(HNM) - Cái đích 12-14% tăng trưởng tín dụng mà Ngân hàng Nhà nước đặt ra cho cả năm 2014 có đạt được?
Không tác động nhiều đến mặt bằng lãi suất
Không cần phải chờ đến hiệu lệnh từ NHNN, trước đó nhiều tháng, các ngân hàng thương mại lớn đã kéo lãi suất huy động với tất cả những kỳ hạn ngắn xuống thấp hơn mức trần. Đại diện các ngân hàng này khẳng định, lãi suất không còn là vấn đề lớn, mà quan trọng là phải tìm được đầu ra cho DN. Khi sức mua của người dân kém, DN không có cơ hội bán được hàng nên không có điều kiện tìm đến ngân hàng.
Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh lãi suất huy động với kỳ vọng kích thích tăng trưởng những tháng cuối năm. Ảnh: Trần Việt |
Lãnh đạo một ngân hàng ở Hà Nội cho rằng, sau động thái giảm lãi suất huy động, cơ quan điều hành là NHNN đã bắt nhịp cùng thị trường để cắt giảm trần lãi suất huy động đối với kỳ hạn dưới 6 tháng. Nếu như cách đây vài năm, NHNN luôn phải phát lệnh để điều chỉnh sóng ngầm lãi suất, nay chỉ còn phải nắn chỉnh lãi suất đối với các ngân hàng nhỏ để đuổi kịp xu hướng của các ngân hàng thương mại lớn. Thực tế về việc các ngân hàng giảm lãi suất huy động xuống dưới 6%, thậm chí là dưới 5%/năm cho các kỳ hạn ngắn từ vài tháng trước, sau đó NHNN mới phát lệnh cho thấy quyết định của NHNN lần này không tác động nhiều tới mặt bằng lãi suất huy động của hệ thống ngân hàng.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng - Phó Thống đốc NHNN, cùng với quyết định giảm trần lãi suất huy động, NHNN yêu cầu các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng tiền đồng với một số ngành kinh tế ưu tiên từ 8%/năm xuống 7%/ năm. Đồng thuận với NHNN, các ngân hàng thương mại lớn như Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV đã đồng loạt hạ lãi suất cho vay trung - dài hạn với 5 lĩnh vực ưu tiên xuống 10%/năm; đồng thời, giảm lãi suất cho vay ngắn hạn xuống 7%/năm. Những ngân hàng khác sẽ tự cân đối hài hòa lợi ích, dựa trên tình hình tài chính để tiếp tục giảm lãi suất cho vay. Mặc dù quy định trần lãi suất huy động, nhưng NHNN không quy định trần lãi suất cho vay, vì nếu thế sẽ không tạo được sự linh hoạt trong lãi suất đối với những khách hàng được ưu tiên.
Hạ lãi suất là chưa đủ
Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là liệu các ngân hàng có điều chỉnh giảm lãi suất cho vay với tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế, bởi không chỉ những ngành nghề ưu tiên mới cần được ưu ái, những ngành khác cũng cần sự chia sẻ của ngân hàng. Với các ngân hàng lớn, lãi suất cho vay ngắn hạn có thể xuống mức 7%/năm, trung-dài hạn 10%/năm, có nghĩa là những ngân hàng nhỏ hơn có thể vẫn sẽ đẩy lãi suất cho vay thông thường 13-14%/năm, thậm chí là trên mức đó, gây khó khăn cho DN. Nhưng đại diện nhiều DN thừa nhận, lãi suất không phải là yếu tố quyết định trong thời điểm này, mà vì nguồn hàng ế còn nhiều. Trong hoàn cảnh chưa thể tìm thấy đầu ra cho sản phẩm, ngân hàng có điều chỉnh lãi suất xuống 4-5%/năm, DN cũng không dám vay. Rõ ràng là bên cạnh điều chỉnh lãi suất, việc cần làm hiện nay là kích cầu tiêu dùng.
Còn đối với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12-14% năm 2014, các chuyên gia của Ngân hàng HSBC đánh giá, nhiều khả năng tín dụng sẽ tăng tốc vào giai đoạn cuối năm và sẽ đạt khoảng 10%, thấp hơn mục tiêu đặt ra. Dù tiêu dùng cá nhân có xu hướng tăng dần nhưng sẽ không tăng mạnh do niềm tin người tiêu dùng còn yếu. NHNN đang nỗ lực thúc đẩy cầu nội địa, hy vọng việc giảm trần lãi suất huy động sẽ kích thích chi tiêu và khiến cho các ngân hàng giảm lãi suất cho vay. Động thái này là một phần của biện pháp kích thích để tăng trưởng tín dụng đạt mục tiêu cũng như thúc đẩy cầu nội địa.
Theo thống kê của NHNN, tính từ đầu năm đến ngày 24-10, tăng trưởng tín dụng đạt 7,95%. Để có thể đạt 12-14%/năm, hệ thống ngân hàng gần như phải "tăng tốc", với mức tăng từ hơn 4-6%/năm, vì từ nay đến hết năm chỉ còn 2 tháng. Liệu cái đích này đặt ra có quá cao khi mà dư địa tăng không quá khả quan và có gây sức ép lên các ngân hàng thương mại sau một thời gian dài đang bị đè nặng bởi những khoản nợ xấu? Nếu phải chạy theo tốc độ tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng có thể sẽ phải dễ dãi hơn với những điều khoản cho vay và nguy cơ nợ xấu chồng nợ xấu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.