Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dịch vụ du lịch ở "phố cà phê đường tàu": Không thể kinh doanh theo kiểu "đùa với tử thần"

Bảo Hân - Tuấn Lương| 09/10/2019 14:46

(HNMO) - Chiều 6-10, một đoàn tàu đi qua "phố đường tàu" Phùng Hưng buộc phải phanh gấp để khách du lịch và người dân có thời gian tìm chỗ tránh tàu có lẽ là sự cố hy hữu với ngành đường sắt Thủ đô. Song, đây chính là lời cảnh tỉnh cho việc đã đến lúc phải kiên quyết xử lý những vi phạm đang diễn ra tại “phố cà phê đường tàu”, không thể kinh doanh theo kiểu "đùa với tử thần".

Bất chấp hiểm nguy, thách thức "tử thần"

Gần một năm trở lại đây, những người lái tàu thuộc Xí nghiệp đầu máy Hà Nội luôn trải qua những tình huống “thót tim” và căng thẳng, vất vả để kéo còi, hãm phanh, giảm tốc độ, thậm chí là phải tạm dừng tàu vì quá đông khách du lịch nhao ra sát đường ray để chụp ảnh dọc tuyến đường sắt chạy qua một số quận nội thành. Trong đánh giá về tình hình vi phạm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) đường sắt tại Hà Nội thời gian qua, Bộ Giao thông Vận tải cũng nêu rõ diễn biến phức tạp khi nhiều người dân và du khách tụ tập để chụp ảnh, ngồi uống cà phê trong lòng đường sắt...

Ông Đoàn Ngọc Cường, Phó Trưởng phòng Kỹ thuật đảm bảo hành lang ATGT đường sắt, Công ty cổ phần Đường sắt Hà Hải cho biết, gần một năm trở lại đây, một số công ty du lịch bắt đầu dẫn khách đến trải nghiệm tại khu vực đường tàu chạy trong lòng một số tuyến phố thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Cùng với đó, các hộ dân hai bên đường tàu ồ ạt mở hàng quán phục vụ du khách, đe dọa lớn đến trật tự, ATGT.

Chiều 8-10, khách du lịch, người bán hàng rong và các quán cà phê vẫn hoạt động khá nhộn nhịp tại "phố cà phê đường tàu" thuộc địa bàn phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm.

Những tấm ảnh “check in” về một khu phố đường tàu độc đáo của Thủ đô bắt đầu được lan truyền trên mạng. Thậm chí, nhiều tờ báo, trang thông tin cả trong và ngoài nước đã giới thiệu nơi đây như một điểm đến trong hành trình du lịch khám phá, trải nghiệm tại Hà Nội và vô tình biến đoạn đường sắt từ ngã tư giao cắt từ phố Phùng Hưng đến phố Điện Biên Phủ trở thành điểm đến của đông đảo người trẻ, du khách trong và ngoài nước. 

Những hộ dân sống ven đường tàu lập tức mở ra hàng loạt dịch vụ “ăn theo” để phục vụ du khách như hàng ăn, cà phê, quầy bán quà lưu niệm… Khi mục đích lợi nhuận được đặt lên trên hết, nhiều hộ kinh doanh đã cơi nới nhà cửa, xây thêm các bục, bệ, treo bảng, biển trái phép, vi phạm nghiêm trọng an toàn hành lang đường sắt. Đặc biệt, hình ảnh nhiều khách hàng được phục vụ cà phê ngay giữa lòng đường tàu hay những “đạo cụ” chụp hình là các gánh hoa, gánh quả... luôn được đặt sẵn trên đường ray để mời chào khách khiến nhiều người không khỏi giật mình về sự coi thường tính mạng con người.

Phần lớn hộ kinh doanh đều "tự tin" cho rằng, họ luôn nắm rất rõ giờ tàu chạy nên việc nguy hiểm cho khách hàng là không có và họ cũng đưa ra nhiều lý lẽ để níu kéo, duy trì “kế mưu sinh” của mình. Tuy nhiên, việc bất chấp nguy hiểm để kiếm sống này chẳng khác nào họ đang đùa giỡn với tính mạng của nhiều du khách, thách thức "tử thần". Hơn thế, đó còn là hành vi vi phạm Luật Đường sắt, gây mất an toàn đường sắt.

