Văn hóa

Những ký ức không quên trong trưng bày “Khúc ca hòa bình”

Hoàng Lân 23/04/2025 - 12:04

Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), sáng 23-4, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò khai mạc trưng bày chuyên đề: “Khúc ca hòa bình” với sự tham dự của nhiều nhân chứng lịch sử.

hoa-lo-3.jpg
Các nhân chứng lịch sử có mặt trong trưng bày chuyên đề: “Khúc ca hòa bình”. Ảnh: Hoàng Lân

Những hình ảnh xúc động

Trưng bày gồm 3 nội dung: Tất cả cho tiền tuyến, Mở đường thống nhất, Đất nước trọn niềm vui...

Ở nội dung “Tất cả cho tiền tuyến”, tái hiện không khí hăng hái tòng quân của thanh niên miền Bắc và tinh thần tất cả vì miền Nam với các phong trào “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang”, phong trào thi đua “Tất cả vì miền Nam ruột thịt, mỗi người làm việc bằng hai”.

Công chúng được xem một số tư liệu, hình ảnh thể hiện nhiệt huyết của những thanh niên tham gia phong trào “Ba sẵn sàng”, đó là: đồng chí Đặng Hồng Sơn, học sinh Trường Trung học phổ thông Chu Văn An (Hà Nội) nhập ngũ năm 1965. Năm 1968, đồng chí bị địch bắt, giam tại Trại giam Hố Nai (Biên Hòa), sau đó đày đi Trại giam tù binh Phú Quốc và hy sinh ngày 20-2-1971. Hay đồng chí Lâm Văn Bảng, công nhân Sở Giao thông Hà Đông, đã trích máu viết đơn xin vào Nam chiến đấu năm 1965. Ông bị địch bắt giam tại Trại giam Chí Hòa, Hố Nai (Biên Hòa), Phú Quốc và được trao trả ngày 18-2-1973.

hoa-lo.jpg
Các nhân chứng lịch sử ôn lại lịch sử qua các hình ảnh, hiện vật. Ảnh: Hoàng Lân

Ở nội dung này còn có những hình ảnh các thanh niên xung phong Đoàn 559 (thành lập ngày 19-5-1959) phá núi mở đường, bảo đảm mạch máu giao thông cho bộ đội vào Nam.

Nội dung trưng bày thứ hai – “Mở đường thống nhất” – là những hình ảnh cam go của cuộc kháng chiến nhưng tinh thần của quân và dân ta vẫn giữ vững. Từ năm 1968, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân đã tạo bước ngoặt lớn, chuyển chiến tranh cách mạng miền Nam sang thời kỳ giành thắng lợi quyết định. Tháng 12-1972, Chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” giành thắng lợi, buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán, ký kết Hiệp định Paris, tạo ra bước ngoặt mới trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc – là tiền đề để giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Ở phần trưng bày “Đất nước trọn niềm vui” là hình ảnh chiến thắng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong cuộc Tổng tấn công mùa Xuân năm 1975 giành thắng lợi. Ngày 30-4-1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh đã giành thắng lợi hoàn toàn, kết thúc cuộc kháng chiến cứu nước lâu dài, gian khổ trong lịch sử chống ngoại xâm của nhân dân Việt Nam. Trên khắp phố phường ngập tràn sắc đỏ cờ hoa. Những gương mặt rạng rỡ, những cái ôm siết chặt vui mừng đón ngày hội lớn.

Nối tiếp trang sử tự hào

Có mặt tại trưng bày, ông Lâm Văn Bảng, chiến sĩ cách mạng năm xưa từng viết huyết thư vào chiến trường miền Nam chiến đấu chia sẻ: “Khi xem các hiện vật và hoạt cảnh, những ký ức ngày xưa lại ùa về. Tôi nhớ về thời thanh niên sôi nổi, lòng đầy tâm huyết được góp sức chiến đấu vì miền Nam thân yêu. Lớp thanh niên chúng tôi ngày đó ai cũng sôi sục tinh thần cách mạng với quyết tâm cao giành độc lập dân tộc. Sau này, cũng với tinh thần vì Tổ quốc, vì đồng đội và vì thế hệ trẻ, tôi lại tiếp tục vào Nam, ra Bắc sưu tầm lại các hiện vật, tư liệu về cuộc kháng chiến giành độc lập của dân tộc”.

hoa-lo-4.jpg
Hoạt cảnh tái hiện câu chuyện về công tác cứu hộ 8 thanh niên xung phong tại đường 20 Quyết Thắng thuộc xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình bị mắc kẹt trong hang đá vào năm 1972 khiến nhiều người xem xúc động. Ảnh: Hoàng Lân

Đến nay, dù đã hơn 80 tuổi, mang trên mình thương tật 1/4, nhưng với tinh thần luôn sẵn sàng, trong nhiều năm qua, ông Lâm Văn Bảng vẫn đang cùng đồng đội đi đến các tỉnh thành, sưu tầm được hơn 5.000 kỷ vật, xây dựng Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tại quê nhà Phú Xuyên (Hà Nội).

“Mong ước lớn nhất của tôi khi xây dựng Bảo tàng là để cho thế hệ trẻ không bao giờ quên lịch sử dân tộc, từ đó thêm trách nhiệm với đất nước”, ông Bảng xúc động nói.

Cùng chung niềm xúc động, cô Nguyễn Thị Phương, cựu thanh niên xung phong thuộc Đoàn 559, bồi hồi nhớ lại khoảng thời gian cùng đồng đội “phá núi mở đường” từ năm 1963 – 1968 tại Quảng Bình. “Đó là những năm tháng ác liệt và gian khổ. Chúng tôi thay nhau đào đường, vận chuyển quân nhu, thực phẩm… Những người phụ nữ chân yếu tay mềm đã luôn động viên nhau giữ vững tinh thần chiến đấu, tất cả vì miền Nam”, bà Nguyễn Thị Phương chia sẻ.

hoa-lo-5.jpg
Khúc ca "Đất nước trọn niềm vui" kết thúc nội dung của trưng bày. Ảnh: Hoàng Lân

Trưng bày “Khúc ca hòa bình” mang đến nhiều trải nghiệm thú vị cho người xem. Bên cạnh các hình ảnh, tư liệu, hiện vật, Ban tổ chức còn tái hiện tổ hợp hang đá trên đường Trường Sơn, phần nào tái hiện sinh động cuộc sống gian khổ nhưng kiên cường của những người lính, những y bác sĩ, những chàng trai, cô gái thanh niên xung phong ngày đêm bám trụ nơi rừng thiêng, nước độc, bất chấp hiểm nguy để giữ vững mạch máu giao thông trên tuyến đường huyết mạch.

Ngoài ra, hoạt cảnh tái hiện câu chuyện về công tác cứu hộ 8 thanh niên xung phong tại đường 20 Quyết Thắng thuộc xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình bị mắc kẹt trong hang đá vào năm 1972 khiến nhiều người xem xúc động.

Trưng bày chuyên đề “Khúc ca hòa bình” không chỉ tri ân các anh hùng liệt sĩ, chiến sĩ yêu nước, cách mạng đã hy sinh vì Tổ quốc, mà còn góp phần bồi đắp niềm tự hào dân tộc, khích lệ thế hệ trẻ hôm nay càng thêm tự tin vững bước trên con đường bảo vệ và phát triển đất nước. Trưng bày kéo dài đến hết ngày 31-5-2025.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những ký ức không quên trong trưng bày “Khúc ca hòa bình”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.