris 2024, Cục trưởng Cục Thể dục thể thao Đặng Hà Việt từng nhiều lần khẳng định rằng, đấu trường Olympic thực sự khốc liệt, không có chỗ cho may rủi. Với điều kiện của mình, thể thao Việt Nam phải thực sự đầu tư có trọng điểm với nguồn kinh phí phong phú, đa dạng để hướng đến những cột mốc mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.