Theo quan niệm dân gian, nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng vào những ngày đầu năm là một cách để “dọn đường” đón may mắn. Tuy nhiên, cuộc sống hiện đại khiến những người bận rộn không có thời gian để chăm sóc “tổ ấm” của mình một cách chu toàn. Chính vì thế, dịch vụ lau dọn nhà cửa trong những ngày giáp Tết ra đời, trở thành dịch vụ được nhiều người chọn vào thời điểm cuối năm.
“Cung” không đủ “cầu”
Chỉ còn gần một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Nhiều ngày nay, chị Đoàn Minh Trà (phường Văn Miếu, quận Đống Đa) bắt đầu đăng tin tìm người dọn dẹp, lau chùi nhà cửa. Chị cho biết, ngày thường khi đăng bài tìm người lau dọn nhà qua các trang thông tin, mạng xã hội thì chỉ vài phút sau là có người gọi nhận làm, thế nhưng ở thời điểm hiện tại thì không dễ dàng như thế. “Những ngày cận Tết, thị trường lau dọn nhà “cung” không đáp ứng đủ “cầu”. Năm ngoái, phải mất gần một tuần tôi mới gọi được người đến dọn nhà với mức giá khoảng 100 nghìn đồng/giờ. Năm nay, khan hiếm lao động thế này thì mức chi chắc cao hơn năm ngoái” - chị Minh Trà chia sẻ.
May mắn hơn chị Trà, thời điểm này chị Lương Minh Tâm (phường Kiến Hưng, quận Hà Đông) đã thuê được lao động thời vụ dọn dẹp nhà cửa. “Rút kinh nghiệm những năm trước, năm nay tôi “đặt” sớm một người quen thỉnh thoảng vẫn qua dọn dẹp nhà cửa cho gia đình. Nhà tôi 5 tầng, mỗi tầng 100m2, vì thế, để dọn dẹp, lau chùi cửa kính, cửa sổ, tủ quần áo, bàn ghế, giường, bồn tắm, vệ sinh bếp... thì phải mất 1 ngày mới xong. Ngày thường thì phải trả mức phí 300 nghìn đồng, nhưng giờ gần Tết rồi nên tôi trả mức phí 500 nghìn đồng cho phần việc đó” - chị Minh Tâm bộc bạch.
Nhu cầu dọn nhà trong dịp Tết tăng cao, vì thế, không chỉ những người chuyên làm công việc này mà cả sinh viên, lao động thời vụ cũng tranh thủ buổi tối hoặc cuối tuần làm thêm để tăng thu nhập. Có con đang học đại học tại Hà Nội, bà Nguyễn Thị Thủy (62 tuổi, quê ở huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang) đã theo con lên Thủ đô để làm giúp việc theo giờ. Những ngày gần Tết, bà nhận làm thêm việc dọn dẹp nhà cửa. Bà Thủy chia sẻ: “Những ngày trước Tết, tôi làm từ sáng đến tối mà không hết việc. So với mức thù lao làm giúp việc theo giờ thì dọn dẹp nhà cửa dịp Tết cho thu nhập cao hơn, thường là 100 nghìn đồng/giờ, thậm chí có gia đình trả tiền công từ 150 - 200 nghìn đồng/giờ. Có ngày cao điểm tôi kiếm được 1 - 2 triệu đồng”.
Nguyễn Minh Hà (quê ở Thái Bình, là sinh viên năm thứ 3 Trường Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội) hiện sống ở phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, nhận dọn dẹp nhà cửa trước Tết. “Tôi tranh thủ làm thêm để kỳ nghỉ Tết có tiền phụ thêm bố mẹ sắm Tết. Công việc không quá nặng nhọc, chỉ cần chăm chỉ, chịu khó, tỉ mỉ, thù lao lại cao” - Hà chia sẻ.
