Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dịch vụ thừa phát lại: Vẫn thiếu văn bản hướng dẫn cụ thể

Hà Phong| 04/07/2015 05:57

(HNM) - Chỉ chưa đầy 6 tháng nữa, việc thí điểm mở rộng chế định thừa phát lại (TPL) theo Nghị quyết của Quốc hội sẽ kết thúc.

Kết quả thực hiện tại Hà Nội đến thời điểm này cho thấy, đây là một hướng đi đúng, hỗ trợ tích cực cho các hoạt động tư pháp tiến hành nhanh, hiệu quả hơn, góp phần giảm tải công việc của khối tư pháp, trước hết là tòa án và cơ quan thi hành án dân sự. Tuy nhiên, làm thế nào để TPL thực sự phát huy hiệu quả vẫn là bài toán nan giải.

Dịch vụ lập vi bằng hút khách

Gần đến thời điểm kết thúc thí điểm dịch vụ TPL, Sở Tư pháp TP Hà Nội cho biết, số lượng vi bằng được các tổ chức, cá nhân sử dụng tăng lên với sự đa dạng về nội dung, yêu cầu. Trong đó, nhiều trường hợp tổ chức chính quyền dùng dịch vụ lập vi bằng của TPL để thu hồi, giải phóng mặt bằng… Dịch vụ xác minh điều kiện thi hành án và trực tiếp tổ chức thi hành án cũng nhận được sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân, đặc biệt một số ngân hàng đã tin tưởng và giao công việc này cho TPL.

Tuy nhiên theo khảo sát, dù khối lượng việc tăng lên nhưng lượng khách, số hồ sơ giao dịch đang có tỷ lệ nghịch với tiềm năng, nhân vật lực của nhiều văn phòng TPL hiện có, do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Lý giải cho tình trạng này, Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự (THADS) Hà Nội Chu Quang Tiến khẳng định, hoạt động của TPL chưa đạt hiệu quả như mong muốn một phần vì năng lực. Nhiều trường hợp tống đạt văn bản không đạt yêu cầu khiến chấp hành viên phải đi thực hiện lại. Ví dụ giao văn bản cho người khác nhận thay nhưng biên bản không ghi rõ là ai trong khi Luật THADS quy định rất rõ những đối tượng nào được nhận thay và có trách nhiệm cam kết phải giao cho người được tống đạt. Thêm vào đó, thời gian tống đạt của TPL cũng còn chậm, trả kết quả cũng chậm. Gặp các trường hợp đương sự cố tình không nhận văn bản hoặc không tống đạt trực tiếp được thì TPL rất lúng túng, xử lý không đúng quy định. Đặc biệt, một số văn phòng TPL chưa thật tích cực chủ động trong việc triển khai ký hợp đồng tống đạt và thực hiện tống đạt văn bản vì cho rằng chi phí tống đạt thấp trong khi trình tự, thủ tục tống đạt đòi hỏi chặt chẽ, trách nhiệm cao.

Về phía TAND TP Hà Nội, Chánh án Nguyễn Tuấn Vũ lại cho rằng, TPL hoạt động khó khăn một phần còn do phân chia địa hạt tống đạt chưa thật sự phù hợp. Đơn cử như, Văn phòng TPL Hoàn Kiếm có trụ sở tại quận Hoàn Kiếm được tống đạt các văn bản tố tụng của TAND TP Hà Nội và một số quận, huyện, trong đó có cả Ba Vì. Trong trường hợp này, Tòa án huyện Ba Vì khi phải tống đạt giấy triệu tập cho đương sự cư trú trên địa bàn thì chỉ cần đến trực tiếp sẽ nhanh hơn là chuyển cho Văn phòng TPL Hoàn Kiếm, phải mất nhiều ngày sau mới nhận lại biên bản tống đạt. Do vậy, các đơn vị này chưa triển khai được việc ký hợp đồng với Văn phòng TPL.

Cần đẩy mạnh tuyên truyền

Phân tích, đánh giá của các đơn vị có trách nhiệm phối hợp với TPL để giảm tải công việc của chính ngành mình cho thấy, một trong những vấn đề nổi lên là dịch vụ này còn quá mới, bản thân TPL không thể hoạt động thành công nếu tòa, cơ quan thi hành án… chưa thực sự hợp tác, không cung cấp văn bản, giấy tờ, chi phí. Ở chiều ngược lại, các văn phòng TPL cũng phải tự nâng cao năng lực, tính chuyên nghiệp, không được chọn việc theo kiểu "dễ làm, khó bỏ", dần khẳng định vai trò cần thiết của mình trong đời sống kinh tế - xã hội.

Song song với đó, tuyên truyền để người dân và các tổ chức biết đến dịch vụ này nhiều hơn là việc làm phải được ưu tiên hàng đầu và thường xuyên. Theo kết quả khảo sát của Ban Chỉ đạo thí điểm chế định TPL trung ương năm ngoái ở một số địa bàn nơi đặt văn phòng TPL tại Hà Nội cho thấy, tỷ lệ người dân biết về chế định TPL là 58%. Tuy nhiên, theo ghi nhận chưa đầy đủ thì tính đến tháng 5 năm nay, tỷ lệ người dân biết về chế định này chỉ là 53%. Tỷ lệ này cũng không đồng đều giữa các quận, huyện.

Trưởng Văn phòng TPL Ba Đình Nguyễn Văn Lạng cũng đồng tình với nhận xét trên và cho biết, bản thân nhiều cán bộ trong các cơ quan nhà nước cũng chưa biết, chưa hiểu TPL làm gì. Trong khi đó, nhiệm vụ của TPL khá đa đạng, từ tống đạt văn bản tố tụng, xác minh tài sản của đương sự, tự tổ chức thi hành án (được hiểu là thi hành án tư - PV), lập vi bằng xác nhận ghi lại hành vi, sự kiện được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác…

Bên cạnh đó, do đang trong thời gian thí điểm nên các văn bản quy định của pháp luật về tổ chức hoạt động của TPL còn chưa đầy đủ, đồng bộ, cần tiếp tục có những tháo gỡ về mặt cơ chế, chính sách. Đơn cử, đối với việc lập vi bằng, TPL vẫn đang trong cảnh vừa làm vừa "mò mẫm".

Nhằm hạn chế việc khiếu nại, tranh chấp khi Sở Tư pháp từ chối đăng ký vi bằng do TPL lập, rất cần có văn bản hướng dẫn cụ thể để có cơ sở xác định cụ thể về phạm vi, thẩm quyền lập vi bằng của TPL, vì pháp luật hiện chưa quy định cụ thể về hình thức, nội dung vi bằng cũng như hạn chế một số việc không được lập vi bằng…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dịch vụ thừa phát lại: Vẫn thiếu văn bản hướng dẫn cụ thể

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.