Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dịch vụ trông giữ trẻ - “Thả nổi” đến bao giờ ?

Hà Minh Luân| 05/01/2013 07:32

(HNM) - Khi các trường mầm non công lập thường xuyên quá tải thì dịch vụ trông giữ trẻ thừa dịp


Theo Ban Quản lý các KCX và KCN TP Hồ Chí Minh (HEPZA), đến nay lao động nhập cư vào địa phương này chiếm tới 70% số công nhân. Trong đó, tỷ lệ công nhân nữ là 63,6%, với khoảng 80.000 người có con từ 1 đến 5 tuổi. Đa số công nhân nhập cư do phải trang trải các khoản chi phí nhà trọ, chi phí sinh hoạt, nuôi con… nên hầu hết chọn giải pháp gửi con tại các điểm trông giữ do tư nhân tổ chức. Đáng lưu ý, phần lớn công nhân không có hộ khẩu thường trú tại TP Hồ Chí Minh nên rất khó xin vào trường công, do đó cũng tìm tới các cơ sở giữ trẻ bên ngoài.


Trường mầm non bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định chiếm tỷ lệ không nhiều tại TP Hồ Chí Minh.

Hiện số cơ sở giữ trẻ tư nhân, nhóm trẻ gia đình, lớp tư thục tại TP Hồ Chí Minh thống kê được vào khoảng gần 300 điểm và trên 900 nhóm trẻ, lớp dân lập. Dù góp phần không nhỏ trong việc giảm tải cho trường công nhưng sự tăng lên ồ ạt loại hình giáo dục này cũng gây sức ép đối với năng lực quản lý của chính quyền cơ sở. Thời gian qua TP Hồ Chí Minh đã phát hiện nhiều hệ lụy từ các cơ sở giữ trẻ không phép. Cụ thể, tại Trường Mầm non tư thục Thiên Thơ (quận Phú Nhuận) xảy ra trường hợp bé Đỗ Ngọc Bảo Trân (18 tháng tuổi) được đưa vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng tim ngừng đập. Gia đình bé sau đó nghi ngờ miệng bé bị dán băng dính làm ngạt thở. Tại Trường Mầm non Hoa Lan, (quận Tân Phú) cũng phát hiện bảo mẫu nhốt bé Lê Quang Vinh (5 tuổi) vào thang máy chuyên dùng chở thức ăn vì bé không chịu ăn cơm…

Trước các bất cập trên, nhiều DN đã thí điểm tổ chức những mô hình giữ trẻ cho công nhân, như Trường Mầm non Ánh Dương Samho của Công ty TNHH Việt Nam Samho với 8 phòng học, 1 nhà bếp, 1 kho hàng và 1 phòng y tế, đáp ứng nhu cầu trông giữ được 300 trẻ. Công ty TNHH May thêu - chế biến thực phẩm Hà Giang tổ chức lớp giữ trẻ cho con em công nhân hoàn toàn miễn phí ngay tại khuôn viên của DN giúp người lao động vừa tiết kiệm kinh phí, vừa được chăm sóc con. Mặt khác, công nhân tăng ca đến giờ nào thì trẻ được giữ đến giờ ấy, kể cả thứ bảy lẫn chủ nhật. Tuy nhiên, hiện các mô hình này vẫn chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Theo quy hoạch phát triển mạng lưới trường học, TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu cấp phép cho 1.014 trường mầm non vào năm 2020. Tuy nhiên, số trường mầm non có cấp phép và chịu sự quản lý của cơ quan chức năng từ năm 2003 đến 2010 mới chỉ tăng 111 trường, chưa đạt 30% chỉ tiêu đề ra. Bên cạnh đó, dự kiến đến năm 2020, TP Hồ Chí Minh sẽ có thêm 10 KCX-KCN. Nếu mỗi KCX-KCN dành 5.000m2 đất để xây trường mầm non thì tương ứng với 700 trẻ được tiếp nhận. Như vậy, với 15 KCX, KCN thì TP Hồ Chí Minh sẽ có 9.100 trẻ được tiếp nhận nhưng cũng chỉ đáp ứng được trên 10% số trẻ trong độ tuổi mầm non.

Trước thực trạng trên, bà Mai Thị Quế (Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh) khuyến nghị, các ban ngành chức năng cần phải củng cố hệ thống, mạng lưới bảo vệ trẻ em một cách rộng khắp và phát triển cung cấp dịch vụ, chăm sóc trẻ em, nâng cao mức trợ cấp xã hội và mở rộng đối tượng hưởng thụ, đặc biệt là con em công nhân tại các KCX- KCN.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dịch vụ trông giữ trẻ - “Thả nổi” đến bao giờ ?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.