Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dịch vụ ứng dụng trực tuyến đắt hàng

Khánh Linh| 16/02/2020 13:03

(HNNN) - Dịch bệnh do vi rút corona chủng mới (Covid-19) gây ra đã ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch kinh doanh ở nhiều doanh nghiệp, cơ sở. Các siêu thị, cửa hàng ăn uống... rơi vào cảnh vắng vẻ vì người dân hạn chế tới nơi đông người. Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp đã đẩy mạnh kênh bán hàng online thông qua các mạng xã hội như Facebook, Zalo và các ứng dụng điện tử khác để tìm kiếm khách hàng.

Những ngày vừa qua, số lượng đơn hàng đặt mua qua mạng, yêu cầu giao hàng tận nơi thông qua shipper đã tăng rõ rệt.

Mua sắm online được ưa chuộng

Dịch bệnh do vi rút Covid-19 khiến các trung tâm thương mại, cửa hàng rơi vào cảnh đìu hiu. Anh Lương Trần Khánh, nhân viên cửa hàng KFC tại Trung tâm thương mại BigC chia sẻ: “Bình thường, vào dịp cuối tuần người dân đổ về Big C vui chơi, mua sắm rất đông, nhưng mấy hôm nay rất vắng khách. Dịch viêm phổi cấp do vi rút Covid-19 khiến mọi người ít đến trung tâm thương mại để vui chơi giải trí, mua sắm. So với cùng kỳ năm trước, hiện doanh thu của cửa hàng chỉ bằng một nửa”.

Tuy nhiên, hình thức đặt hàng online lại “lên ngôi”. Anh Lương Trần Khánh cho biết: “Mặc dù lượng khách đến cửa hàng giảm nhưng trong những ngày vừa qua, số lượng đơn hàng đặt mua qua mạng, yêu cầu giao hàng tận nơi thông qua shipper đã tăng rõ rệt. Trong đó, có nhiều đơn hàng đặt mua số lượng lớn, giao hàng tại nhà, công ty thay vì đến cửa hàng như trước đây”.

Bên cạnh mặt hàng đồ ăn nhanh, khảo sát thực tế trên thị trường mua sắm trực tuyến cho thấy, tất cả kênh mua sắm này đều dành vị trí ưu tiên hàng đầu để giới thiệu những sản phẩm thuộc ngành hàng dược phẩm, vệ sinh cá nhân, chăm sóc nhà cửa, thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu... Nhanh chóng nắm bắt xu thế này, các trung tâm thương mại lớn đã nhanh chóng phát triển kênh bán hàng online nhằm tiêu thụ hàng hóa.

Mới đây, tại buổi kiểm tra việc dự trữ hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong thời gian diễn ra dịch bệnh do vi rút Covid-19, do Bộ Công thương và Sở Công Thương Hà Nội tổ chức, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Central Retail Nguyễn Thị Phương cho biết, nhằm tạo thuận lợi cho người dân mua sắm hàng hóa mà không cần trực tiếp đến siêu thị, Big C đang tăng cường hình thức mua sắm online để người tiêu dùng có thể ngồi nhà mà vẫn nhận được lương thực, thực phẩm, đồ tiêu dùng hằng ngày khi có nhu cầu, không cần phải tích trữ khiến thực phẩm giảm sự tươi ngon.

Bà Nguyễn Kim Dung, Giám đốc Siêu thị Co.opmart Hà Đông (quận Hà Đông) cũng cho biết, để hạn chế đông người, siêu thị Co.opmart Hà Đông đã triển khai bán hàng qua mạng và đưa hàng tận nơi đối với khách ở khu vực nội thành và đơn hàng từ 200 nghìn đồng trở lên. Phương án này sẽ giúp các hộ dân mua sắm thuận tiện hơn, giảm sự đi lại trong thời gian dịch bệnh. Cùng với đó, để kích thích người tiêu dùng tăng mua qua kênh trực tuyến, một số sàn thương mại điện tử đã chọn hình thức hợp tác cùng siêu thị với nhiều hình thức ưu đãi được thực hiện trong suốt tháng 2-2020.

