Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dịch vụ cầm đồ: Tiềm ẩn nhiều hệ lụy xấu

Thành Tâm| 02/10/2013 06:08

(HNM) - Có lẽ ít tỉnh, thành phố nào lại có nhiều cửa hàng kinh doanh dịch vụ cầm đồ như Hà Nội. Điều kiện để mở hiệu cầm đồ mới nghe thì tưởng phức tạp vì thuộc diện kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự (ANTT), nhưng thực tế có vẻ không đến nỗi khó khăn.



Theo quy định, chủ hộ kinh doanh phải có lý lịch rõ ràng, đã thành niên, làm chủ hành vi dân sự, không trong tình trạng bị tố tụng, mang án. Cơ sở kinh doanh chỉ cần đáp ứng yêu cầu về an ninh công cộng, phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường... Vấn đề còn lại là vốn cũng không quá bức thiết. Chỉ cần vài trăm triệu đồng là làm được vì đặc thù của dịch vụ này là "nắm đằng chuôi", cho vay số tiền thấp hơn giá trị hàng hóa được cầm cố nên không sợ thiệt hại vật chất. Hàng hóa giá trị lớn thì từ chối cầm cũng chẳng sao... Có lẽ vì khá dễ làm nên trên địa bàn toàn thành phố có đến hơn 2.200 hiệu cầm đồ, trong đó có những địa bàn có mật độ hiệu cầm đồ dày đặc như khu vực đường Láng (quận Đống Đa).

Bản thân dịch vụ cầm đồ không có gì xấu, trái lại còn đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân khi cần vay tiền, thanh lý nhanh đồ vật, tài sản không cần thiết. Trên thực tế đi kèm với dịch vụ cầm đồ là các hoạt động tín dụng tấp nập, cho vay với lãi suất cao. Các cửa hàng cầm đồ hoạt động như một cơ sở kinh doanh tín dụng quy mô nhỏ, đáp ứng tất cả nhu cầu vay nóng, đáo nợ với thủ tục rất thoáng: Không cần chứng minh tài sản thế chấp, không cần trình bày mục đích vay... chỉ có điều lãi suất cho vay rất cao, ít cũng là 3.000-4.000 đồng/triệu đồng/ngày. Vì siêu lợi nhuận nên các chủ cơ sở kinh doanh cầm đồ không từ thủ đoạn nào để đòi nợ, siết nợ, kể cả thuê côn đồ, từ đó hình thành "liên minh" hoạt động cầm đồ, cho vay và bảo kê, đòi nợ. Không ít vụ gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích, thậm chí là án mạng đã xảy ra do mâu thuẫn liên quan đến dịch vụ cầm đồ.

Một vấn đề khác là các cửa hàng cầm đồ cũng dễ trở thành nơi tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có. Các đối tượng trộm cắp, cướp, cướp giật tài sản thường tìm đến cửa hàng cầm đồ để tiêu thụ của gian vì không cần chứng minh nguồn gốc tài sản, nên việc mua bán diễn ra đơn giản, chóng vánh. Xét ở góc độ này, có thể nói dịch vụ cầm đồ đã gián tiếp tiếp tay cho tội phạm.

Vì những mối nguy trên, CATP Hà Nội đánh giá, dịch vụ cầm đồ là một trong những yếu tố tiềm ẩn phức tạp về TTATXH. Trong một cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, Giám đốc CATP, cho rằng việc kiểm soát dịch vụ cầm đồ là một biện pháp nghiệp vụ để ngăn chặn, phát hiện, đấu tranh với tội phạm. Kết quả ban đầu, trong tháng 8 vừa qua, CA đã kiểm tra hơn 600 cơ sở kinh doanh cầm đồ và đình chỉ hơn 60 cơ sở có biểu hiện vi phạm. Thời gian tới, cùng với những yêu cầu nghiệp vụ khác, Giám đốc CATP yêu cầu các đơn vị nghiệp vụ mà nòng cốt là Phòng CSĐT tội phạm về TTXH phải tập trung giải quyết tình hình liên quan đến các đối tượng cầm đồ có dấu hiệu liên hệ với các ổ nhóm tội phạm, lưu ý đến các ổ nhóm tội phạm liên quan đến xã hội đen, cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê, bảo kê bến bãi, đường dây buôn lậu… Phòng CSĐT tội phạm về TTXH cần tăng cường phối hợp với các địa phương tiếp tục rà soát, phân loại củng cố tài liệu tập trung triệt phá các loại tội phạm này, cũng như đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện, trong đó đáng chú ý là các hiệu cầm đồ...

Cầm đồ và kinh doanh dịch vụ cầm đồ là nhu cầu tất yếu của xã hội, song việc nở rộ dịch vụ cầm đồ lại chưa tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật… đã dẫn đến những hệ lụy xấu về TTATXH. Đã đến lúc phải siết chặt công tác quản lý đối với dịch vụ này mới phòng ngừa được những yếu tố bất ổn về ANTT.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dịch vụ cầm đồ: Tiềm ẩn nhiều hệ lụy xấu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.