(HNM) - Hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 lĩnh vực tư pháp cấp xã được triển khai đồng bộ tại 416 xã thuộc 18 huyện, thị xã trên địa bàn TP Hà Nội đang từng bước phát huy hiệu quả trong giải quyết thủ tục hành chính.
Đến nay, về cơ bản, các lỗi trục trặc ban đầu như thiếu máy móc (máy tính, máy in, máy quét), đường truyền chậm… đã được Sở Thông tin và Truyền thông, Công ty Nhật Cường khắc phục. Trước đó, cán bộ, công chức đã được tham gia các lớp đào tạo, tập huấn nên việc triển khai dần đi vào nền nếp. Để người dân hiểu về DVCTT mức độ 3, nhiều xã đã chủ động thực hiện các hình thức tuyên truyền.
Tiêu biểu như xã Tản Lĩnh (huyện Ba Vì) đã xây dựng và thực hiện kế hoạch tuyên truyền đến cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân trên địa bàn xã và học sinh trường THCS thông qua hệ thống loa truyền thanh, lồng ghép trong hội nghị của các ngành, đoàn thể, các cuộc thi và trong hoạt động dạy học ở nhà trường.
Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, do người dân ở các xã ít có điều kiện tiếp xúc với máy tính, điện thoại thông minh nên rất bỡ ngỡ khi tiếp cận với DVCTT mức độ 3. Bà Hồ Thị Lành (xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì) đi làm thủ tục khai sinh cho cháu cho biết: “Nghe nói có thể gửi thủ tục qua mạng internet, nhưng tôi không quen làm nên nhờ cán bộ tiếp nhận hồ sơ làm giúp luôn”. Đây cũng là tâm lý khá phổ biến của người dân khu vực ngoại thành. Điều này dẫn tới việc các cán bộ, công chức phải làm nhiều việc hơn.
Ông Vũ Mạnh Cường, cán bộ tư pháp - hộ tịch xã Tản Lĩnh (huyện Ba Vì) cho biết: “Từ khi triển khai đến nay, xã đã tiếp nhận gần 100 hồ sơ khai sinh, nhưng đều do cán bộ nhập vào máy tính. Mặc dù cán bộ có hướng dẫn nhưng người dân khó tự thực hiện. Vì vậy, cán bộ bận hơn, khối lượng công việc phải làm tăng gấp 3”. T
ương tự, bà Phạm Thị Thêu, công chức tư pháp - hộ tịch xã Tô Hiệu (huyện Thường Tín) phản ánh: “Nhiều người viết tờ khai trên giấy cũng phải làm đi làm lại. Trong khi đó, công đoạn nhập dữ liệu trên máy tính khá phức tạp do phải điền nhiều thông tin. Mỗi lần nhập một hồ sơ mất 30 phút nên cũng ảnh hưởng đến công việc chuyên môn khác”.
Còn theo ông Nguyễn Văn Ngọt, cán bộ tư pháp - hộ tịch xã Phú Túc (huyện Phú Xuyên): “Đa số công dân đến đây không có email nên tôi phải sử dụng email của mình, hoàn thiện dữ liệu giúp công dân đăng nhập vào phần mềm để nộp hồ sơ”.
Như vậy, việc triển khai thực hiện DVCTT mức độ 3 đã mang lại hiệu quả bước đầu, song chưa được như mong muốn. Thời gian triển khai chưa lâu, nhưng các xã cần nghiên cứu thực tiễn tại địa phương mình, tìm biện pháp tuyên truyền phù hợp để người dân sẵn sàng tiếp cận và thực hiện DVCTT mức độ 3. Hình thức tuyên truyền có thể thực hiện bằng nhiều cách như: Niêm yết công khai tại bộ phận “một cửa”, tại các khu dân cư, địa điểm sinh hoạt cộng đồng, nhà văn hóa, phát tờ rơi để công dân biết về cách thức sử dụng và lợi ích đạt được khi sử dụng dịch vụ. Bên cạnh đó, có thể bố trí thêm cán bộ hoặc huy động lực lượng đoàn viên, thanh niên trực tiếp hướng dẫn người dân nhập hồ sơ trực tuyến khi nộp thủ tục tại bộ phận “một cửa”.
Việc triển khai hệ thống DVCTT mức độ 3 lĩnh vực tư pháp cấp xã tại 416 xã được triển khai thành hai giai đoạn. Giai đoạn 1: Triển khai thí điểm tại 139 xã thuộc 6 huyện: Đông Anh, Sóc Sơn, Hoài Đức, Thanh Trì, Ba Vì, Gia Lâm được vận hành chính thức ngày 10-11-2016. Giai đoạn 2: Triển khai tại 277 xã thuộc 12 huyện, thị xã còn lại được vận hành chính thức ngày 15-12-2016. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.