(HNM) - Trong lúc các địa phương lân cận liên tiếp công bố dịch tai xanh thì số lượng lợn từ các địa phương này liên tục "chảy" vào TP Hồ Chí Minh ngày một tăng. Điều này, khiến người dân thành phố hết sức hoang mang.
Nguy cơ từ đường "tiểu ngạch"
Từ đầu tháng 7 đến nay, số lượng lợn từ các địa phương lân cận đã công bố dịch tai xanh như Bình Dương, Long An, Tiền Giang, Bến Tre… đổ về TP Hồ Chí Minh ngày một tăng. Nếu đầu tháng, số lượng lợn từ Bình Dương về thành phố khoảng 300 con mỗi ngày, thì những ngày này đã tăng lên đến trên 500 con/ngày; số lợn từ Long An trước đây khoảng 1.000 mỗi ngày, nay đã tăng lên gần 2.000 con/ngày, chiếm gần 20% số lợn nhập về. Theo Chi cục Thú y TP Hồ Chí Minh, sở dĩ lợn ở các địa phương có dịch tai xanh đổ về ngày càng nhiều, là do người dân lo lắng về tình hình dịch bùng phát nên tranh thủ bán để… chạy dịch! Ông Phan Xuân Thảo - Chi cục trưởng Chi cục Thú y thành phố cho biết, điều nguy hiểm nhất hiện nay là virus PRRS gây ra dịch tai xanh đã lưu hành cả trong gia súc và môi trường với số lượng tăng lên gấp 10 lần, nhưng lực lượng chức năng kiểm tra, giám sát quá mỏng, không thể kiểm tra hết nguồn lợn từ các địa phương khác đưa vào. Hiện nay, TP Hồ Chí Minh chỉ có 4 trạm kiểm dịch gồm: An Lạc (Bình Chánh); An Sương (quận 12) Xuân Hiệp và Ngã tư Thủ Đức (quận Thủ Đức) để giám sát, kiểm tra nguồn thịt lợn. Vì thế, lực lượng này chỉ đủ sức kiểm tra nguồn lợn "chính ngạch" còn "tiểu ngạch" thì không thể kiểm soát nổi.
Nguồn thịt lợn đi bằng con đường "tiểu ngạch" này đang là mối đe dọa thực sự đối với người dân thành phố vì lâu nay phần đông các bà nội trợ, nhất là người lao động thường đến các chợ tự phát, "chợ trời" để mua thịt lợn nên rất dễ lây lan trong cộng đồng. Đó là chưa kể một bộ phận thương lái hám lợi mua lợn từ vùng có dịch rồi xin thủ tục kiểm dịch ở những địa phương khác không nằm trong vùng dịch nhằm thay đổi nguồn gốc xuất xứ để qua mặt lực lượng chức năng.
Nói không với thịt không rõ xuất xứ
Dù đến thời điểm này TP Hồ Chí Minh vẫn chưa phát hiện ổ dịch tai xanh nào ở lợn, nhưng trước tình hình dịch xuất hiện tại nhiều tỉnh giáp ranh và đang trực tiếp đe dọa đến sức khỏe của người tiêu dùng cũng như đàn lợn trên địa bàn. Do đó, Chi cục Thú y TP Hồ Chí Minh đã kêu gọi các chủ trang trại nuôi lợn thực hiện phương châm: "nội bất xuất, ngoại bất nhập", tăng cường tiêu độc, khử trùng ngay tại trang trại; các ngành chức năng cùng phối hợp với Chi cục Thú y giám sát chặt nguồn lợn từ các nơi khác vào thành phố; các điểm giết mổ không được thu mua gia súc đến từ vùng dịch; tăng cường lấy mẫu kiểm tra, giám sát trên những vùng công bố dịch; kiểm tra những nơi không phải vùng dịch để tránh hợp thức hóa lợn từ vùng có dịch sang vùng không dịch. Bên cạnh đó, TP Hồ Chí Minh cũng đề nghị 3 tỉnh: Bình Dương, Long An và Tiền Giang phối hợp chặt chẽ trong việc ngăn chặn dịch. Theo đó, toàn bộ gia súc của 3 tỉnh này, nếu muốn đưa vào TP Hồ Chí Minh phải báo cáo với Chi cục Thú y; những trang trại nuôi lợn nằm trong vùng dịch phải được xét nghiệm âm tính với virus PRRS.
Việc thương lái vận chuyển lợn theo đường "tiểu ngạch" để trốn các lực lượng chức năng là vấn đề khó nhưng không phải không có cách giải quyết. Theo ông Phan Xuân Thảo, ngoài các biện pháp tăng cường kiểm tra tại các chốt kiểm dịch ở cửa ngõ ra vào thành phố, Chi cục Thú y TP Hồ Chí Minh còn kết hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để tăng cường kiểm tra tình trạng buôn bán thịt lợn không rõ nguồn gốc ở các chợ tự phát; đồng thời đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động người dân kiên quyết nói không với những quầy thịt không rõ xuất xứ.
Dịch lợn tai xanh lây lan tại các tỉnh phía Nam (HNM) - Hôm qua 27-7, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) xác nhận trong khi dịch lợn tai xanh đang có xu hướng giảm tại các tỉnh phía Bắc thì tại phía Nam lại có nguy cơ bùng phát. Hiện dịch đã xuất hiện ở Sóc Trăng, Tiền Giang, Long An, Bình Dương, Bạc Liêu và Quảng Nam. Ổ dịch phát hiện gần đây nhất tại 3 gia đình ở thị trấn Hòa Bình, huyện Hòa Bình và phường 7, xã Vĩnh Trạch thị xã Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu) làm 19 con lợn mắc bệnh. Tại Quảng Nam, từ ngày 19-7 đến ngày 26-7, dịch tai xanh cũng xảy ra tại 44 gia đình xã Điện Phước, huyện Điện Bàn làm 159 con lợn mắc bệnh (34 lợn nái và 125 lợn thịt). Cục Thú y cảnh báo các địa phương cần chú trọng công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý kịp thời dịch bệnh. Chí Kiên |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.