Chọn nơi uy tín
Anh Nguyễn Văn Nam (phường Hà Cầu, quận Hà Đông) vẫn còn nhớ như in trải nghiệm không ưng ý trong lần đầu thuê dịch vụ dọn dẹp nhà cửa tại một trung tâm ở gần nhà. Đó là một năm trước, gia đình anh thuê một lao động thời vụ đến dọn dẹp nhà cửa nhưng anh thì bận việc nên phải ra ngoài. Khi anh về nhà thì họ nói đã làm xong, do tin tưởng, anh không kiểm tra lại, thanh toán tiền rồi để họ về. Đến tối, vợ anh về thì thấy sàn nhà vẫn còn bẩn, cửa vẫn còn bụi, bếp chưa sạch. “Đã mất tiền mà nhà cửa vẫn bụi bẩn thì ai chẳng ấm ức. Rút kinh nghiệm, năm nay tôi ở nhà giám sát để kịp thời nhắc nhở lao công”.
Tương tự, cũng vì tin lao công thời vụ mà anh Ngô Minh Tuấn (phường Khương Trung, quận Thanh Xuân) không giám sát công việc của họ, và rồi sự việc đáng tiếc xảy ra. “Hai năm trước, qua mạng xã hội, tôi thuê người đến dọn dẹp nhà cửa mà không giám sát, kiểm tra. Đến khi lao công về rồi vợ tôi mới phát hiện trong nhà mất một chiếc dây chuyền vàng. Lúc đó tôi gọi lại cho họ thì không thể liên lạc được” - anh Tuấn nhớ lại.
Chị Ngô Thị Huế, Phó Giám đốc Công ty giúp việc Thanh Tâm cho biết, những ngày gần Tết, Công ty luôn trong tình trạng quá tải khi số người cần thuê và người tìm việc dọn dẹp nhà cửa đăng ký rất đông. “Gần Tết, mỗi ngày có hàng trăm người đăng ký. Công ty có nhiều gói dịch vụ, có thể là thời vụ, có thể là làm trong giờ hành chính hoặc thuê thường xuyên. Nếu là lao động thời vụ thì mức lương khoảng 120 - 150 nghìn/ngày, theo giờ hành chính thì khoảng 500 - 700 nghìn đồng/ngày. Ngày cận Tết, nhu cầu tăng cao nên với người lao động, làm 10 ngày Tết bằng tiền của cả 1 tháng lương đi làm ngày thường” - chị Huế cho biết.
Cũng theo chị Huế, dịch vụ dọn nhà ngày Tết cũng nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp nên để bảo đảm an toàn, khách hàng nên chọn những trung tâm uy tín, có địa chỉ rõ ràng. “Nếu khách hàng bị mất đồ trong quá trình lao công đến dọn dẹp, hay lao công dọn dẹp chưa sạch thì có thể phản hồi với công ty. Công ty sẽ có trách nhiệm nhắc nhở lao công và cùng tìm hướng giải quyết, bởi giữa công ty với người lao động đã ký hợp đồng rằng buộc về trách nhiệm, điều khoản rõ ràng.
Nếu tìm người dọn dẹp theo giờ trên mạng, qua các hội/ nhóm thì khách hàng dễ rơi vào thế khó xử khi không được bảo đảm về sự an toàn cũng như chất lượng công việc. Chưa kể, trên mạng hiện có nhiều trang thông tin “ma”, lừa đảo khi bắt khách hàng ứng tiền trước nhưng rồi lại “biệt tăm, biệt tích”. Vì thế, khi chọn một trung tâm hay một người dọn dẹp nhà cửa nào đó, khách hàng nên tìm hiểu kỹ, nếu có bất kỳ nghi vấn gì thì không nên thuê” - chị Huế nhấn mạnh.
Tiến sĩ, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, giảng viên Học viện Tài chính, cho biết: Dịch vụ dọn dẹp nhà cửa ngày Tết đã trở nên phổ biến, không chỉ ở khu vực thành phố mà còn ở các miền quê. Có “cầu” thì ắt có “cung”, khi nhiều người mong muốn có ngôi nhà sạch sẽ để đón Tết nhưng lại không có thời gian dọn dẹp thì thuê người làm là giải pháp hợp lý. Dịch vụ này tạo việc làm không chỉ cho người chuyên làm lao công, mà còn cho cả sinh viên, người có thu nhập thấp. Tuy nhiên, Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh cũng lưu ý, trong quá trình tìm người dọn dẹp, chủ nhà cần tìm những người cẩn thẩn, đủ tin tưởng. Muốn vậy thì cần tìm đến những công ty uy tín, chất lượng hoặc qua người quen giới thiệu để không rơi vào tình cảnh “tiền mất, tật mang”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.