Còn hơn chục ngày nữa là đến Tết âm lịch. Như thường lệ, các dịch vụ thuê người vệ sinh, lau dọn nhà cửa bắt đầu nhộn nhịp. Không chỉ các công ty làm dịch vụ này đắt khách mà những người làm tự do cũng chạy không hết việc.
Nhu cầu tăng gấp 3 ngày thường
Ngày Tết càng đến gần, các công ty có dịch vụ lau dọn nhà cửa càng tất bật. Hầu hết các nhân viên đều phải làm tăng ca mà vẫn không thể đáp ứng kịp nhu cầu dọn dẹp, lau chùi nhà cửa để đón Tết của khách hàng.
Anh Hoàng Văn Thành, Giám đốc Công ty vệ sinh Mai Hoàng, cho biết những ngày này, điện thoại công ty luôn nóng ran bởi số người gọi đến thuê dọn vệ sinh nhà cửa tăng cao, gấp hơn 3 lần so với ngày thường.
“Mùa Tết, việc nhiều, biết là có tiền đó mà sức người không xuể. Hơn 60 công nhân của tôi, ngày thường chỉ làm việc 6 - 8 tiếng, những ngày này phải tăng thêm 2 tiếng/ngày mà cũng không hết việc. Chúng tôi phải từ chối rất nhiều đơn hàng do làm không xuể, chỉ nhận làm cho những khách hàng quen”, anh Thành nói.
8h tối ngày 10/1, vẫn đang lau dọn cho nhà khách hàng quen tại khu đô thị Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội, chị Thu (42 tuổi, ở Lập Thạch, Vĩnh Phúc) cho biết, ngày bình thường, một lao công thường chỉ làm 3 ca: từ 7 - 12h, 1h30 - 5h, 5h30 - 9h đã là quá sức, nhưng những ngày áp Tết, lao công liên tục tăng ca, 4 - 5 ca/ngày vẫn không hết việc. Mỗi ca thường kéo dài 2 - 3 tiếng, chưa kể thời gian di chuyển giữa mỗi nhà.
“Như hôm nay, đây là ca thứ 4 của tôi. Do trước đó làm cho một căn hộ chung cư xong sớm nên ông chủ nhận thêm khách hàng này. 7h tối mới tới nơi, nhìn mà đã hoảng bởi căn hộ 4 tầng lừng lững. Với những nhà cao tầng như thế này, làm ít nhất cũng phải 3 tiếng mới xong việc”, chị Thu nói.
“Công việc vô cùng vất vả, mất sức. Mới đó đã gắn bó với nghề được 7 năm. Dù công việc vất vả, thu nhập chỉ ngang bằng với làm osin trông trẻ ở gia đình nhưng tôi vẫn phải lựa chọn, bởi nghề này thời gian chủ động hơn, cũng thuận lợi hơn. Riêng tháng Tết, thu nhập có thể gấp đôi tháng thường, khoảng 5 - 6 triệu/tháng. Nhưng có lẽ tôi cũng chỉ trụ hết được năm nay. Nghề này mất sức lắm, càng nhiều tuổi càng ngại. Dầm nước lâu tay lúc nào cũng trắng bệch, chân tay bải hoải. Hết Tết tôi sẽ cùng chồng vào miền Nam làm thuê cho cửa hàng của người cùng quê”, chị Thu tâm sự.
“Mệt bã người nhưng vẫn phải cố. Ngày thường khách hàng trả 25.000 đồng/1 giờ làm. Ngày Tết tuy công ty không yêu cầu tăng giá nhưng người thuê thường hào phóng hơn, có khi trả 30-35 ngàn/giờ. Vì thế dù mệt mỏi nhưng chẳng lao công nào xin nghỉ Tết sớm. Thường hết ngày 27-28 âm lịch mới tất bật đón xe về quê, mang theo những đồng tiền mồ hôi nước mắt để lo cho gia đình cái Tết ấm cúng”, chị Liên, một lao công làm việc tự do tại phường Ô Chợ Dừa (Đống Đa, Hà Nội) cho biết.
Những người lao công làm công việc dọn dẹp nhà cửa chủ yếu là phụ nữ. Họ đến từ Vĩnh Phúc, Nam Định, Thanh Hóa... Căng mình làm việc đến hết ngày 27 Tết mới về quê lo Tết cho gia đình. “Nhận việc nhiều, biết là mang lại thu nhập khá hơn cho công nhân, nhưng cũng thương những người lao động vất vả, trời rét lạnh nhưng cũng không dám tăng giá dịch vụ lau dọn vì sợ khách hàng nghĩ mình lợi dụng”, anh Thành chia sẻ.
Nhọc nhằn lao công
Tại các khu chung cư mới hoàn thiện chuẩn bị đưa vào sử dụng, các tốp công nhân lau chùi vệ sinh làm việc liên tục cũng không kịp nhu cầu của khách hàng. Nhiều người dân phải bỏ thêm tiền để thuê đội vệ sinh từ các tòa nhà khác với giá rất “chát”, khoảng 3 triệu đồng cho một căn hộ.
Chị Vy (tại 170 Đê La Thành) phải nhờ người quen giới thiệu thuê đội vệ sinh của một công ty chuyên dọn dẹp cho khu chung cư cao cấp ở Láng Hạ với giá 5 triệu đồng/căn hộ vừa xây dựng xong, cần dọn dẹp sạch để chuyển về.
“Đắt là thế nhưng còn gọi mãi không được vì họ luôn kín lịch, phải nhờ khách hàng quen của họ gọi thuê mới thu xếp được một ngày lau dọn cho nhà mình kịp chuyển về trước Tết. Mà cũng phải hẹn đi hẹn lại vài lần họ mới làm cho được”, chị Vy cho biết.
“Số tiền mà ông chủ nhận khách hàng thì nhiều, nhưng trả công nhân chúng tôi có được bao nhiêu. 5 chị em làm việc 8 tiếng/ngày, cơm trưa phải tự mang đi ăn, mỗi ngày được trả 130 ngàn. Lắm lúc cũng muốn bỏ ra làm riêng vì mình làm lâu năm, lắm mối, nhưng ngặt nỗi khi làm riêng giờ giấc lại thất thường, trong khi chị em ở đây ai cũng có con nhỏ nên vẫn bám trụ, dù mức thu nhập thấp hơn nhiều so với làm tự do”, chị N., một công nhân vệ sinh, cho biết.
“Mình làm 10 tiếng/ngày, vất vả thật nhưng cũng không bằng cánh nam giới lau dọn vệ sinh cửa kính các nhà cao tầng. Hôm tôi đến lau dọn tại một căn hộ tại 170 Đê La Thành, hơn 7h sáng, trời rét căm căm, mưa lất phất lạnh buốt đã thấy mấy công nhân vệ sinh treo mình lơ lửng lau cửa kính từ tầng 22 xuống. Nhìn mà rùng mình”, chị N. nói thêm.
“Gặp” được một công nhân vệ sinh kính tại tầng 10 của một tòa nhà chung cư, anh này chia sẻ mỗi ngày làm việc vất vả và nguy hiểm, giữa tiết trời rét buốt như vậy, họ được trả công 150 nghìn đồng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.