(HNMO)- Năm 2012 đã khép lại với nhiều sự kiện trong ngành ngân hàng. HNMO điểm lại những vấn đề nổi bật của lĩnh vực này trong năm 2012.
Năm thất bát của ngân hàng
2012 là năm hoạt động kinh doanh không thành công của ngân hàng. Hầu hết nhà băng không đạt chỉ tiêu lợi nhuận, thậm chí thua lỗ. Nguyên nhân chủ yếu do lỗ trong kinh doanh vàng và nợ xấu tích lũy từ nhiều năm trước, chi phí dự phòng lớn. Vì thế, nhiều nơi phải cắt giảm nhân sự, cắt giảm lương, thưởng.
Tín dụng tăng trưởng chưa bằng 1/2 chỉ tiêu
Theo công bố của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tăng trưởng tín dụng của hệ thống năm 2012 đạt khoảng 7%. Như vậy, con số trên chưa bằng 1/2 so với chỉ tiêu NHNN đưa ra hồi đầu năm là 15-17%. Đáng chú ý, năm 2012, NHNN cũng đã phân nhóm giao chỉ tiêu tăng tín dụng với các mức 17%, 15%, 8% và không được tăng trưởng tương ứng với sức khỏe của ngân hàng. Tuy nhiên, hết năm, các chỉ tiêu trên đã không được hoàn thành, có nơi còn tín dụng tăng trưởng âm.
Sự biến mất của một thương hiệu lớn
Sau 20 năm tồn tại, cái tên Habubank- Ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiên tại Hà Nội- chính thức “biến mất” từ ngày 28/8/2012 sau khi Habubank sáp nhập vào SHB. Trường hợp sáp nhập thành công này nằm trong kế hoạch cho hợp nhất, mua bán lại 5-8 ngân hàng trong quý 1 của NHNN nhằm tái cơ cấu ngân hàng. TienPhongBank cũng đã tự tái cơ cấu thành công hồi tháng 6 sau khi bán 20% cổ phần cho Tập đoàn Doji. Các trường hợp còn lại nằm trong diện phải tái cơ cấu vẫn chưa có phương án công bố công khai phương án tái cơ cấu.
Thị trường ngoại hối ổn định
Mặc dù trong năm, tỷ giá VND/USD tại ngân hàng thương mại có một vài đợt sóng nhưng chỉ tăng ở biên độ cho phép. Còn tỷ giá bình quân liên ngân hàng đánh dấu 1 năm không đổi, giữ ở mức 20.828 VND/USD kể từ ngày 24/12/2011. Cùng với sự ổn định về tỷ giá, dự trữ ngoại hối ở mức cao nhất trong 4 năm qua với khoảng 23 tỷ USD.
Độc quyền vàng miếng
Năm 2012, NHNN thực hiện chính sách độc quyền vàng miếng với lý do là để chống đầu cơ vàng, vàng hóa nền kinh tế, và SJC được chọn là thương hiệu vàng quốc gia. Đây cũng là doanh nghiệp duy nhất được phép dập, gia công vàng miếng. Việc độc quyền này đã dẫn đến tình trạng vàng miếng SJC cao hơn vàng miếng “phi” SJC và cao hơn vàng thế giới 4 triệu, thậm chí có thời điểm hơn 5 triệu đồng/lượng, thị trường xuất hiện vàng nhái SJC, vàng giả.
Cũng năm 2012, NHNN đã 2 lần nới thời hạn các ngân hàng thương mại tất toán trạng thái vàng nhằm chấm dứt huy động và cho vay bằng vàng để chuyển hẳn sang quan hệ mua-bán vàng nhằm tránh vàng hóa nền kinh tế.
Nợ xấu ở mức cao
Theo công bố của NHNN, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống đến tháng 7 là gần 10%, khác xa với con số 3,4% mà các tổ chức tín dụng báo cáo; trong đó, nợ xấu có tài sản đảm bảo bằng bất động sản chiếm đến hơn 70%, nợ xấu của khối ngân hàng thương mại Nhà nước chiếm hơn 50%. Chính nợ xấu đã làm dòng chảy của nền kinh tế bị tắc nghẽn và xử lý nợ xấu là yêu cầu cấp thiết. Vì vậy, nhiều giải pháp đã được đưa ra trong đó có phương án thành lập công ty quản lý tài sản với quy mô khoảng 100 nghìn tỷ đồng thu hút nhiều ý kiến. Dự kiến, việc xử lý nợ xấu không thể trong một sớm một chiều mà cần ít nhất vài ba năm.
Lãi suất giảm
NHNN đã 6 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành, trong đó gần đây nhất là ngày 21-12, cùng với giảm lãi suất điều hành, cơ quan này hạ trần lãi suất huy động kỳ và lãi suất cho vay. Tính chung cả năm, lãi suất huy động giảm 3-6%, lãi suất cho vay giảm 5-9% so với cuối năm 2011 và đã trở về mức lãi suất cuối năm 2007. Đáng chú ý, ngày 15-7, các ngân hàng thương mại phải xem xét hạ lãi suất cho các khoản nợ cũ xuống dưới 15%/năm theo chủ trương của NHNN nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp. Theo đánh giá của NHNN, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay đã giảm mạnh về mức định hướng của NHNN đề ra và lộ trình giảm nhanh hơn dự kiến.
“Năm hạn” của ACB
Ngày 21-8, thông tin ông Nguyễn Đức Kiên (“bầu” Kiên), nguyên thành viên Hội đồng sáng lập, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Á Châu (ACB) bị bắt để điều tra về một số sai phạm trong hoạt động kinh tế được công bố. Vài ngày sau, ông Lý Xuân Hải, nguyên Tổng giám đốc ACB bị bắt về tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Chưa dừng lại dừng lại ở đó, 4 cựu lãnh đạo trong Hội đồng Quản trị của ngân hàng này bị khởi tố. Các thông tin trên khiến thị trường chứng khoán chao đảo một thời gian. Người dân đẩy mạnh rút tiền tại ACB khiến thanh khoản của ngân hàng gặp khó khăn. Rất may, với sự nỗ lực hết sức, ACB đã sớm hoạt động bình thường trở lại.
Nổi cộm sở hữu chéo tại ngân hàng
Năm 2012, việc sở hữu chéo tại ngân hàng trở thành vấn đề nổi cộm. Vietcombank, ACB, Maritime Bank, Eximbank… đều nắm giữ cổ phần lớn tại 1 hoặc một số ngân hàng khác. Theo nhận định của các chuyên gia, trong trường hợp các ngân hàng thương mại có cổ đông lớn là các doanh nghiệp thì rất có thể các ngân hàng thương mại trở thành sân sau, chuyên huy động vốn từ dân để tài trợ cho các dự án của mình. Việc sở hữu chéo giữa các ngân hàng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sở hữu ngân hàng này có thể dễ dàng vay được vốn từ ngân hàng kia. Nhưng trường hợp này có nguy cơ dẫn đến việc các ngân hàng thương mại sẽ tiến hành thẩm định vốn vay thiếu cẩn trọng. Nếu đúng vậy, đây có thể là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến nợ xấu ngân hàng tăng cao.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.