Dịch vụ ứng dụng trực tuyến đắt hàng

Ngại xếp hàng, lo lắng trước nguy cơ lây nhiễm chéo, đó là tâm lý của nhiều người khi tới khám tại bệnh viện. Đây là lý do mà dịch vụ lấy mẫu xét nghiệm tại nhà được nhiều gia đình lựa chọn. Lượng người sử dụng dịch vụ lấy mẫu xét nghiệm tại nhà của Bệnh viện đa khoa Medlatec, Thu Cúc, Hồng Ngọc... tăng mạnh. Rất đông khách hàng gọi đến tổng đài, ứng dụng di động và đặt dịch vụ xét nghiệm tại nhà.

Bác sĩ Ngô Văn Vinh (chuyên khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện đa khoa Medlatec) nhận định: “Khi chuyển mùa, thời tiết thay đổi tạo điều kiện thuận lợi cho vi rút, vi khuẩn gây bệnh, trong đó có bệnh cúm. Nguy hiểm hơn là những bệnh cúm thường gặp lại có triệu chứng ban đầu tương tự bệnh cúm do vi rút Covid-19 gây ra, khiến người dân hoang mang. Chính vì thế, việc sử dụng dịch vụ xét nghiệm tận nơi với nhiều tiện ích để chẩn đoán bệnh được nhiều người lựa chọn nhằm tránh lây nhiễm chéo, đỡ phải xếp hàng chờ đợi trong mùa dịch bệnh”.

Hiện nay, nhiều công ty đã tạm ngừng việc chấm công qua máy quét vân tay và chuyển sang chấm công bằng điện thoại nhằm hạn chế nhiều người tiếp xúc tay vào cùng một thiết bị. Ông Trần Viết Quân, nhà sáng lập ứng dụng Tanca.io - cung cấp giải pháp chấm công qua điện thoại, xác nhận số lượng khách hàng liên hệ tăng mạnh trong thời gian gần đây.

Bên cạnh đó, khi học sinh phải nghỉ học vì dịch viêm phổi cấp do vi rút Covid-19, nhiều trường học và phụ huynh đã hướng dẫn con em sử dụng ứng dụng học trực tuyến nhiều hơn. Điều này khiến lượng truy cập các ứng dụng có sự tăng đột biến, và đó chính là cơ hội “vàng” để các nhà cung cấp tiếp cận người dùng.

Tại Hà Nội, Trường Tiểu học & THCS Pascal; Trường Tiểu học, THCS và THPT Vinschool... đã triển khai phương án dạy và học trực tuyến thông qua hệ thống phần mềm dữ liệu bài giảng điện tử vio.edu.vn. Còn tại Trường Vinschool, trong thời gian nghỉ, giáo viên chủ nhiệm phải tổng hợp kế hoạch học tập trong tuần cùng bài tập ôn luyện kiến thức đăng tải trên ứng dụng “Vinschool Parents” để phụ huynh hướng dẫn con chủ động nghiên cứu tài liệu, học tập tại nhà. Trường Wellspring tăng cường các kênh dạy học và tương tác online đã được sử dụng song song với dạy học trực tiếp như: Google Classroom, Google Site, Class Dojo, Microsoft Office 365 teams, Quizizz, Facebook social, Learning Kahoot...

Những kênh học tập trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin này cho phép học sinh ở nhà nhưng vẫn có thể nhận nhiệm vụ, được hướng dẫn tương tác, cung cấp kiến thức... Ông Lê Thanh Quân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học & THCS Newton 5 chia sẻ: “Chúng tôi quyết định sử dụng VioEdu do hệ thống này giúp phụ huynh theo dõi được tiến trình học tập của con, hỗ trợ khá nhiều cho nhà trường, giáo viên, phụ huynh và học sinh trong quá trình dạy và học tại nhà”.

Có thể nói, tinh thần trách nhiệm, sự nhạy bén của các doanh nghiệp với sự hỗ trợ của ứng dụng điện tử đang góp phần giảm bớt những bất tiện trong cuộc sống, hạn chế nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng khi xuất hiện dịch bệnh nguy hiểm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Dịch vụ ứng dụng trực tuyến đắt hàng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.