Luật Đường sắt nghiêm cấm mọi hành vi lấn chiếm chỉ giới đảm bảo an toàn công trình đường sắt. Luật cũng quy định rõ, việc kinh doanh bất kể loại hàng hóa nào vi phạm đến hành lang an toàn đường sắt đều gây ảnh hưởng lớn đến ATGT cho loại hình vận tải này và đều không được phép. 

Khoảng cách từ nhà dân đến mép đường ray rất hẹp, khi du khách tập trung đông sẽ tiềm ẩn nguy cơ lớn gây tai nạn.

“Không thể vì bất cứ lý do gì mà có thể đánh đổi tính mạng của nhiều người cho việc kinh doanh những dịch vụ như vậy. Tôi mong muốn các lực lượng chức năng của thành phố sớm vào cuộc để ngăn chặn triệt để các hành vi vi phạm này”, bà Nguyễn Thị Định, một người dân sống ngay đầu phố Trần Phú cho biết.

Để kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm Luật Đường sắt, tránh nguy cơ xảy ra tai nạn nghiêm trọng, ngày 7-10, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo quyết liệt: “Chốt hạn” đến ngày 12-10-2019, các đơn vị phải xử lý dứt điểm hành vi vi phạm trật tự ATGT đường sắt, đặc biệt là ngăn chặn, giải tán các tụ điểm tập trung đông người quay phim, chụp ảnh, ngồi uống cà phê trong lòng đường sắt…

Một ngày sau chỉ đạo của UBND thành phố, lãnh đạo Tổng cục Du lịch và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng lên tiếng khẳng định, các hàng quán khu vực đường tàu không phải là điểm du lịch, mà là hoạt động tự phát của một số hộ kinh doanh. Bất cứ điểm đến nào cũng đều phải bảo đảm yếu tố an ninh, an toàn, tuân thủ đúng Luật Giao thông đường bộ và Luật Đường sắt.

“UBND thành phố Hà Nội đã có quyết định rất kịp thời trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông đường sắt. Đây là quyết định đúng đắn và cần thiết để bảo đảm an ninh, an toàn cho người dân và du khách”, ông Nguyễn Thái Bình, Chánh Văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận định. 

Chiều 9-10, trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Trần Hữu Minh, Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cũng bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ quyết định của UBND thành phố Hà Nội.

“Việc xử lý kiên quyết như vậy là hết sức cần thiết và lẽ ra nhiệm vụ này phải làm từ lâu bởi vi phạm đã kéo dài, tiềm ẩn nguy cơ cao gây mất an toàn giao thông đường sắt. Vi phạm ngay từ lúc mới phát sinh nếu không được xử lý kịp thời sẽ ngày càng diễn biến phức tạp, trở thành “điểm nóng” gây khó khăn và lãng phí cho công tác xử lý về sau”, ông Trần Hữu Minh nhấn mạnh.

Kiên quyết thu hồi giấy phép, đóng cửa các điểm kinh doanh

Hoàn Kiếm là một trong 4 quận có tên trong danh sách được yêu cầu xử lý những vi phạm nói trên. Thực tế là tại một số phường thuộc địa bàn quận trung tâm Thủ đô này, các dịch vụ kinh doanh cà phê, bán đồ lưu niệm “đội lốt” lý do phát triển du lịch đang nở rộ nhất.

Theo Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long, ngay khi những loại hình dịch vụ này nở rộ, UBND quận đã chỉ đạo các phường có tuyến đường sắt đi qua phối hợp với Công ty cổ phần Đường sắt Hà Hải, UBND phường Điện Biên (quận Ba Đình), Cục Đường sắt Việt Nam, Đội kiểm tra giám sát số 1, Cục Cảnh sát giao thông tăng cường kiểm tra, tuyên truyền, nhắc nhở người dân, đặc biệt là các hộ kinh doanh cà phê giải khát phục vụ khách du lịch quay phim, chụp ảnh lưu niệm.

