(HNM) - Taxi là loại phương tiện vận tải khá phổ biến ở nhiều thành phố. Dù các cơ quan chức năng đã cố gắng siết chặt quản lý để bảo vệ quyền lợi hành khách nhưng hiệu quả chưa như mong muốn. Không chỉ taxi
Hành khách không còn là "thượng đế"
Nhiều hãng taxi vẫn kinh doanh theo kiểu “ăn xổi, ở thì”. Ảnh: Phương An
Đó là thực tế mà nhiều hành khách phải chịu đựng mỗi khi dịch vụ taxi "đắt khách". Dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội vừa qua, lượng du khách về Thủ đô rất lớn, nhu cầu sử dụng taxi tăng cao. Lái xe taxi được thể chọn khách và ra giá từng chặng khi khách vừa lên xe. Bất kể là người Hà Nội hay khách phương xa, vừa mở cửa, lái xe đã hỏi chặng đi và làm giá ít nhất gấp đôi so với bình thường. Anh Phạm Quý Thăng, từ Sa Pa về Hà Nội cho biết, đứng ở Hồ Gươm vẫy mỏi tay mới bắt được một chiếc taxi để sang cầu Chui. Dù chỉ khoảng 5km, nhưng vẫn phải chấp nhận trả 100 nghìn đồng. Rất nhiều người đi taxi trong dịp đó cũng lâm vào cảnh tương tự.
Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT Hoàng Văn Mạnh thừa nhận có tình trạng trên, đồng thời cho biết, thành phố có 113 hãng taxi đăng ký hoạt động với gần 13 nghìn xe. Trong thực tế, việc bắt quả tang xe taxi dừng, đỗ sai quy định để xử phạt đã không dễ, bắt quả tang lái xe thu cước cao hơn giá quy định càng khó, bởi hành khách đã tự thỏa thuận với lái xe và không báo cho lực lượng chức năng xử lý, dù có số đường dây nóng: 04.38217922 tiếp nhận thông tin. Trước đó, Thanh tra GTVT đã tổ chức kiểm tra việc chấp hành quy định về kinh doanh vận tải bằng taxi và đã tạm giữ 43 xe không chấp hành đúng quy định về kinh doanh. Trong tháng 9, thanh tra đã xử phạt 266 trường hợp vi phạm đủ loại lỗi như: không phù hiệu, đồng hồ tính tiền lắp không đúng quy định, không lắp đồng hồ tính tiền...
Cần quản lý chặt hơn
Có thể nói, hoạt động taxi hiện nay vẫn còn lộn xộn là do việc quản lý các doanh nghiệp (DN) taxi vẫn chưa chặt chẽ, đặc biệt là những DN làm ăn theo kiểu "ăn xổi, ở thì". Những DN dạng này thường đầu tư ít, hoặc lái xe "góp cổ phần" bằng xe. DN đứng ra đăng ký kinh doanh, sau đó "bán" phí bộ đàm, quản lý… và phó mặc mọi chuyện cho lái xe. Với cách thức đó, DN nhìn chung không quan tâm tới xây dựng uy tín thương hiệu. Đó là lý do khi Bộ GTVT ban hành Thông tư 14/2010/TT-BGTVT quy định về tổ chức và quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô, không ít DN phản đối việc các hãng taxi phải sơn cùng một màu, với lý do tốn kém. Trong khi đó việc sơn một màu, có biểu trưng rõ ràng buộc DN phải quan tâm hơn đến thương hiệu. Sơn một màu riêng còn giúp hành khách dễ nhớ được hãng để tìm lại tài sản để quên trong trường hợp lái xe không thật thà.
Theo ông Hoàng Văn Mạnh, chế tài xử lý các lỗi vi phạm Luật Giao thông đã có sức răn đe, nhưng cơ chế quản lý DN hoạt động taxi hiện nay chưa chặt chẽ. Nếu như các hãng lớn quan tâm đến xây dựng uy tín thương hiệu, công tác quản lý lái xe thì những hãng nhỏ hầu như bỏ mặc khâu quản lý dẫn tới taxi hoạt động thiếu lành mạnh, ảnh hưởng đến quyền lợi của hành khách. Theo quy định, khi góp cổ phần bằng xe vào hãng thì lái xe phải chịu sự quản lý, điều hành của hãng, nhưng việc kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm của lái xe tại các DN "ăn xổi, ở thì" kém hơn hẳn so với những hãng lớn. Đáng chú ý, trong đợt kiểm tra mới đây, Thanh tra GTVT đã phát hiện một trường hợp bộ đàm trên xe taxi của hãng ACB không hoạt động. Lái xe cho biết mỗi tháng phải nộp chi phí quản lý, bộ đàm… cho Công ty CP Đầu tư và Phát triển du lịch Á Châu (đơn vị đăng ký kinh doanh) 600 nghìn đồng. Khi bộ đàm ngừng liên lạc, không điều hành, lái xe không thể tìm DN vì trụ sở Công ty đã di chuyển. Thanh tra GTVT Hà Nội gửi giấy triệu tập chủ DN đến làm việc nhưng chủ đã "lặn mất tăm". Cơ quan chức năng chỉ biết thu phù hiệu "xe taxi", cấm dịch vụ taxi đối với phương tiện vi phạm. Rõ ràng, nếu với cách thức quản lý DN nói trên, mọi tội vạ sẽ đổ vào đầu lái xe và chưa biết đến bao giờ hoạt động taxi mới đi vào khuôn phép.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.