Theo dõi Báo Hànộimới trên

Điểm đen rác thải tại huyện Thanh Trì: Chưa được xử lý triệt để

Nguyên Hà| 04/07/2019 08:14

(HNM) - Thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 31-5-2017 của Thành ủy Hà Nội về tăng cường công tác bảo vệ môi trường, thời gian qua UBND huyện Thanh Trì đã kiểm tra 237 đơn vị sản xuất, kinh doanh có hành vi xả thải, gây ô nhiễm môi trường, xử phạt 978 triệu đồng. Thế nhưng, hiện nay tình trạng xả rác sai quy định và đổ trộm phế thải tại các khu đất chưa thực hiện dự án tại Thanh Trì vẫn còn tiếp diễn.

Phế thải lưu cữu trên đường ven sông Hòa Bình, xã Tam Hiệp.

Theo Báo cáo số 339/BC-UBND ngày 10-6-2019 của UBND huyện Thanh Trì về kết quả 2 năm triển khai, thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội, vừa qua UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức 831 đợt ra quân, thu gom, di chuyển trên 2.413 tấn rác thải đến nơi xử lý. Bằng nguồn vốn xã hội hóa, một số ao, hồ trên địa bàn các xã Vĩnh Quỳnh, Đại Áng, Tả Thanh Oai... đã được nạo vét, làm sạch nguồn nước, trả lại môi trường sạch, đẹp cho người dân khu vực.

Thế nhưng, quan sát trên địa bàn các xã Tam Hiệp, Tân Triều, Hữu Hòa…, phóng viên nhận thấy tình trạng xả rác sai giờ, trái quy định của người dân vẫn còn tiếp diễn. Điểm “nóng” nhất về tình trạng này thường tập trung ở một số tuyến đường liên xã như: Phan Trọng Tuệ, đường ven sông Hòa Bình và đê Hữu Hồng qua địa bàn xã Yên Mỹ, Vạn Phúc. Theo bà An Bích Thủy, một người dân sống gần bãi rác trên tuyến đường nối từ thôn Huỳnh Cung đến trụ sở UBND xã Tam Hiệp thì tình trạng người dân xả rác bừa bãi, sai quy định diễn ra từ nhiều năm nay.

Ông Trình Quốc Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hiệp cho biết, do chưa xây dựng được điểm tập kết, trung chuyển rác của địa phương nên người dân đem rác đến đây tập kết tạm. Từ nhiều tháng nay, đơn vị thu gom chưa vận chuyển kịp thời khiến rác thải tồn đọng. Cứ vài ngày các hộ liền kề bãi rác lại phải tự xử lý bằng cách châm lửa đốt. Rác cũ cháy chưa hết, lại có rác mới bổ sung, khiến cho tuyến đường này lúc nào cũng mù mịt khói bụi, bốc mùi khét lẹt.

Bên cạnh những điểm "nóng" về rác thải đang tồn tại, tình trạng đổ trộm phế thải vẫn phát sinh ở một số địa phương. Đơn cử, như tại khu đất thực hiện Dự án xây dựng ga Hà Nội tại xã Ngọc Hồi, nhiều chỗ lượng phế thải chất cao như "núi".  Ông Nguyễn Việt Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Hồi cho biết, do Dự án xây dựng ga Hà Nội chưa triển khai nên lợi dụng đêm tối, các lái xe chở phế thải xây dựng đến đây đổ trộm. UBND xã đã lập tổ tuần tra ngăn chặn nhưng lực lượng mỏng, khu đất rộng nên rất khó kiểm soát. UBND xã cũng đã đề nghị Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thanh Trì là đơn vị đang quản lý đất tại dự án này quây tôn xung quanh khu đất để ngăn chặn, nhưng đến nay chưa thực hiện được.

Theo ông Nguyễn Văn Hưng, Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Thanh Trì: Để nâng cao nhận thức giữ gìn vệ sinh nơi công cộng tới toàn thể nhân dân, từ năm 2017 đến nay, UBND huyện Thanh Trì đã cho lắp đặt 11 pa nô, phát hành hơn 116 nghìn tờ rơi tuyên truyền trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Huyện Thanh Trì lấy tiêu chí vệ sinh môi trường để chấm điểm thi đua, xây dựng làng, xã văn hóa. Từ đầu năm 2019, UBND huyện Thanh Trì đã áp dụng công nghệ gửi hình ảnh vi phạm qua mạng Zalo chung của Ban Chỉ đạo 197 huyện và lãnh đạo công an, chính quyền 20 xã, thị trấn. Mặc dù Thanh Trì đã có nhiều biện pháp khắc phục, nhưng tình trạng tồn đọng rác thải, xả rác không đúng nơi đúng chỗ, sai giờ quy định và nạn đổ trộm phế thải trên địa bàn một số địa phương vẫn còn tái diễn, chưa được khắc phục triệt để.

Có thể thấy rõ vi phạm tồn tại ở các xã: Tam Hiệp, Tân Triều, Ngọc Hồi... Để giải quyết dứt điểm tình trạng này, đề nghị huyện Thanh Trì cần đẩy mạnh hơn nữa công tác kiểm tra, chỉ đạo các xã, thị trấn và lực lượng chức năng xử lý nghiêm vi phạm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Điểm đen rác thải tại huyện Thanh Trì: Chưa được xử lý triệt để

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.