Thượng tá Bùi Văn Đang, Phó Trưởng Công an quận Hoàn Kiếm thông tin, hai phường Hàng Bông và Cửa Đông là địa bàn xảy ra nhiều vi phạm lấn chiếm hành lang đường sắt nhất, với khoảng 100 trường hợp vi phạm. Tổ công tác liên ngành của quận thường xuyên lập các đoàn kiểm tra, đơn cử như cuối tháng 5 vừa qua, tổ đã phối hợp với 2 phường Hàng Bông và Cửa Đông liên tiếp ra quân trong nhiều ngày, kiểm tra, xử phạt 68 trường hợp vi phạm hành lang bảo vệ đường sắt với số tiền trên 153 triệu đồng. Tuy nhiên, do mức xử phạt còn nhẹ nên chưa có tính răn đe cao. Đặc biệt, sau khi lập biên bản xử lý, các trường hợp vi phạm được bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý, nhưng do lực lượng mỏng, thiếu sự giám thường xuyên nên nhiều hộ kinh doanh vẫn tiếp tục vi phạm.

Do chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe nên chủ các quán kinh doanh tiếp tục vi phạm.

Thừa nhận thực tế này, Thiếu tá Nguyễn Văn Chương, Phó Đội trưởng Đội CSGT đường sắt cho biết, từ đầu năm 2019 đến nay, lực lượng chức năng ứng trực qua các đường ngang đã xử lý 3.990 trường hợp vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt. Riêng với các quán bán nước, cà phê, đồ lưu niệm thuộc địa bàn hai phường Hàng Bông và Cửa Đông (quận Hoàn Kiếm), dù đã được lực lượng chức năng nhắc nhở, tuyên truyền thường xuyên, đồng thời ký cam kết đảm bảo ATGT đường sắt, nhưng khi vắng bóng lực lượng chức năng, vi phạm vẫn tái diễn...

Trước những ý kiến cho rằng, nếu có cách quản lý phù hợp thì “phố cà phê đường tàu" có thể trở thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn của Thủ đô bởi nét độc và lạ, ông Trần Hữu Minh, Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia khẳng định, không thể tồn tại song song việc kinh doanh với việc bảo đảm an toàn giao thông đường sắt. Nếu kinh doanh thì phải nằm ngoài hành lang an toàn giao thông đường sắt. Mọi hành vi kinh doanh, qua lại ngay trên không gian tàu chạy có thể gây nguy hiểm cần phải chấm dứt.

Cũng theo ông Minh, sau giải tỏa, công tác duy trì chống tái lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt là rất quan trọng, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền địa phương và lực lượng thực thi công vụ. Thực tế, các quy định hiện hành đều có đề cập chức năng, nhiệm vụ của cán bộ, công chức trong việc quản lý địa bàn. Tuy nhiên, quá trình thực thi còn buông lỏng dẫn tới để xảy ra vi phạm. 

Dù được các lực lượng chức năng thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở nhưng cả khách và chủ quán "cà phê đường tàu" vẫn vi phạm.

Phải khẳng định, việc TP Hà Nội và các đơn vị liên quan quyết liệt xử lý các vi phạm hành lang an toàn đường sắt tại "phố cà phê đường tàu" lúc này là cấp thiết. Nhắc lại sự cố đoàn tàu đi qua đường tàu phố Phùng Hưng buộc phải phanh gấp vì một nữ du khách mải chụp hình chỉ cách đầu tàu 3 mét mà không để ý tiếng còi tàu phía sau để thấy, sự may mắn không phải lúc nào cũng đến. Những vụ tai nạn đường sắt cướp đi tính mạng của nhiều người có thể xảy ra bất cứ lúc nào nếu vi phạm không được xử lý triệt để. Vì vậy, đã đến lúc phải chấm dứt việc kinh doanh theo kiểu "đùa với tử thần" này.

Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long khẳng định, trong những ngày tới, lực lượng liên ngành của quận sẽ tăng cường xử lý, kiên quyết ngăn chặn, giải tán các điểm tụ tập đông người quay phim, chụp ảnh, ngồi uống cà phê trong lòng đường sắt, trong đó có việc thu hồi giấy phép kinh doanh đã cấp cho các hộ kinh doanh cà phê, giải khát tại khu vực trên. Các cửa hàng kinh doanh không có giấy phép sẽ bị đóng cửa. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dịch vụ du lịch ở "phố cà phê đường tàu": Không thể kinh doanh theo kiểu "đùa với tử thần"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.